"Vua đầu bếp" Minh Nhật: Không hối hận khi bỏ việc ngân hàng đi bán bánh mì

03/11/2015 11:01

"Vua đầu bếp" Minh Nhật: Không hối hận khi bỏ việc ngân hàng đi bán bánh mì

Từ bỏ công việc tại ngân hàng mà nhiều người mơ ước, Minh Nhật bước chân vào con đường kinh doanh đầy chông gai, thử thách. Nhưng với cô gái 9X này, được làm điều mình đam mê mới chính là may mắn và hạnh phúc nhất.


Hoàng Minh Nhật sinh năm 1991 tại Hà Nội. Cô từng là học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, tốt nghiệp loại giỏi trường ĐH Ngoại thương và sau đó làm việc tại một ngân hàng lớn.

 

Năm 2014, sau khi xuất sắc giành ngôi vị quán quân cuộc thi "Vua đầu bếp Việt Nam", Minh Nhật quyết định nghỉ việc tại ngân hàng để khởi nghiệp với thương hiệu bánh mì riêng.

 

Tính đến tháng 10/2015, sau 6 tháng khai trương, Bánh mì Minh Nhật đã có tất cả 5 cửa hàng tại 5 quận nội thành Hà Nội với khoảng 150 nhân viên. Trung bình mỗi ngày chuỗi cửa hàng của cô phục vụ từ 1.500 đến 2.000 chiếc bánh mì cho thị trường.

 

NDH đã có một cuộc trao đổi ngắn với Minh Nhật để nghe "Vua đầu bếp" chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của cô.

 

Tại sao Minh Nhật lại chọn kinh doanh bánh mì mà không phải là mở một nhà hàng lớn?

 

Minh Nhật xuất phát điểm không phải là một người học chuyên ngành nhà hàng khách sạn mà là chuyên ngành tài chính ngân hàng nên khi bắt tay vào lĩnh vực này, Minh Nhật chưa có nhiều kinh nghiệm. Do đó, Nhật muốn chọn những bước đi ban đầu vững vàng và chắc chắn.

 

Bánh mì là sản phẩm đầu tay và cũng là sản phẩm mà mình rất tự tin khi giới thiệu với công chúng. Để làm được một nhà hàng/ chuỗi cửa hàng tốt thì chất lượng sản phẩm là yếu tố mà mình quan tâm nhất. Khi mở cửa hàng bánh mì, mình cũng xác định mô hình từ đầu là chuỗi nên sẽ kiểm soát chất lượng của món ăn được tốt hơn.

 

Minh Nhật cũng rất muốn mở một nhà hàng lớn, nhưng đó là kế hoạch của năm sau (2016) khi mình đã có đủ kinh nghiệm tích luỹ từ việc xây dựng chuỗi bánh mì này.

 

Một số ý kiến cho rằng giá bán bánh mì của Minh Nhật khá cao so với mặt bằng chung hiện nay. Nhật làm thế nào để có thể cạnh tranh với các đối thủ khác? Phản hồi của khách hàng ra sao về chất lượng và giá thành của bánh mì thương hiệu Minh Nhật?

 

Ngay từ ngày đầu thành lập, bánh mì Minh Nhật đã được định vị thương hiệu ở phân khúc trung bình cao. Món ăn ngon, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dịch vụ là các yếu tố được chú trọng hàng đầu của chuỗi. Chuỗi có một bếp tổng phụ trách toàn bộ công việc chế biến nguyên liệu theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng các chất bảo quản. Bếp tổng sẽ phụ trách chuyển nguyên liệu tới các cửa hàng trong thùng chuyên dụng. Tất cả các thành phẩm nhân bánh mì đều được bảo quản ở nhiệt độ tiêu chuẩn, hàng sử dụng cuối ngày không hết sẽ được huỷ hoàn toàn, không tái sử dụng.

 

Với yêu cầu cao về chất lượng và điều kiện dịch vụ, các máy móc sử dụng làm bánh mì như vậy nên giá thành bánh mì của chuỗi cao hơn thị trường từ 10-15%. Nhưng đi kèm đó cũng là chất lượng, phần nhân đầy đặn hơn rất nhiều.

 

Ban đầu khi khách hàng tiếp cận với sản phẩm của cửa hàng, cũng có một bộ phận khách e ngại về giá nhưng sau khi thử sản phẩm, đánh giá được chất lượng bánh mì cũng như chất lượng dịch vụ đi kèm thì hầu hết tất cả khách hàng đều thấy đồng tiền bỏ ra là xứng đáng.

bánh mì Minh Nhật

Một cửa hàng bánh mì của Minh Nhật.

 

Kể từ khi hình thành ý tưởng khởi nghiệp cho đến nay, những khó khăn lớn nhất bạn phải trải qua là gì? Danh hiệu Vua đầu bếp có giúp bạn thuận lợi hơn trong quá trình khởi nghiệp?

 

Từ khi hình thành ý tưởng khởi nghiệp tới nay, thuận lợi và cũng là thách thức lớn nhất mà Minh Nhật trải qua bắt nguồn từ danh hiệu Masterchef. Là Vua đầu bếp Việt Nam, Minh Nhật được nhiều người biết đến hơn nhưng sức ép từ danh hiệu và những kỳ vọng của mọi người cũng là áp lực vô cùng lớn với mình.

 

Mọi công việc từ duyệt món, lên thực đơn, lên kế hoạch kinh doanh, marketing, quản lý tài chính, quản trị nhân sự, thậm chí là thi công cửa hàng cũng do một tay Minh Nhật làm.

 

Minh Nhật còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm kinh doanh nên mình phải tự tìm hiểu, mò mẫm rất nhiều. Đôi lúc ôm đồm nhiều việc rất mệt mỏi nhưng vì đam mê nên Nhật luôn tự nhủ mình phải thật cố gắng.

 

Tại sao bạn lại quyết định từ bỏ một công việc hấp dẫn, đúng với chuyên ngành được học sang kinh doanh ẩm thực? Nếu không trở thành Vua đầu bếp, bạn có đưa ra quyết định tương tự? Có bao giờ bạn cảm thấy hối tiếc với quyết định của mình không?

 

Minh Nhật nghĩ rằng ngân hàng là ngành mình yêu thích nhưng nấu ăn mới thực sự là đam mê của Nhật. Không thể phủ nhận rằng chương trình Vua đầu bếp mùa 2 đã tạo ra một thay đổi rất lớn trong cuộc đời của Minh Nhật. Nếu không có chương trình này, chắc rằng Minh Nhật chưa thể quyết định bỏ ngành ngân hàng sang làm đầu bếp ngay lập tức.

 

Để có được ngày hôm nay, Minh Nhật đã trải qua rất nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ cảm thấy hối hận với quyết định của mình, mà trái lại, mình luôn cảm thấy thật sự may mắn vì đã dũng cảm bước trên con đường mình đã chọn. Công việc nào cũng sẽ có sự vất vả, nhưng vất vả mà được làm việc mình đam mê thì không có khó khăn nào là không vượt qua được.

 

Gần đây, chuỗi nhà hàng KAfe Group của Đào Chi Anh nhận được nhiều chú ý khi huy động được 5,5 triệu USD tiền đầu tư từ nước ngoài. Minh Nhật có kế hoạch gọi vốn từ các qũy ngoại để phát triển công việc kinh doanh của mình không?

 

Hiện tại toàn bộ vốn đầu tư vào chuỗi Bánh mì Minh Nhật đều bắt nguồn từ lượng vốn Minh Nhật tự có và từ phần thưởng của chương trình Vua đầu bếp. Kế hoạch phát triển của chuỗi trong năm nay là mở rộng ra 10 cửa hàng trong khu vực Hà Nội. Trong năm 2016, Minh Nhật sẽ nâng số cửa hàng trong cả nước lên 20.

 

Ngoài ra Minh Nhật cũng có kế hoạch mang bánh mì ra với thị trường các nước trên thế giới qua mô hình franchise (nhượng quyền) kết hợp cùng cộng đồng kiều bào. Trong quá trình phát triển, Minh Nhật hi vọng sẽ được các quỹ đầu tư nước ngoài để ý và đồng hành với Nhật đưa thương hiệu bánh mì Việt ra thế giới.

 

Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ học và làm việc trong một ngành nào đó, nhưng lại có đam mê với một lĩnh vực khác. Tuy nhiên, họ không dám từ bỏ những điều đang ổn định để theo đuổi đam mê của mình. Lời khuyên của Minh Nhật dành cho họ là gì?

 

Qua những gì mình đã trải nghiệm, Minh Nhật chỉ biết khuyên các bạn trẻ rằng hãy dám nghĩ dám làm. Tuổi trẻ là tuổi để thử thách bản thân, là tuổi để vấp ngã, sai và học hỏi từ những điều đó mà tìm ra bản thân mình. Minh Nhật mong rằng các bạn trẻ sẽ đi nhiều hơn, đi du lịch đến các vùng đất mới và học hỏi kinh nghiệm từ thành công của những người đi trước. Minh Nhật tin các bạn sẽ thành công.

 

Cảm ơn Minh Nhật!

 

Theo NDH