MT – Modern Trade – là thuật ngữ dùng để chỉ những kênh bán hàng hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại…
GT - General trade - để chỉ kênh bán hàng truyền thống, hệ thống bán lẻ hiện đại đòi hỏi nhiều kỹ năng và kiến thức để quản lý hiệu quả.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các tập đoàn trong thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay, có thể nói rất nhiều chiến lược đa dạng được ứng dụng nhằm lôi kéo người tiêu dùng về phía mình. Nhưng một cách tổng quát, chiến lược giá cả của các nhà bán lẻ quốc tế cũng như Việt Nam được chia thành hai loại chính: EDLP (Every Day Low Price) và Hi-Lo (High background – Low promotion).
EDLP - Chiến lược giá EDLP sẽ luôn duy trì giá thấp cho hầu hết các sản phẩm, ít khi thực hiện khuyến mãi giảm giá. Các nhà bán lẻ theo chiến lược EDLP phải tập trung tạo dựng sự tín nhiệm của khách hàng đối với phương châm giá rẻ của mình.
Hi-Lo - Các nhà bản lẻ theo chiến lược Hi-Lo thường có giá bình quân cao hơn EDLP (nguyên nhân của chữ Hi trong Hi-Lo), trong khi đó thường xuyên thực hiện các chiến dịch khuyến mãi (thường là hàng tuần) có mức giảm giá rất lớn (giá thấp hơn EDLP, nguyên nhân của chữ Lo trong Hi-Lo) cho một số sản phẩm.
Trong bối cảnh thị trường Việt Nam thì hầu hết các nhà bán lẻ (retailers) sử dụng chiến lược hỗn hợp do vấn đề cạnh tranh giành thị trường trong giai đoạn bùng nổ hiện nay. Đơn cử một trường hợp dễ thấy, Metro C&C là một trong những tập đoàn bán lẻ đi theo hướng EDLP. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta vẫn thấy các chương trình khuyến mãi (promotion) xuất hiện tại đây. Thực chất, đó là cuộc oanh tạc tự do của các nhà cung cấp (suppliers) chứ bản thân Metro không đầu tư vào khuyến mãi. Một trường hợp khác, Big C hiện tại có vẻ thiên về khuyến mãi nhưng thật ra cũng là cuộc đua của các nhà cung cấp. Bản chất chiến lược của Big C toàn cầu (thuộc tập đoàn bán lẻ Casino) là EDLP, với công cụ cực kỳ lợi hại là các nhãn riêng (private-labels) được marketing rất bài bản giúp nâng cao hình ảnh EDLP của Big C.
Ngược lại, các tay chơi trong nước dường như có vẻ yếu thế hơn như Sagon Coop hiện đang chủ yếu theo hướng khuyến mãi (promotion). Lý do cho sự chọn lựa này dễ dàng thấy được là việc thực hiện khuyến mãi đơn giản và ít tốn kém bằng cách đẩy cho nhà cung cấp làm. Thêm vào đó, quyền lực bên mua (purchasing power) chưa đủ lớn để tạo áp lực buộc các nhà cung cấp giảm giá bán (listing price) cộng với năng lực về xây dựng phát triển các nhãn riêng (private labels) còn khá là hạn chế nên những nhà bán lẻ nội địa chưa thể thực hiện được chiến lược hỗn hợp giữa EDLP và Hi-Lo. Hiện nay, Saigon Coop cũng đã tiến hành với một số sản phẩm dệt may và thực phẩm chế biến.
Phần lớn các nhà bán lẻ còn lại phối hợp EDLP và Hi-Lo để tạo ra một chiến lược giá hỗn hợp cho dù vẫn theo định hướng một trong 2 chiến lược nêu trên.
Sự Lựa Chọn Của Khách Hàng
Trong khi cùng được nhìn nhận như là những phương thức giúp tiết kiệm tiền khi mua sắm, vẫn có những ý kiến trái ngược nhau giữa các khách hàng về việc liệu phương cách nào giúp tiết kiệm được nhiều tiền bạc hơn:
- 60% khách hàng lựa chọn các cửa hàng thực hiện EDLP.
- 40% khách hang lựa chọn các cửa hàng thực hiện Hi-Lo.
Những Lý Do Đằng Sau Sự Lựa Chọn Của Khách Hàng
Những động cơ của việc ưu tiên lựa chọn EDLP của khách hàng bao gồm sự hạn chế về ngân sách chi tiêu gia đình, các chương trình khuyến mãi không phải khi nào cũng đánh trúng nhu cầu của họ; và trên hết những khách hàng khôn ngoan luôn tin rằng những cửa hàng chuyên tập trung vào khuyến mãi (Hi-Lo) thường có giá cả bình quân cao hơn nếu tính trên tổng hóa đơn mua hàng.
Những khách hàng ưa thích khuyến mãi (Hi-Lo) thường bị cuốn hút bởi những giá trị/ khoản tiết kiệm trước mắt, ngay lập tức. Trong khi một số khách hàng xem khuyến mãi như là một cơ hội để mua hàng giá rẻ sử dụng dần hoặc để dùng thử sản phẩm mới thì số khác lại tin rằng khuyến mãi sẽ đem đến nhiều giá trị hơn là EDLP nếu họ biết cách săn tìm khuyến mãi.
Theo như tham khảo nghiên cứu thị trường tại Anh cho thấy:
Như vậy, có thể thấy rằng người tiêu dùng ngày nay rất nhạy bén trong vấn đề giá cả, vì thế cả hai chiến lược EDLP và Hi-Lo mà những nhà bán lẻ áp dụng đều để tâm đến giá dù bằng cách này hay cách khác để thu hút những vị “thượng đế” ngày càng có nhiều sự lựa chọn này. Ngoài ra, để giành được lợi thế cạnh tranh, các nhà bán lẻ cũng cần phải quan tâm đến các vấn đề khác như: phân loại ngành hàng (categorization), chất lượng dịch vụ (quality of service) và những dịch vụ giải trí tại siêu thị, trung tâm mua sắm(retailtainment)…
Nguyễn Đăng Hải Giảng viên I.A.M Vietnam