Chính sách tốt mới giữ được startup

24/04/2017 08:59

Chính sách tốt mới giữ được startup

Dường như đang có làn sóng ngầm các ông chủ Việt “khai sinh” startup ở nước ngoài nhằm đảm bảo một môi trường pháp lý vững chắc cho startup của mình. Trong khi ở trong nước, Chính phủ kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thế nhưng hành lang pháp lý vẫn phức tạp và gây mất nhiều thời gian.


TBKTSG có cuộc trao đổi về vấn đề này với luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group - nhà tư vấn pháp lý đầu tư vào startup.

TBKTSG: Hiện cơ quan nhà nước vẫn xem startup là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Liệu điều này có đúng với thực tế mô hình startup không? Chính sách cho startup như thế nào thì phù hợp, thưa luật sư?

 

- Ông Nguyễn Văn Lộc: Startup mang bản chất khởi động một mô hình kinh doanh. Thường thì mô hình kinh doanh đó mang tính sáng tạo, đổi mới và đặc biệt là có mục tiêu tăng trưởng cao khi khởi nghiệp. Ở Việt Nam, yêu cầu đối với việc xác định hình thái pháp lý của startup là cần thiết, phải cụ thể đó là doanh nghiệp, phương thức kinh doanh hợp tác hay hộ kinh doanh cá thể. Việc quy định cứng nhắc startup là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí xem là doanh nghiệp siêu nhỏ để ban hành các quy định, chính sách hỗ trợ dường như chưa phù hợp. Có cán bộ nhà nước cho đến nay vẫn đồng nhất startup là doanh nghiệp mới thành lập khiến việc thực thi các công cụ hỗ trợ của Chính phủ đối với startup gặp khó khăn.

Tôi cho rằng không thể xem startup là doanh nghiệp nhỏ và vừa và hỗ trợ bằng các chính sách chung chung. Ví dụ cần phân loại đâu là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, yếu tố nào giúp xác định loại hình này để từ đó có cơ chế hỗ trợ ưu tiên. Chứ nếu xác định doanh nghiệp mới thành lập là doanh nghiệp khởi nghiệp, tôi giả định đó là một doanh nghiệp do các doanh nghiệp lớn thành lập để triển khai dự án (hoặc như một công cụ kinh doanh) thì chẳng khác nào chính sách đã hỗ trợ sai đối tượng.

Hỗ trợ startup, bằng cơ chế, vì sự đổi mới sáng tạo là hướng đi đúng đắn mà Chính phủ cần tập trung.

 

TBKTSG: Những rào cản chính sách nào đối với sự phát triển của startup tại Việt Nam cần được tháo gỡ?

- Rào cản chính sách tại Việt Nam phải đặt trong mối quan hệ với việc thực thi các chính sách đó trên thực tế. Khi đó mới thấy hết được bức tranh mà cộng đồng startup đang nhìn thấy và tìm lối đi.

Trước nhất là việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh. Các nút thắt khó gỡ thường gặp là các ngành nghề mới, sáng tạo, chưa có trong hệ thống ngành nghề được Chính phủ quy định. Nút thắt khó gỡ tiếp theo là các loại giấy phép chuyên ngành, gọi là “giấy phép con”. Các ví dụ điển hình về “nút thắt chặt” như việc xin giấy phép kinh doanh nền tảng ứng dụng dịch vụ trực tuyến, nền tảng ứng dụng thương mại điện tử hay công nghệ tài chính (fintech). Việc này dường như là cực hình đối với các nhà khởi nghiệp.

Thứ hai là về cơ chế đầu tư và phát triển. Từ những khó khăn trong việc xin giấy phép, trên thực tế, nhiều nhà đầu tư rất cân nhắc khi đầu tư vào một startup chưa đảm bảo pháp lý. Game là một ví dụ, phải xin cấp phép nhiều loại G1, G2, G3, G4, và nếu nội dung game chưa được cấp phép thì bị xem là vi phạm pháp luật. Tuy đầu tư vào startup là đầu tư mạo hiểm, nhưng rủi ro do vướng chính sách là rủi ro khó được chấp nhận. Cơ hội có nguy cơ bị tuột mất trong khi nếu ở các quốc gia khác, họ có thể nắm bắt được cơ hội đó.

Thứ ba là về thuế. Khi mà startup tại Singapore chịu thuế thu nhập được phân theo lũy tiến căn cứ trên doanh thu, tối đa là 17%, thì Việt Nam lại áp dụng chung cho tất cả doanh nghiệp khởi nghiệp. Hay như việc chính phủ Singapore không áp dụng thuế đối với lợi nhuận từ đầu tư hay cổ tức từ kinh doanh thì Việt Nam lại áp dụng.

Ngoài ra, nhìn một cách toàn diện các quy định pháp luật thì cơ chế pháp lý mà startup mong muốn vẫn có khoảng cách rất xa so với chính sách hiện có. Ví dụ một startup là cá nhân muốn nhà đầu tư “thiên thần” đầu tư để triển khai dự án phần mềm và đưa ra thị trường thì giấy phép là điều bắt buộc, chưa kể tới giao dịch hay vấn đề thuế. Trong khi đó, khả năng thất bại của họ là rất cao, lẽ nào làm thủ tục giải thể công ty sau đó, mà thủ tục này lại mất thời gian và công sức.

Hay như chuyện áp dụng chính sách quyền sở hữu cổ phần (ESOP) cho nhân viên khi mới khởi nghiệp, đó phải là công ty cổ phần và đảm bảo quy chế quản trị công ty phù hợp. Các nhà khởi nghiệp trẻ cho rằng quyền tự do kinh doanh cho phép họ được làm những gì pháp luật không cấm, nhưng khi vướng mắc trong thi hành các điều khoản pháp lý hoặc không giải quyết được, họ phải đối diện với những xung đột.

 

TBKTSG: Hiện vẫn chưa có quy định pháp luật cụ thể nào điều chỉnh trực tiếp thủ tục thành lập và cơ chế hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Theo ông, startup Việt có bị thiệt thòi vì điều này?

- Như đã nói đầu tư vào startup là đầu tư mạo hiểm. Cơ chế cho loại hình quỹ đầu tư này cần rất linh hoạt và trao cho họ quyền tự do nhiều hơn. Do xác suất thành công của thương vụ đầu tư vào startup là rất tương đối nên chốt giao dịch nhanh, thủ tục gọn, thuế hợp lý và dễ thoái vốn khi cơ hội đến là những gì họ mong muốn.

Bị trở ngại bởi chính sách, một số nhà đầu tư mạo hiểm vẫn linh hoạt áp dụng pháp luật bằng nhiều cách, trong đó có thể thông qua một đơn vị ủy thác đầu tư là công ty quản lý quỹ đầu tư và họ tự do chọn startup để đầu tư. Trường hợp khác là họ chỉ hiện diện về thương hiệu hoặc cử đại diện, họ tư vấn và nếu startup phù hợp thì họ sẽ chuyển sang quốc gia khác có chính sách tốt để đầu tư tại đó.

Ai cũng dễ dàng nhận thấy startup tại Việt Nam đang chịu thiệt thòi hơn so với tại một số nước khác, tuy nhiên, nút thắt này có thể gỡ được. Khi mà môi trường kinh doanh toàn cầu mở ra nhiều hướng đi cho startup, họ sẽ chọn nơi tốt nhất để “đứa con” của họ phát triển tốt nhất, và nếu có nhà đầu tư thì thỏa thuận của các bên dễ đạt nhất.

TBKTSG: Đã có lời than phiền nhiều startup “ăn cơm Việt Nam, đóng thuế nước ngoài”, tức startup hoạt động tại Việt Nam nhưng đăng ký doanh nghiệp và đóng thuế cho nước ngoài. Thậm chí đang có cuộc “di tản ngầm” của startup trong nước sang các nước khác với sự hỗ trợ của các tổ chức khởi nghiệp nước ngoài. Ông bình luận gì về vấn đề này?

- Việc kinh doanh và đóng thuế là đương nhiên, đó là nghĩa vụ tại mỗi quốc gia. Nhà nước tạo chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhưng việc ban hành chính sách cần nhanh chóng và việc thực thi cần nhất quán trên toàn hệ thống. Cho dù luật quy định việc đầu tư ra nước ngoài phải xin phép hay công dân Việt Nam có nguồn thu ở đâu cũng phải nộp thuế, nhưng điều đó không phải là vấn đề khó khăn đối với các nhà khởi nghiệp toàn cầu hiện nay. Không kể đến những người đứng ngoài vòng pháp luật, các nhà khởi nghiệp vẫn có thể linh hoạt kinh doanh với các mô hình hợp tác, thuê người đại diện... để có thể hợp pháp hóa các “kịch bản” kinh doanh của mình.

Với mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mang lại nhiều giá trị cho xã hội, các nhà khởi nghiệp luôn được chính phủ các nước chào đón. Không loại trừ sẽ có cuộc cạnh tranh tạo môi trường chính sách tốt và hệ sinh thái bài bản cho startup giữa các chính phủ, thậm chí là sự lôi kéo các nhà khởi nghiệp tiềm năng ở khắp nơi đến với quốc gia mình. Do đó, Chính phủ Việt Nam phải giữ startup bằng việc hoàn thiện cơ chế tốt nhất. Đó phải là khẩu hiệu hành động nhanh chóng, không chỉ cho cộng đồng doanh nghiệp trẻ mà còn tốt cho nền kinh tế Việt Nam.

 

Đinh Hiệp (Theo TBKTSG)