Xuất khẩu qua kênh siêu thị

19/09/2014 11:46

Xuất khẩu qua kênh siêu thị


Nhiều siêu thị ở Việt Nam đã giới thiệu và xuất hàng qua nhiều nước trên thế giới.


Việt Nam tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp thị trường bán lẻ trong nước mở cửa hoàn toàn, những “ông lớn” trong ngành bán lẻ tăng vốn đầu tư, bên cạnh sức ép cạnh tranh còn là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt đẩy mạnh hàng vào kênh siêu thị ở nước ngoài.

 

Hàng Việt vào siêu thị ngoại

Những ngày này, bộ phận xuất nhập khẩu của Big C Việt Nam đang tất bật chuẩn bị cho triển lãm Tuần lễ hàng Việt Nam tại siêu thị Casino, Paris - Pháp. Đây là triển lãm lần thứ hai (lần đầu năm 2011) nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng Pháp nói riêng, châu Âu nói chung và cộng đồng người Việt các sản phẩm chủ lực của Việt Nam.

Cuối tháng 7 đầu tháng 8, Lotte Mart Việt Nam đã tổ chức chương trình triển lãm - truyền thông “Sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu: Cơ hội mới cho thương mại Việt Nam - Hàn Quốc”, thu hút gần 100 DN ngành thủy sản, nông sản, dệt may. Đại diện Lotte Mart Việt Nam cho biết chương trình nhằm giới thiệu những thương hiệu Việt xuất sắc đến người tiêu dùng đồng thời mở ra cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang 109 siêu thị Lotte Mart tại Hàn Quốc. Sau triển lãm, Lotte Mart đã kết nối cho 24 DN Việt Nam xuất khẩu 101 sản phẩm gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ dùng gia đình sang Hàn Quốc.

Giữa tháng 6, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) tổ chức tuần lễ giới thiệu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như cà phê, gạo, hoa quả, mì tôm, hải sản và thực phẩm chế biến tại 270 đại siêu thị, siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Tập đoàn NTUC Fariprice ở Singapore. Trước đó, đầu tháng 6-2014, tuần lễ sản phẩm Việt Nam tại Metro Cash & Carry Đức diễn ra đồng loạt tại 117 trung tâm Metro ở Đức, giới thiệu hơn 40 sản phẩm Việt Nam, thu hút hàng trăm người tiêu dùng tham gia, tìm hiểu và thưởng thức món ăn Việt.

Từ năm 2006, Metro bắt đầu xúc tiến thu mua, xuất khẩu hàng Việt Nam qua các hệ thống bán lẻ của tập đoàn. Đến cuối năm 2012, đã có hơn 40 nhà cung cấp các mặt hàng phi thực phẩm (đồ dùng văn phòng, đồ dùng trang trí, may mặc, gỗ nội ngoại thất...) xuất hàng qua hệ thống Metro với khoảng 1.100 đơn hàng/năm, tổng giá trị hơn 35 triệu USD. Năm 2013, có 6 triệu USD hàng nông sản thực phẩm xuất qua Metro, dự kiến trong năm 2014, giá trị xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi, đạt 12 triệu USD. Với Big C, năm 2013 đã xuất khẩu 20 triệu USD hàng Việt Nam qua các chi nhánh của Tập đoàn Casino, tăng 30% so với năm 2012. Tập đoàn Aeon - Nhật mới có mặt tại Việt Nam chưa bao lâu nhưng cũng đã tham gia xuất khẩu 60 triệu USD hàng Việt (dệt may, da giày, thực phẩm…) và đặt mục tiêu tăng trưởng khá trong thời gian tới.

 

Nhu cầu thị trường lớn

Năm ngoái, Walmart - tập đoàn bán lẻ lớn thứ hai tại Mỹ - đã lập văn phòng đại diện tại Việt Nam nhằm tìm kiếm nguồn hàng cung cấp cho chuỗi hệ thống của mình. Ông Herb Cochran, Giám đốc Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AMCHAM), cho biết Tập đoàn Walmart đang tìm kiếm rất nhiều nhà cung cấp hàng hóa cho chuỗi siêu thị của họ. Với doanh số thường niên 466 tỉ USD, có 10.800 cửa hàng tại 27 quốc gia nên sẽ là cơ hội lớn nếu DN Việt đưa hàng được vào chuỗi siêu thị này.

Tại Diễn đàn Xuất khẩu năm 2014 mới đây, đại diện hệ thống siêu thị Fairprice (Singapore) tại Việt Nam cho biết với việc hợp tác cùng Saigon Coop mở đại siêu thị Coop Xtra, nhiều sản phẩm nông thủy hải sản Việt Nam đã xuất khẩu qua kênh này sang thị trường Singapore như bưởi năm roi, khoai lang Nhật, thanh long và một số thực phẩm khô… Fairprice là tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Singapore về doanh số với hơn 280 siêu thị, trong đó có đại siêu thị, siêu thị hàng cao cấp, hệ thống siêu thị tiện lợi, các điểm mua sắm nhỏ… “Sản phẩm Việt Nam phần lớn chất lượng tốt nhưng người tiêu dùng Singapore không biết tới do xúc tiến thương mại, nhận diện thương hiệu kém. Do đó, khi đặt cạnh các sản phẩm từ Malaysia, Singapore thì khách hàng sẽ chọn sản phẩm nước này” - vị này cho biết.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết sau hơn 1 năm liên doanh với Fairprice, Saigon Co.op đã xuất hơn 300 mặt hàng qua đối tác này. Định hướng trong 2 năm tới sẽ xuất khoảng 3.000 mặt hàng. “Tùy thuộc vào nhu cầu thị trường và khả năng cung ứng của các nhà cung cấp mà chúng tôi chọn đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu hoặc chủng loại hàng hóa. Trước mắt, xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm đang chiếm số lượng lớn và Saigon Co.op cũng đang tính toán xuất thử một số mặt hàng may mặc như quần áo, túi xách” - ông Đức nói. 

 

Cơ hội cho doanh nghiệp

Ông Lê Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Gỗ Đức Thành, cho biết việc các tập đoàn bán lẻ tăng đầu tư tại Việt Nam đang giúp DN đưa hàng Việt ra thế giới nhiều hơn. Sau khi sản phẩm của Đức Thành có mặt ở Lotte Việt Nam, công ty mẹ ở Hàn Quốc đã chủ động liên hệ đặt hàng để đưa sang bán trong các siêu thị Lotte ở nước ngoài. Hiện doanh thu của công ty xuất khẩu qua hệ thống Lotte Hàn Quốc cao gấp 7 lần bán tại Lotte Việt Nam.

Chuỗi siêu thị E-mart cũng chủ động đặt hàng của Đức Thành sau khi nhìn thấy một số sản phẩm của Đức Thành do nhà nhập khẩu cung cấp vào E-mart. Thị trường Nhật, Hàn Quốc hiện chiếm khoảng 50%-52% doanh thu của công ty. Điều thuận lợi là nếu hàng xuất thành công vào Nhật, các thị trường khác sẽ tin tưởng, yên tâm về chất lượng, đánh giá DN tốt hơn bởi thị trường Nhật vốn nổi tiếng khó tính.

 

Thanh Nhân - Thái Phương (Theo NLĐ)