Mobile shopping - con đường mới đến với khách hàng
22/11/2014 03:00
So với cách đây 10 năm, doanh nghiệp giờ đây có thể tăng cường sự hiện diện ở môi trường trực tuyến dễ dàng hơn rất nhiều thông qua những công cụ miễn phí.
Theo Google, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là thị trường tiên phong của các thiết bị di động trên thế giới. Ông Julian Persaud, Giám đốc Điều hành Google Đông Nam Á, chia sẻ về xu hướng trực tuyến của người dùng và tác động của điều này đến doanh nghiệp. Google dựa vào yếu tố nào để kết luận châu Á - Thái Bình Dương là thị trường tiên phong của các thiết bị di động trên thế giới? Điều này được chứng minh qua một số yếu tố. Đầu tiên là tỉ lệ thâm nhập của smartphone trên dân số. 2 trong số 5 thị trường có tỉ lệ thâm nhập của smartphone cao nhất thế giới đều nằm ở châu Á - Thái Bình Dương, ví dụ, Singapore với 85% người dùng smartphone. Trong năm qua, tỉ lệ này đã tăng trưởng nhanh ở các quốc gia khác trong khu vực: Indonesia tăng gấp đôi từ 14% lên 28%; Việt Nam tăng từ 20% lên 36%; còn Philippines đã lên đến 41%.
Kế đến, một xu hướng rõ ràng nhất ở châu Á, đặc biệt là châu Á - Thái Bình Dương, chính là việc người dùng "nhảy cóc" lên sử dụng các thiết bị di động để lên mạng mà không dùng máy tính. Nếu như ở các thị trường khác, đa số người dùng sử dụng máy tính và laptop rồi mới dùng đến smartphone để lên mạng; thì người dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phần lớn đều lên mạng lần đầu qua smartphone. Như vậy, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp cần làm gì để nắm bắt cơ hội tiếp cận với khách hàng qua kênh mới này?Theo nghiên cứu mới đây do TNS và Google thực hiện, có đến 40% người dùng ở Việt Nam tìm kiếm trên smartphone trước khi mua hàng, so với chỉ 20% ở Anh. Cũng theo nghiên cứu này, chưa đến phân nửa khách hàng doanh nghiệp của Google có website được tối ưu hóa để xem được trên smartphone. Như vậy, có sự chênh lệch giữa nhu cầu của người dùng và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp.
Được biết, ngay cả ở Mỹ hay châu Âu, tỉ lệ doanh nghiệp có website sẵn sàng cho kênh mobile vẫn chưa nhiều. Ông có cho rằng đây là vấn đề các doanh nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ mất nhiều thời gian để khắc phục?
Nhìn chung, ở khắp nơi trên thế giới, doanh nghiệp vẫn đang đi sau nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, vấn đề này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ lớn hơn vì người dùng đi trước quá nhanh so với doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, vấn đề sẽ có thể được giải quyết nhanh hơn so với các doanh nghiệp lớn. Nhưng mọi chuyện sẽ không đơn giản là xây dựng một website tối ưu cho di động, mà doanh nghiệp còn phải suy nghĩ cách tiếp cận và kinh doanh mới hơn thông qua kênh này.
Đối với doanh nghiệp chưa tham gia vào internet, liệu họ có thể bắt kịp với nhu cầu của người dùng và những đối thủ đi trước không?
So với cách đây 10 năm, doanh nghiệp giờ đây có thể tăng cường sự hiện diện ở môi trường trực tuyến dễ dàng hơn rất nhiều thông qua những công cụ miễn phí. Ưu điểm của internet là doanh nghiệp có thể thử nghiệm và thay đổi một cách dễ dàng cho đến khi đạt được kết quả tối ưu với mức chi phí bỏ ra. Ví dụ, một doanh nghiệp kiểu truyền thống sẽ quảng cáo bằng cách in 5.000 tờ rơi để phát cho khách hàng. Họ sẽ không thể thay đổi nội dung giữa chừng khi phát hiện đối thủ đưa ra thông điệp hấp dẫn hơn, và họ cũng không thể trả lại số lượng tờ rơi đã in. Với internet, nếu nhận thấy thông điệp hiện tại chưa hiệu quả, doanh nghiệp có thể nhanh chóng thay đổi mà không phải mất thêm chi phí. Lên mạng đôi khi không phải là để tìm khách hàng mới, mà là giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí hoạt động.
Theo NCĐT