Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ???
Bối cảnh, các xu hướng lớn và những sản phẩm điển hình?
- Mở đầu:
Ngày 20/01/2016, Diễn đàn kinh tế thế giới đã khai mạc với chủ đề “Làm chủ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” với sự tham dự của 2.500 đại biểu từ hơn 100 quốc gia, cùng nhiều quan chức lớn Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh David Cameron, Bill Gates, CEO của Microsoft Satya Nadella, Chủ tịch của Alibaba Jack Ma.
Hình 1: Diễn đàn kinh tế thế giới 2016 tổ chức tại Thụy Sĩ.
Khái niệm Industry 4.0 hay là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lần đầu tiên được đề cập trong bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao được chính phủ Đức thông qua vào năm 2012.
Theo GS. Klaus Schwab, chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Industry 4.0 (tiếng Đức là Industrie 4.0) hay Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (FIR), là một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo. FIR được định nghĩa là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị” đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet của vạn vật và Internet của các dịch vụ.
FIR tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các nhà máy thông minh. Trong các nhà máy thông minh này, các hệ thống vật lý không gian ảo sẽ giám sát các quá trình vật lý, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý. Với Internet của vạn vật, các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực, và thông qua Internet của các dịch vụ thì người dùng sẽ được tham gia vào chuỗi giá trị thông qua việc sử dụng các dịch vụ này.
Vậy thực chất Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bao gồm những nội dung gì và Việt Nam có thể tận dụng những gì để tạo ra những cơ hội cho con đường hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Chúng tôi cố gắng đi tìm câu trả lời này.
- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
2.1. Bối cảnh lịch sử
“Cuộc cách mạng” ở đây dùng để chỉ một sự thay đổi mang tính đột biến và triệt để. Nhiều cuộc cách mạng đã diễn ra trong suốt lịch sử thế giới khi các công nghệ mới và phương pháp mới nhận thức thế giới tạo ra một sự thay đổi sâu sắc trong các hệ thống kinh tế và kết cấu xã hội.
Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trải dài từ năm 1760 đến khoảng năm 1840, được bắt đầu bằng việc xây dựng các tuyến đường sắt và phát minh ra động cơ hơi nước, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại – kỷ nguyên sản xuất cơ khí.
Tiếp theo, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai được bắt đầu vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, với sản xuất hàng loạt, được thúc đẩy bởi sự ra đời của điện và dây chuyền lắp ráp.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu vào những năm thập niên 1960 và thường được gọi là cuộc cách mạng máy tính hay cách mạng số bởi vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và Internet (thập niên 1990).
Ngày nay chúng ta đang ở giai đoạn đầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. FIR đã bắt đầu vào thời điểm chuyển giao sang thế kỷ này và xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số, đặc trưng bởi Internet ngày càng phổ biến và di động, bởi các cảm biến nhỏ và mạnh mẽ hơn với giá thành rẻ hơn, bởi trí tuệ nhân tạo và “học máy”.
Các công nghệ số với phần cứng máy tính, phần mềm và hệ thống mạng đang trở nên ngày càng phức tạp hơn, được tích hợp nhiều hơn và vì vậy đang làm biến đổi xã hội và nền kinh tế toàn cầu.
Hình 2: Bốn cuộc cách mạng công nghiệp
Tại Đức, đã có những cuộc thảo luận về chủ đề “Industry 4.0″, một thuật ngữ được nêu ra tại Hội chợ Hannover vào năm 2011 để mô tả làm thế nào để tạo ra một cuộc cách mạng về mặt tổ chức của các chuỗi giá trị toàn cầu. Bằng cách kích hoạt các “nhà máy thông minh”, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra một thế giới mà ở trong đó các hệ thống ảo và vật lý của chuỗi sản xuất trên toàn cầu có thể hợp tác với nhau một cách linh hoạt. Điều này cho phép tùy biến sản phẩm để phù hợp với khách hàng và tạo ra các mô hình hoạt động mới.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là về các máy móc, hệ thống thông minh và được kết nối, mà còn có phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Đồng thời là các làn sóng của những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử. FIR là sự dung hợp của các công nghệ này và sự tương tác của chúng trên các lĩnh vực vật lý, số và sinh học, làm cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư về cơ bản khác với các cuộc cách mạng trước đó.
Trong cuộc cách mạng này, các công nghệ mới nổi và sự đổi mới trên diện rộng được khuếch tán nhanh hơn và rộng rãi hơn so với những lần trước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai chưa đến được với 17% dân số của thế giới, tức ước tính khoảng gần 1,3 tỷ người vẫn chưa tiếp cận với điện. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba vẫn chưa đến được với hơn nửa dân số thế giới, 4 tỷ người, phần lớn đang sống trong các nước đang phát triển, thiếu tiếp cận Internet.
2.2. Sự thay đổi sâu sắc và hệ thống
Quy mô và phạm vi của sự thay đổi giải thích lý do tại sao có thể cảm thấy sự gián đoạn và đổi mới xảy ra một cách sâu sắc như vậy ngày nay. Tốc độ của sự đổi mới xét trên cả hai phương diện gồm sự phát triển và tính phổ biến của cuộc cách mạng này xảy ra nhanh hơn bao giờ hết.
Ai cũng có thể tham gia vào cuộc cách mạng này, không chỉ là tốc độ, mà còn là quy mô phát triển đáng kinh ngạc. Thử so sánh thành phố Detroit vào năm 1990 (là một trung tâm lớn của các ngành công nghiệp truyền thống) với Thung lũng Silicon vào năm 2014. Năm 1990, ba công ty lớn nhất tại Detroit có vốn cổ phần hóa thị trường là 36 tỷ đô la Mỹ, doanh thu là 250 tỷ đô la Mỹ và có 1,2 triệu nhân viên. Trong năm 2014, ba công ty lớn nhất ở Thung lũng Silicon có vốn cổ phần hóa thị trường cao hơn một cách đáng kể (1,09 nghìn tỷ USD), tạo ra doanh thu tương tự với ba công ty ở Detroit khoảng 247 tỷ USD, nhưng với số nhân viên ít hơn khoảng 10 lần (137.000 nhân viên).
Thực tế là một đơn vị của cải vật chất được tạo ra ngày nay có khả năng sử dụng ít nhân công hơn so với 10 hay 15 năm trước đây bởi vì các doanh nghiệp số có chi phí biên gần bằng không. Ngoài ra, thực tế của thời đại số là nhiều doanh nghiệp mới cung cấp “các hàng hóa thông tin” với các chi phí lưu trữ, vận chuyển và nhân rộng hầu như bằng không. Một số công ty có công nghệ đột phá dường như đòi hỏi ít vốn để phát triển. Ví dụ các doanh nghiệp như Instagram hay WhatsApp không đòi hỏi nhiều vốn để khởi nghiệp, đã thay đổi vai trò của vốn và quy mô kinh doanh trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh tốc độ và qui mô, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể được xem là độc đáo vì sự hài hòa và tích hợp rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, ngày nay các công nghệ chế tạo số có thể tương tác với thế giới sinh học. Một số nhà thiết kế và kiến trúc sư đã kết hợp giữa thiết kế bằng máy tính, chế tạo cộng (additive manufacturing), kỹ thuật vật liệu và sinh học tổng hợp cho các hệ thống tiên phong có liên quan đến sự tương tác giữa các vi sinh vật, cơ thể người, những sản phẩm con người tiêu thụ, và thậm chí cả những tòa nhà con người đang sinh sống.
2.3 Lợi ích
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo ra các lợi ích hết sức to lớn. Người tiêu dùng dường như được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc cách mạng công nghệ này. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới với chi phí không đáng kể phục vụ người tiêu dùng. Gọi taxi, đặt vé máy bay, mua một sản phẩm, thực hiện thanh toán, nghe nhạc hay xem phim đều có thể được thực hiện từ xa. Internet, điện thoại thông minh và hàng ngàn các ứng dụng đang làm cho cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn và năng suất hơn. Chỉ đơn giản với một thiết bị như một máy tính bảng, chúng ta có thể đọc sách, lướt web và thông tin liên lạc, sở hữu khả năng xử lý tương đương với 5.000 máy tính để bàn của 30 năm trước, với chi phí lưu trữ thông tin gần như bằng không (ngày nay lưu trữ 1GB có chi phí trung bình ít hơn 0,03 USD một năm, so với hơn 10.000 USD thời điểm cách đây 20 năm).
3. Các xu hướng lớn
Vô số tổ chức đã sử dụng các công nghệ khác nhau sẽ thúc đẩy Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư. Những đột phá khoa học và công nghệ mới dường như là vô hạn, diễn ra trên rất nhiều mặt khác nhau và ở nhiều nơi khác nhau. Các công nghệ quan trọng cần xem xét được dựa trên nghiên cứu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện và các công việc của một số Hội đồng Chương trình Nghị sự Toàn cầu
Tất cả những phát triển mới và các công nghệ mới đều có đặc điểm chung: chúng tận dụng sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin.
Các xu thế lớn của công nghệ có thể được chia thành 3 nhóm: vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Cả ba đều liên quan chặt chẽ với nhau và với các công nghệ khác để đem lại lợi ích cho nhau dựa vào những khám phá và tiến bộ của từng nhóm.
3.1 Vật lý
Có bốn đại diện chính của xu hướng lớn về phát triển công nghệ, dễ dàng nhận thấy nhất là:
- Xe tự lái.
- Công nghệ in 3D.
- Robot cao cấp.
- Vật liệu mới.
Xe tự lái
Xe hơi tự lái đang chiếm ưu thế nhưng hiện nay còn có nhiều kiểu phương tiện tự lái khác bao gồm xe tải, thiết bị bay không người lái, máy bay và tàu thủy. Cùng với quá trình phát triển của cảm biến và trí tuệ nhân tạo, khả năng của các phương tiện tự hành này cũng được cải thiện với tốc độ nhanh chóng.
Hình 3: Xe tự lái của Google
Công nghệ in 3D
Hay được gọi là chế tạo cộng, in 3D bao gồm việc tạo ra một đối tượng vật lý bằng cách in theo các lớp từ một bản vẽ hay một mô hình 3D có trước. Công nghệ này khác hoàn toàn so với chế tạo trừ, lấy đi các vật liệu thừa từ phôi ban đầu cho đến khi thu được hình dạng mong muốn. Ngược lại, công nghệ in 3D bắt đầu với vật liệu rời và sau đó tạo ra một sản phẩm ở dạng ba chiều từ mẫu kỹ thuật số.
Hình 4: Một sản phẩm in 3D
Khoa học robot cao cấp
Ngày nay, các robot đang được sử dụng nhiều hơn ở tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp chính xác cho đến chăm sóc người bệnh. Sự phát triển nhanh công nghệ robot làm cho sự hợp tác giữa người và máy móc trở thành sớm trở thành hiện thực. Hơn nữa, do tiến bộ công nghệ khác, robot đang trở nên thích nghi và linh hoạt hơn, với thiết kế cấu trúc và chức năng của nó được lấy cảm hứng từ các cấu trúc sinh học phức tạp (mở rộng của quá trình mô phỏng sinh học, trong đó mô hình và các chiến lược của tự nhiên được bắt chước lại).
Hình 5: Robot giúp chăm sóc người bệnh.
Vật liệu mới:
Với thuộc tính mà mà chỉ cách đây vài năm vẫn còn được coi là viễn tưởng, những vật liệu mới đang được đưa ra thị trường. Về tổng thể, chúng nhẹ hơn, bền hơn, có thể tái chế và dễ thích ứng. Hiện nay có các ứng dụng cho các vật liệu thông minh tự phục hồi hoặc tự làm sạch, các kim loại có khả năng khôi phục lại hình dạng ban đầu, gốm sứ và pha lê biến áp lực thành năng lượng và nhiều vật liệu khác nữa.
3.2 Kỹ thuật số
Từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự hội tụ giữa ứng dụng vật lý và ứng dụng kỹ thuật số là sự xuất hiện Internet của vạn vật (Internet of Things, IoT). Mô tả đơn giản nhất, có thể coi IoT là mối quan hệ giữa vạn vật (các sản phẩm, dịch vụ, địa điểm, v.v…) và con người thông qua các công nghệ kết nối và các nền tảng khác nhau.
Hình 6: Internet của vạn vật
Cảm biến và các giải pháp kết nối thế giới thực vào mạng không gian ảo đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Các cảm biến nhỏ hơn, rẻ hơn và thông minh hơn đang được lắp đặt trong nhà, quần áo, phụ kiện, các thành phố, mạng lưới giao thông và năng lượng cũng như các quy trình sản xuất. Ngày nay, có hàng tỷ thiết bị trên toàn thế giới như điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính được kết nối internet. Số lượng thiết bị được dự kiến sẽ tăng đáng kể trong vài năm tới, ước tính vài tỷ đến hơn một nghìn tỷ thiết bị. Điều này sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức mà chúng ta quản lý chuỗi cung ứng bằng cách cho phép chúng ta giám sát và tối ưu hóa tài sản và các hoạt động đến một mức rất chi tiết. Trong quá trình này, IoT sẽ tác động làm biến đổi tất cả các ngành công nghiệp, từ sản xuất đến cơ sở hạ tầng đến chăm sóc sức khỏe.
3.3 Sinh học
Những đổi mới trong lĩnh vực sinh học nói chung và di truyền nói riêng thật sự đáng kinh ngạc. Trong những năm gần đây, chúng ta đã và đang thành công trong việc giảm chi phí và dễ dàng hơn trong việc giải trình bộ gen và mới đây là việc kích hoạt hay chỉnh sửa gen. Phải mất hơn 10 năm, với chi phí 2,7 tỉ USD để hoàn thành Dự án Hệ gen người. Hiện nay, một gen có thể được giải mã trong vài giờ với chi phí không tới một ngàn USD. Với sức mạnh của máy tính, các nhà khoa học không còn phải dùng phương pháp thử, sai và thử lại; thay vào đó họ thử nghiệm cách thức mà các biến dị gen gây ra các bệnh lý đặc thù .
Hình 7: Công nghệ sinh học giúp con người chỉnh sửa mã gen mình
Sinh học tổng hợp là bước tiếp theo. Công nghệ này sẽ giúp chúng ta có khả năng tùy biến cơ thể bằng cách sửa lại DNA. Đặt những vấn đề đạo đức qua một bên, sinh học tổng hợp sẽ phát triển hơn nữa, những tiến bộ này sẽ không chỉ tác động sâu và ngay tức thì về y học mà còn về nông nghiệp và sản xuất nhiên liệu sinh học.
- Những sản phẩm xuất hiện vào năm 2025
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố tháng 9 năm 2015 đã xác định 21 sản phẩm công nghệ sẽ định hình tương lai kỹ thuật số và thế giới siêu kết nối. Đó là những sản phẩm mà mọi người kì vọng sẽ xuất hiện trong 10 năm bắt nguồn từ những thay đổi sâu sắc của Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư. Các sản phẩm này được xác định thông qua một cuộc khảo sát được tiến hành bởi hội đồng nghị sự toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong đó có hơn 800 giám đốc điều hành và chuyên gia từ các lĩnh vực thông tin và công nghệ truyền thông tham gia.
Sau đây là 21 sản phẩm được sắp xếp theo số lượng ý kiến giảm dần:
- 10% dân số mặc quần áo kết nối với internet.
- 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí (có kèm quảng cáo).
- 1 nghìn tỷ cảm biến kết nối với internet.
- Dược sĩ robot đầu tiên ở Mỹ.
- 10% mắt kính kết nối với internet.
- 80% người dân hiện diện số trên internet.
- Chiếc ô-tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D.
- Chính phủ đầu tiên thay thế điều tra dân số bằng các nguồn dữ liệu lớn.
- Chiếc điện thoại di động cấy ghép vào người đầu tiên được thương mại hóa.
- 5% sản phẩm tiêu dùng được sản xuất bằng công nghệ in 3D.
- 90% dân số dùng điện thoại thông minh.
- 90% dân số thường xuyên truy cập internet.
- 10% xe chạy trên đường ở Mỹ là xe không người lái.
- Cấy ghép đầu tiên gan làm bằng công nghệ in 3D.
- 30% việc kiểm toán ở công ty được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo.
- Lần đầu tiên chính phủ thu thuế qua một blockchain.
- Hơn 50% lượng truy cập internet ở nhà liên quan đến các thiết bị dân dụng.
- Trên toàn cầu những chuyến đi du lịch hay công tác thực hiện qua các phương tiện chia sẻ nhiều so với các phương tiện cá nhân.
- Thành phố đầu tiên với hơn 50.000 người không có đèn giao thông.
- 10% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu được lưu trữ trên blockchain.
- Máy trí tuệ nhân tạo đầu tiên được sử dụng cho một hội đồng quản trị công ty.
Giải thích về blockchain:
Blockchain, thường được mô tả như là một “đầu mối phân phối”, là một giao thức an toàn trong đó một mạng các máy tính cùng nhau xác thực một giao dịch trước khi được lưu trữ và chấp thuận. Công nghệ làm cơ sở cho blockchain tạo ra sự tin tưởng bằng cách cho phép những người không biết nhau (về căn bản không thể tin tưởng) cộng tác với nhau mà không cần phải thông qua một nhà chức trách trung tâm trung lập – nghĩa là một người ủy thác hoặc đầu mối trung tâm. Về bản chất, blockchain là giao thức có khả năng chia sẻ, lập trình, mã hóa an toàn do đó trở nên đáng tin cậy bởi không có bất kì người dùng nào có thể điều khiển được và có thể được kiểm tra bởi tất cả mọi người.
Hình 8: Blockchain miễn phí, an toàn, dễ dàng sử dụng
Cho đến nay Bitcoin vẫn là ứng dụng blockchain nổi tiếng nhất nhưng công nghệ này sẽ sớm có thêm nhiều ứng dụng khác. Nếu tại thời điểm này, blockchain được dùng để ghi lại các giao dịch tài chính được thực hiện với các tiền tệ kỹ thuật số như Bitcoin, trong tương lai công nghệ này sẽ được dùng loại giao dịch khác nhau như giấy khai sinh, giấy chứng tử, chức danh, tước vị sở hữu, giấy đăng ký kết hôn, các bằng cấp giáo dục, bồi thường bảo hiểm , thủ tục y tế và lá phiếu bầu cử. Một số quốc gia hoặc tổ chức đang điều tra tiềm năng của công nghệ blockchain. Ví dụ, Chính phủ Honduras sử dụng công nghệ này để xử lý quyền sử dụng đất trong khi quốc gia Isle of Man đang thử nghiệm việc sử dụng nó trong việc đăng ký công ty.
- Định hướng của Việt Nam 10 năm tới:
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn cầu nên chăng chúng ta cần phải có chiến lược phát triển ngành tự động hóa và công nghệ cao với 5 nội dung:
- Hợp tác mạnh mẽ giữa khoa học công nghệ và sản xuất, kinh doanh.
- Đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp tư nhân.
- Triển khai ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi các công nghệ mới.
- Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ.
- Ưu tiên tài trợ cho các tổ chức, cá nhân có thành tích khoa học công nghệ xuất sắc.
Cùng với đó là hai nhóm giải pháp cho các doanh nghiệp tại Việt Nam:
Nhóm giải pháp kết nối theo chiều đứng:
- Tích hợp công nghệ thông tin: cần phát triển những giải pháp CNTT mới, tích hợp từ các nhà cung ứng: cảm biến, hệ thống điều khiển, mạng truyền thông, các ứng dụng kinh doanh và chăm sóc khách hàng
- Khoa học phân tích và quản lý dữ liệu: FIR sẽ tạo ra một lượng lớn dữ liệu. Thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn sẽ tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh.
- Ứng dụng trên mây: Hệ thống mạng dựa trên các giải pháp đám mây tạo cơ hội tuyệt vời để lưu trữ và sử dụng hiệu quả các dữ liệu lớn được tạo ra bởi FIR. Các giải pháp dựa trên đám mây sẽ trở nên ngày càng quan trọng đối với FIR.
- Hiệu quả hoạt động: FIR tạo ra những cơ hội mới để nâng cao hiệu quả hoạt động. Các phân tích hiệu quả, đánh giá và áp dụng các dữ liệu thu thập được từ máy móc và cảm biến cho phép nhanh chóng đưa ra quyết định để cải thiện an toàn, hiệu quả hoạt động, quy trình làm việc, dịch vụ và bảo trì.
- Tổ chức học hỏi: Các doanh nghiệp phải trở thành các tổ chức học hỏi.
Nhóm giải pháp tích hợp theo chiều ngang:
- Tối ưu hóa mô hình kinh doanh: Để đạt được điều này, các công ty cần phải phát triển các kỹ năng mới, cho từng cá nhân cũng như cho tổ chức. Nếu chỉ tiếp cận vấn đề từ một phía sẽ dễ tạo ra các phản ứng tiêu cực trong hệ thống tổ chức. Ngược lại nếu tiếp cận từ hai phía sẽ có tác động tích cực tới người lao động.
- Chuỗi cung ứng thông minh: FIR sẽ tạo ra một mô hình chuỗi cung ứng mới gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của khách hàng. Chuỗi cung ứng mới này sẽ tạo ra một cơ sở dữ liệu duy nhất, làm cho chuỗi cung ứng thông minh hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn ở mọi giai đoạn, từ khi phát sinh nhu cầu cho đến khi giao hàng.
- Hậu cần thông minh: Trong thời đại số, các quá trình hậu cần sẽ phải trở nên thông minh hơn trong mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu. Bao gồm cả hai quá trình quản lý cung ứng vật tư và phân phối sản phẩm.
- Quản lý an ninh mạng: FIR đã đẩy cao mức độ chia sẻ thông tin từ đó tạo ra một nhu cầu rất lớn về an ninh mạng.
– Mô hình thuế mới: Công nghệ in 3D trong tương lai sẽ cho phép sản xuất trên khắp các quốc gia và châu lục, không có còn biên giới quốc gia nữa. Điều này sẽ tạo ra một nhu cầu mới về các quy định hải quan, thuế giá trị gia tăng mới.
- Hệ thông quản lý sở hữu trí tuệ mới: Quản lý sở hữu trí tuệ cũng sẽ phải thay đổi để phù hợp với FIR. Những mô hình kinh doanh mới và các mô hình hợp tác mới xuất hiện yêu cầu phải có những giải pháp tốt hơn trong vấn đề sở hữu trí tuệ thời đại số.
VBR sưu tầm.
Tài liệu tham khảo:
- [1] Klaus Schwab, The Fourth Industrial Revolution, 2016.
- [2] Hermann, Pentek, Otto, Design Principles for Industrie 4.0 Scenarios, 2015.
- [3] Mike Gault, Forget Bitcoin — What Is the Blockchain and Why Should You Care?, 2015.
- [4] Bill Lydon, Industry 4.0 – Only One-Tenth of Germany’s High-Tech Strategy, 2014.
- [5] Roland Berger, Think Act Industry 4.0, 2014.
- [6] Deloitte, Industry 4.0 – Only One-Tenth of Germany’s High-Tech Strategy, 2015.
-