Ngành công nghiệp PC: cái nhìn toàn cảnh trước thềm Windows 10 ra mắt

28/07/2015 02:29

Ngành công nghiệp PC: cái nhìn toàn cảnh trước thềm Windows 10 ra mắt

Ngành công nghiệp PC sẽ có tương lai bùng nổ hơn, bất chấp những khó khăn và sụt giảm trầm trọng ở thời điểm hiện tại.


Theo số liệu thống kê mới nhất từ hãng phân tích thị trường IDC, số lượng PC bán ra trong quý 2 năm 2015 đã sụt giảm đến 11,8%. Ngoại trừ Apple thì tất cả những hãng sản xuất máy tính lớn khác như Lenovo, HP, Dell hay Acer đều chứng kiến sự đi xuống ở mảng kinh doanh PC. Bài viết này sẽ phân tích rõ hơn về các số liệu trên, từ đó cùng xem tương lai của ngành công nghiệp PC sẽ đi về đâu.

 

Các nhà sản xuất PC đang gặp nhiều khó khăn

 
Các nhà sản xuất PC đang gặp nhiều khó khăn

 

Trước hết chúng ta hãy cùng nhìn lại tình hình của những nhà sản xuất PC lớn hiện tại. Số liệu từ IDC, IDC định nghĩa PC ở đây không bao gồm các thiết bị di động, các máy chủ x86, tablet).

 

Thị trường PC toàn cầu quý 2 năm 2015
Thị trường PC toàn cầu quý 2 năm 2015

 

Lenovo: Vẫn là hãng bán PC nhiều nhất thế giới với 13,4 triệu chiếc, tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái (14,5 triệu máy), thì hãng này chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt. Trong thời gian tới thì Lenovo sẽ lên kế hoạch mở rộng thị trường sang Mỹ và nhiều quốc gia khác bên ngoài Châu Á/Thái Bình Dương.

 

HP: Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng những hãng bán máy tính nhiều nhất. Tuy nhiên cũng tương tự Lenovo, HP bị thâm hụt nặng hơn ở mảng kinh doanh PC với mức giảm đạt 10,4%. Sự đi xuống này là do nhu cầu ở mảng doanh nghiệp bị sụt giảm, khả năng quản lý hàng tồn kho với dòng notebook giá rẻ yếu kém.

 

Dell: Doanh số bán PC bị giảm 8,7% so với cùng quý 2 năm 2014. Thời gian vừa qua thì Dell gặp khó khăn trong việc bán ra PC ở thị trường Mỹ, tuy nhiên nhờ vào mức tăng trưởng mạnh ở các thị trường Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Trung Đông, do đó mảng kinh doanh PC của Dell đã ít bị tụt giảm mạnh.

 

Apple: Là hãng duy nhất chứng kiến sự tăng trưởng ở mảng bán PC trong quý 2 vừa qua (dương 16,1%). Sự đi lên trong việc kinh doanh PC của Apple là nhờ nhiều yếu tố: hãng này có hệ điều hành riêng - người dùng sẽ không có tâm lý chờ Windows 10 - cùng với đó là màn ra mắt ấn tượng của MacBook 12” với nhiều điểm đột phá.

Acer: Doanh số bán PC của Acer đi xuống một cách trầm trọng (âm 26,9%, từ 5,9 triệu xuống 4,3 triệu). Mặc dù cho ra mắt rất nhiều mẫu Chromebook gần đây, tuy nhiên Acer lại gặp rất nhiều khó khăn khi bán PC ở thị trường Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông.

 

Nguyên nhân của sự sụt giảm

 

Tâm lý người dùng khi chờ Windows 10 ra mắt

 

Người dùng đang rất chờ đợi Windows 10 ra mắt
Người dùng đang rất chờ đợi Windows 10 ra mắt

 

Có một đặc điểm rất dễ nhân ra từ phân tích trên đó là tất cả những OEMs làm PC chạy Windows đều chứng kiến sự thâm hụt. Duy chỉ có Apple với Mac OS là vẫn duy trì mức độ tăng trưởng. Vậy lý do chính là gì? Có phải Windows đang ngày trở nên kém cạnh hơn so với Mac OS? Câu trả lời có thể là không, mà có thể là có.

 

Không ở đây là vì hai hệ điều hành có hai đặc điểm khác nhau, và rất khó để có thể so sánh cái nào hơn cái nào. Lý do mà số lượng PC Windows bán ra ít đi là vì tâm lý của người dùng khi chờ đợi Windows 10. Người ta vẫn chờ đến khi nào các PC cài đặt sẵn Windows 10 ra mắt, họ mới quyết định bỏ tiền ra để mua mới.

 

Bên cạnh đó, Windows 10 giờ đây cho phép người dùng nâng cấp miễn phí, và nó cũng chạy tốt ở nhiều máy cấu hình trung bình. Do đó, nhiều người vẫn trung thành với chiếc desktop/laptop của mình và tiếp tục dùng nó.

 

Còn câu trả lời là có thì sao? Thực chất thì cũng đến từ tâm lý người sử dụng, sau thời gian trải nghiệm Windows quá lâu, và phải chờ đợi Windows 10. Họ mong muốn chuyển sang một nền tảng mới thú vị và khác lạ hơn, Mac OS chính là sự lựa chọn đó. Điều này tất nhiên tác động đến doanh số bán PC ngày một tăng của Apple.

 

Di động hoá toàn cầu

 

Các thiết bị di động đang ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường PC
Các thiết bị di động đang ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường PC

 

Đây là nguyên nhân chính mà người ta hay nói mỗi khi dự đoán về sự sụt giảm của thị trường PC toàn cầu. Trong bối cảnh mà các thiết bị di động đang ngày càng thông minh hơn, và ngày càng mạnh mẽ hơn - như tablet, phablet, smartphone. Người dùng sẽ ít phụ thuộc hơn vào PC ở nhiều việc, đặc biệt với những ai thích sự đơn giản, họ có thể làm việc ngay trên chiếc iPad - tất nhiên còn phụ thuộc vào đặc thù công việc.

 

Những công việc đơn giản như gởi mail, xem Facebook, đọc báo,…tất cả đều được thực hiện dễ dàng trên tablet. Do đó, PC giờ đây chỉ phục vụ những việc nặng hay những việc yêu cầu môi trường desktop - đây cũng là lý do chính khiến cho khách hàng chưa muốn nâng cấp PC, họ chỉ đơn thuần cần một chiếc PC đủ mạnh, đủ điều kiện làm việc.

 

Tương lai của PC?

 

Doanh số PC hiện giờ và có thể trong thời gian ngắn tới sẽ tiếp tục đi xuống, nhưng PC sẽ không bao giờ chết. Như đã phân tích ở phía trên, PC vẫn là công cụ duy nhất để chúng ta có thể xử lý những công việc nặng, những tác vụ đòi hỏi môi trường desktop. Liệu ta có thể chỉnh sửa phim trên tablet? ta có thể chơi những game nặng trên smartphone? Câu trả lời là không, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại và nhiều năm nữa.

 

Thứ hai, tâm lý người dùng hiện tại đang chờ Windows 10, vì vậy một khi hệ điều hành này phổ biến, họ sẽ nâng cấp chiếc máy tính của mình. Nhiều người sẽ cho rằng laptop/desktop của họ đã đủ chạy Windows 10 - nhưng nên nhớ Windows 10 có một số tính năng chỉ dành cho các phần cứng mới, ví dụ như Windows Hello cho phép mở khoá máy bằng nhận diện khuôn mặt chẳng hạn. Vì vậy để tận hưởng hết toàn bộ các chức năng mới của Windows 10, họ sẽ phải nâng cấp PC.

 

Ngoài ra, các game mới đòi hỏi màn hình cảm ứng, hay những ứng dụng/game đòi hỏi chip xử lý mạnh hơn (ví dụ như Skylake - Core thế hệ thứ 6). Lúc đó các nhà sản xuất PC nhiều khả năng sẽ thấy được tín hiệu lạc quan trở lại. Như vậy có thể nói trong tương lai gần, cùng với sự ra mắt của Skylake từ Intel cùng nhiều tính năng mới khác của Windows 10, nhiều khả năng thị trường PC sẽ trở nên sôi động trở lại.