Làm hàng cho siêu thị sao khó quá!
06/12/2014 11:16
Chủ các cơ sở đặc sản địa phương đã nỗ lực đưa hàng vào siêu thị, nhưng cuối cùng, nhiều người đành tìm hướng đi khác!
Ông Lương Văn Thông, một trong hai hộ ở hợp tác xã (HTX) bánh tráng Cù Lao Mây, làm bánh tráng nướng nước cốt dừa và bánh tráng nướng tôm khô – hai loại đặc sản chỉ làm theo đơn đặt hàng. Hiện nay, siêu thị chỉ biết bánh nem cuốn thịt hoặc bánh ngọt có mè, dừa, mở gói ra ăn liền chứ chưa biết hai loại đặc sản này.
Những toan tính vào siêu thị
“Mỗi tháng, tuỳ theo nắng – mưa, số ngày sản xuất trung bình của mỗi nhà khoảng 500 bánh, tiền lời chừng 70.000đ/ngày. Nếu ký được hợp đồng giao hàng ổn định với siêu thị và mỗi hộ làm gấp đôi số lượng, chắc cuộc sống sẽ khá hơn”, ông Thông kỳ vọng.
HTX bánh tráng Cù Lao Mây có 13 xã viên, chưa có ai góp vốn cổ phần! Nếu ký được hợp đồng với siêu thị thì họ sẽ góp vốn, ông Thông nói như vậy. “Tôi đã bàn với chị Mai, chị Hồng ở Co.opmart Vĩnh Long, chỉ phải sửa đổi bao bì thay vì tính số lượng bánh thì ghi trọng lượng và HTX phải cam kết thống nhất công thức để chất lượng hàng đồng nhất”. Chủ nhân của Mắm tép 8-7, anh Tô Phước Mạnh, thị trấn Duyên Hải, học hỏi từ nhiều người và mất khá nhiều năm mới làm cho mắm để lâu không bị đổi màu, tép còn thịt.
Mùa này tới cận tết là lúc cạnh tranh nguyên liệu, giá có thể đẩy lên từ 80 – 100 triệu đồng/ 1 tấn, thậm chí 125 – 130 triệu đồng/tấn tép nguyên liệu. Trước đây, Mạnh chỉ làm 300kg mắm tép/tháng vì thực ra anh chỉ đủ tiền mua chừng ấy, bán hết mới làm tiếp. “Nay đã đưa hàng vào siêu thị Vinatex và các quán xá, nếu mỗi tháng họ cần 500 – 1.000kg, cơ sở sẽ cố gắng giao đủ hàng nhưng thanh toán chậm thì chắc chắn sẽ khó khăn”, Mạnh cho biết.
Một người từng làm nước khoáng, nuôi rắn hồ ri, bán cơm, điêu khắc, làm mắm… và hiểu rằng với những gì anh học ở đại học kinh tế ngoại thương, ở người bán hàng cho Unilever… anh không thể bó tay khi đã làm được Mắm tép 8-7 mà không bán được. Hiện nay, Mạnh đồng thời làm sản phẩm mới: Mắm tôm lột, Mắm từ philê cá phi. Năng lực cung cấp : 500 – 1.000kg mắm các loại. Dù nguồn vay vốn thế chấp chỉ đủ 50% nhu cầu, nhưng anh vẫn cho rằng tiếp cận siêu thị để học thêm điều gì đó…”
Cái khó nhãn tiền
Ông Đỗ Công Bình, giám đốc công ty CP Tứ Quý (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đã đầu tư thêm 2 tỉ đồng lắp một máy sấy, một giàn phơi trong nhà kính, nâng sản lượng cá khô gấp ba lần (9 tấn/ngày) để hy vọng sẽ bắt được mối hàng vô siêu thị. Ông Bình cũng nghĩ tới nhiều hướng khác.
Nếu ký được hợp đồng với nhiều đầu ra, trong đó có siêu thị thì chắc chắn diện tích nuôi cá sẽ mở rộng trên 50ha, ông Bình nói tiếp: huyện đã quy hoạch và chờ đợi cuộc thương lượng này để tiếp tục vận động bà con nông dân nuôi theo đơn đặt hàng.
Ông Bình cũng cho biết thêm: “Các cuộc thương lượng trước đây, Khô Tứ Quý buộc phải giảm 20% so giá chợ để vào siêu thị”. Nhưng theo ông, trở ngại đáng lo nhất, vẫn là phải giao hàng cho nhiều điểm cùng một lúc và bị trả chậm trong khi doanh nghiệp thì thiếu vốn, phương tiện vận tải…
“Theo nguyên tắc khi cơ sở xác nhận đã nhận được đặt hàng từ siêu thị, nhà cung cấp phải giao hàng sau 24 giờ”, ông Ngô Văn Phương, Nước mắm rươi Long Vinh, nói tiếp: “Co.opmart giá tốt, nếu toàn hệ thống ăn hàng thì cơ sở không kịp giao. Nhưng khi các Co.op có quyền đặt hàng, thanh toán chậm hơn thời hạn hợp đồng thì không biết báo với ai. Đã có trường hợp giao hàng từ đầu năm 2014, nhưng tới nay số tiền thanh toán cho nhà cung cấp – dù chỉ còn chưa tới
4 triệu đồng – nhưng vẫn chưa thanh toán hết”.
Tình trạng này khiến nhiều cơ sở yếu vốn, chưa có kinh nghiệm làm ăn với siêu thị tìm hướng khác. Các quán xá, trạm dừng ven quốc lộ 1A đang chú ý tới nguồn đặc sản và họ đang thu hút nhiều chủng loại để đa dạng hoá đặc sản ở các trạm dừng. Các cơ sở nhỏ thích tiền trao cháo múc vì hàng nằm qua tay siêu thị thì lãi suất nợ của nhà sản xuất cứ lên từng ngày.
Kích hoạt kiểu làm khác
Ông Nguyễn Tiến Hải, ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, từng là nhà cung cấp tôm khô cho Co.opmart kể, trước đây siêu thị tạo thuận lợi cho nhà cung cấp, lấy hàng khối lượng lớn, giao một lần tại một đầu mối. Sau đó, siêu thị thay đổi chính sách: nhà cung cấp tự đóng gói, tự giao hàng từng nơi. Nhân viên giao nhận của họ cũng không còn hăng hái nữa khiến việc kết nối dù đậm đà với “hàng tổng” và dù đã “hẹn hò”, nhưng rồi việc mua bán vẫn không thành.
Ông Hải quay về chợ đầu mối, chợ tỉnh!
Thông thường nhà cung cấp cho siêu thị phải tự giảm giá. Riêng mặt hàng tôm khô, theo ông Hải, chào và chốt giá xong cũng vài tháng trước tết, giao hàng xong 45 ngày sau mới được thanh toán. Tính ra, mất ít nhất khoảng hai tháng rưỡi cho một chu kỳ giao dịch, trong thời gian đó, giá tôm khô “sai chạy” nhiều lắm.
Ông Hải “bơm” hàng ra chợ Trà Vinh, chọn nơi bán hàng đẹp hơn, giá tốt hơn các cơ sở khác. Website “tomkhotienhai” do con gái ông (Mỹ Duyên) đang học năm cuối ngành tài chính – ngân hàng ở TP.HCM điều hành, giúp việc bán hàng chạy hơn.
“Đã giao hàng cho khách ở Tuyên Quang. Họ đặt 3 – 5kg tôm khô/lần, chuyển phát nhanh, nhưng nếu số lượng lớn hơn phải tính kênh phân phối khác”, ông Hải thận trọng nói.
Ông đủ khả năng “tự xử” như bây giờ do đã quyết tâm đầu tư thêm 1,3 tỉ đồng lắp nồi hơi và 300 – 400 triệu đồng làm kho lạnh (6 tấn). Cộng hệ thống kho có trước, ông Hải yên tâm trữ gấp đôi lượng tôm khô, khô cá dứa, khô cá khoai (trên 10 tấn/ngày) chờ được giá thì bán. Ngân hàng MHB yên tâm với cách làm này nên ông Hải cần 1 tỉ đồng làm vốn thì chắc chắn được vay ngay, đúng 100% nhu cầu. “Hiện nay, trung tâm Khuyến công tỉnh Trà Vinh hứa hỗ trợ 30% kinh phí lắp lò hơi. Khi công trình hạ thế điện được hỗ trợ, tui sẽ dồn vốn làm showroom ngay tại đây. Có thể ít người tới Duyên Hải nhưng hình ảnh từ showroom, khu nguyên liệu, lò hơi, kho lạnh, sẽ hiện lên trang web khiến người mua yên tâm”, ông Hải đã thay đổi cách tính rất nhiều so với cách đây vài năm.
Hoàng Lan (Theo Thegioitiepthi)