Câu hỏi lớn cho các startup: Nên sa thải CEO như thế nào?

24/09/2016 05:54

Câu hỏi lớn cho các startup: Nên sa thải CEO như thế nào?

Nếu bạn có thể giữ quan hệ với CEO đó cho một số việc của công ty thì điều đó sẽ rất lý tưởng. Bạn có thể mời họ làm cố vấn.


Bạn thành lập một công ty và đã xây dựng được một đội ngũ tuyệt vời, nhưng giờ đây lại đang phải đối mặt với áp lực từ các nhân viên, ban giám đốc và các nhà đầu tư: cần phải sa thải CEO.

Vì sao lại có chuyện như thế? Đây là người có nhiệm vụ giúp bạn trong những lúc cần thiết và lẽ ra, đây phải là người làm nhiệm vụ sa thải người khác nếu như cần phải thế chứ?

Nhưng trước khi bắt đầu nghĩ đến chuyện như thế, hãy nhìn lại những công ty lớn từng phải ở tình huống tương tự. CEO Andrew Mason của Groupon chia tay với công ty của mình vào năm 2013 vì những cáo buộc liên quan đến các vấn đề kế toán gây tranh cãi và vì tình hình tài chính công ty quá tệ. Trong vòng 5 tháng sau vụ sa thải, cổ phiếu công ty đã tăng giá gấp đôi.

CEO Bryan Stockton của Mattel bị sa thải sau gần 3 tháng ông đưa ra lời từ chức. Nguyên nhân của vụ sa thải này được cho là do doanh số của công ty đã bị giảm 7% xuống còn 6,02 tỉ USD trong năm 2014.

Thỉnh thoảng những trường hợp như sau lại xảy ra: Một nhóm nhà sáng lập nhận được tiền đầu tư. Mọi người hào hứng làm việc cật lực và mang lại triển vọng sáng sủa. Và rồi, điều không thể tránh khỏi lại xảy ra – cả nhóm gặp rắc rối. Sản phẩm tạo ra không được tốt hoặc có những đặc điểm không phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Lúc này trách nhiệm bị “đổ lên đầu” ai đó – CEO, người sáng lập hay bất kì nhân vật lãnh đạo chủ chốt nào. Hoặc là người đó chụp lấy cơ hội này để làm cho mọi chuyện tốt hơn hoặc là không thể. Nếu tình huống thứ hai xảy ra, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn và công ty bắt đầu lung lay. Đó là dấu hiệu mọi chuyện đang không diễn ra tốt đẹp như mong đợi, và chỉ có giải pháp duy nhất là: ai đó phải ra đi.

 

Vậy chúng ta nên làm gì khi mọi chuyện đã đến mức đó?

Điều đầu tiên bạn cần làm là nói chuyện với các thành viên trong ban giám đốc vì nhiều người trong số đó cũng là nhà đầu tư vào công ty. Cách tiếp cận tốt nhất là gọi điện thoại cho một trong những thành viên sâu sát nhất với tình hình hiện tại và thảo luận những gì có thể làm. Tiếp theo, hãy nói chuyện với từng thành viên khác. Một khi bạn đã nói chuyện với từng người xong, bạn cần phải có một cuộc triệu tập toàn ban giám đốc để tiến hành một cuộc bỏ phiếu chính thức. Lưu ý rằng mọi cuộc nói chuyện riêng phải diễn ra bí mật. Cách tốt nhất là hãy yêu cầu họ tôn trọng sự bí mật.

Bạn cũng sẽ cần phải nói chuyện với khách hàng – đây là phần đòi hỏi sự khéo léo nhất của toàn bộ quá trình. Bảo đảm rằng họ hiểu được điều sắp xảy ra sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển sản phẩm hay sự ủng hộ của khách hàng. Đây là khoảng thời gian quý giá vì bạn có thể nhận được những phải hồi mà bạn cần để giúp mình đưa ra quyết định đúng đắn.

Cuối cùng, cần phải nói chuyện với toàn bộ đội ngũ quản lý và những nhân viên chủ chốt để xem họ sẽ cảm nhận về điều đó như thế nào vì một thay đổi lớn như thế có thể gây ra nhiều xáo trộn. Để bảo đảm công ty trở nên mạnh hơn, cần phải xem CEO đó đã đến và trở thành một phần của công ty như thế nào. Nếu làm được như thế thì sự thay đổi sẽ suôn sẻ.

Khi mọi chuyện đã sẵn sàng, điều tiếp theo là xem xét việc chuyển giao nhiệm vụ cho những người có liên quan. Nếu bạn có thể giữ quan hệ với CEO đó cho một số việc của công ty thì điều đó sẽ rất lý tưởng. Bạn có thể mời họ làm cố vấn. Đây là điều được cho là thông minh vì bạn vẫn giữ chân được họ, và không biến họ trở thành đối thủ cạnh tranh sau này.

Sau khi sa thải CEO xong, bạn nên có một cuộc họp với toàn thể nhân viên và cũng nên nói chuyện thêm với khách hàng. Bạn phải nói rõ cho họ biết công ty sẽ vận hành thế nào khi không có CEO đó. Nếu có người thay thế, hãy cho họ biết đó là ai và mau chóng giúp người đó điều hành mọi chuyện. Làm như thế sẽ giúp cho những người góp vốn yên tâm.

Nếu bạn đặt công ty lên trên hết, hãy vạch ra một kế hoạch mới để vượt qua các xáo trộn. Làm được như thế thì nhiều khả năng mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Hãy là người lãnh đạo của công ty mà mình đã tạo dựng nên và hãy làm điều đúng đắn để biến nó thành công ty có nhiều khả năng thành công nhất.

 

Lê Thanh Hải

Theo Trí Thức Trẻ