Startup - Mạo hiểm và sự lựa chọn của Nhà nước
24/09/2016 05:32
Có những lợi ích không thể đo đếm được bằng tiền khi Nhà nước tham gia, cổ vũ cho khởi nghiệp (startup), đặt ra các nhiệm vụ của chính quyền Trung ương và các địa phương cần phải thực hiện cho khởi sự kinh doanh.
Như tin đã đưa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự hội thảo quốc tế về tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp - bài học từ Israel, diễn ra sáng 21/9 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp (DN) startup “nội” đã thành công tại Việt Nam và vươn ra cả nước ngoài, lãnh đạo Cơ quan sáng tạo, đổi mới Israel, lãnh đạo các bộ, ngành đều khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội lớn cho khởi nghiệp; nhìn nhận khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay đã dễ dàng và thông thoáng hơn nhiều so với cách đây 5, 10 năm; các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần phục vụ cho khởi nghiệp còn ít nhưng xu hướng sẽ tăng lên.
Các ý kiến cũng khẳng định muốn có hệ sinh thái khởi nghiệp phải gắn chặt với đổi mới, sáng tạo, quan hệ mật thiết với công nghệ cao, công nghệ thông tin, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp. Các diễn giả cũng lưu ý Việt Nam không chỉ chú trọng yếu tố kỹ thuật mà còn phải coi trọng các yếu tố thương mại, kinh doanh, vì mục tiêu cuối cùng là sáng tạo trở thành hàng hóa thương mại.
Tuy nhiên, các startup, đại diện các Quỹ đầu tư mạo hiểm cũng bày tỏ nhiều trở ngại cho sự phát triển khởi nghiệp tại Việt Nam. Đó là làm sao để các startup khởi nghiệp hoặc “rút lui”, mở chi nhánh ở nước ngoài thuận lợi nhất? Việc thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm như thế nào để hỗ trợ cho khởi nghiệp? Startup sử dụng tài sản trí tuệ để thế chấp vay vốn ngân hàng được không? Vai trò của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng như thế nào trong giai đoạn tăng tốc khởi nghiệp khi mà ý tưởng được thương mại hóa? Cổng Thông tin khởi nghiệp quốc gia tập trung và hệ thông tin khởi nghiệp sẽ được triển khai, hỗ trợ khởi nghiệp ra sao?...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp
Chủ trì phiên tọa đàm chính sách khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu lãnh đạo các bộ giải thích với cộng đồng startup và các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết Bộ đang soạn thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV), tạo điều kiện đăng ký thành lập DN thuận lợi nhất. Hiện có thể đăng ký thành lập qua mạng internet rất nhanh và nhận được sự quan tâm của cộng đồng DN, như ở Hà Nội đã có 38% DN đăng ký qua mạng sau 2 năm thực hiện.
Đối với việc thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần vào Việt Nam, khó nhất hiện nay là sự công nhận hiện diện của pháp luật đối với các quỹ này khi mà không có 2 dòng vốn này thì không có startup - sáng tạo. Bộ KH&ĐT sẽ đưa nội dung các loại quỹ đầu tư này vào Luật DNNVV để quy định với phương thức quản lý tối giản nhất, Nhà nước chỉ bảo đảm tiền “chảy” đúng vào startup.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết liên quan tới gọi vốn ngân hàng trong khởi nghiệp thì nguồn vốn của ngân hàng quan trọng khi tăng tốc khởi nghiệp. Nhưng tùy tính chất, quy mô từng sản phẩm, các ngân hàng sẽ quyết định mức vốn và thời hạn vay. Còn về dài hạn thì startup phải sử dụng đồng bộ các nguồn vốn khác từ chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu DN. Về sử dụng quyền sáng chế làm tài sản bảo đảm, Luật Dân sự năm 2015 quy định về tài sản bảo đảm trong đó có quyền tài sản. Quyền sáng chế là tài sản vô hình nhưng cũng cần phải quy định rõ hơn trong các văn bản hướng dẫn nên có thể dùng quyền sáng chế làm tài sản bảo đảm.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết thêm tài sản trí tuệ thì có thể hiểu là sáng chế hữu ích, giá trị được bảo hộ thì Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đã có Thông tư hướng dẫn định giá về tài sản trí tuệ này. Tuy nhiên, ông Tùng cho biết quan trọng hơn khi thực hiện, các nhà khoa học được quyền đem bí quyết công nghệ tính ra giá trị và góp vốn liên doanh liên kết hình thành DN.
Đối với phát triển vườn ươm công nghệ, ông Trần Văn Tùng cho biết vai trò Nhà nước là tạo khu làm việc tập trung cho nhà đầu tư tiến hành khởi nghiệp. “Ở Hà Nội có khu làm việc tập trung của anh Nam Đỗ rộng 800 m2 rất hiệu quả. Nhà nước hãy tạo điều kiện cho họ về mặt bằng, cơ sở vật chất tập trung và hãy giao cho những người như anh Nam Đỗ, là tư nhân, để khai thác, quản lý và sử dụng hiệu quả nhất việc ươm tạo”, ông Tùng nói.
Về Cổng Thông tin khởi nghiệp quốc gia, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Bộ KH&CN đang xây dựng và đây là công việc hết sức quan trọng. Tác dụng của Cổng Thông tin khởi nghiệp sẽ là thông báo công khai quy trình, thủ tục từ việc thành lập DN, chế độ chính sách, công nghệ, kết quả nghiên cứu để các startup tham khảo, sử dụng được và kết nối các startup với nhau, kết nối với nhà đầu tư.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định: “Việt Nam mạnh lên bằng công nghệ thông tin thì phải gắn chặt với khởi nghiệp sáng tạo”. Bộ TT&TT đang làm hệ thống băng thông rộng, dung lượng lớn, chất lượng cao có thể cung cấp đa dịch vụ và giá dịch vụ cạnh tranh hỗ trợ cho khởi nghiệp. Bộ TT&TT sẽ hoàn thiện quản lý theo cách quản lý để phát triển chứ không phải quản lý đến đâu phát triển đến đó. Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo báo chí truyền thông cổ vũ, động viên phong trào startup.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc Rủi ro nhưng mang lại lợi nhuận lớn
Thay mặt Chính phủ phát biểu với cộng đồng startup, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận được từ hội thảo về “văn hóa khởi nghiệp”.
Đó không phải đơn thuần là giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường như trước, mà nay, khởi nghiệp phải là của cả quốc gia, của các DNNVV, các DN lớn, diễn ra không ngừng nghỉ; phải học văn hóa chấp nhận thất bại và chấp nhận rủi ro vì đây là hình thức đầu tư mạo hiểm; là văn hóa chia sẻ - hợp tác của những startup đã thành công với những ý tưởng mới hình thành, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ cũng lý giải mức độ rủi ro cao thì tại sao các nhà đầu tư và Nhà nước lại tham gia vào, vì rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn và khởi nghiệp là cuộc chơi của người tiên phong, dám chấp nhận mạo hiểm. Mười ý tưởng khởi nghiệp thì có tới 7 ý tưởng “thua”, 3 “thắng” nhưng có thể mang lại lợi nhuận rất lớn cho các nhà đầu tư.
Còn Nhà nước khi tham gia, hỗ trợ cho khởi nghiệp sẽ có lợi ở nhiều thứ: Tăng việc làm, thu nhập, tăng trưởng kinh tế để có điều kiện giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, là những lợi ích không tính được bằng tiền, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Mặt khác với tư cách nhà đầu tư mạo hiểm (thông qua các quỹ đầu tư) thì Nhà nước sẽ có lợi thế kinh tế từ thoái vốn, hoàn lại các tài sản đầu tư ban đầu.
Tóm lược, các công việc mà Chính phủ, các bộ, ngành cần thực hiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xác định các vấn đề cần thực hiện: Một là xây dựng Cổng Thông tin khởi nghiệp quốc gia và các trung tâm hỗ trợ cho khởi nghiệp. Hai là đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo góp phần nâng cao nhận thức khởi nghiệp cho xã hội. Ba là xây dựng khung khổ pháp lý cho các chính sách tài chính, tiếp cận tín dụng cho hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ tăng tốc khởi nghiệp, có các thể chế chính sách liên quan tới thuế, thuế thu nhập cá nhân trong các giai đoạn phát triển của các startup, có chính sách tín dụng sử dụng trí tuệ như tài sản và tăng cường vai trò của ngân hàng thương mại trong giai đoạn tăng tốc khởi nghiệp.
Trong xây dựng thể chế, chính sách, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải coi trọng vai trò của các viện, trường, cơ sở nghiên cứu khoa học, thậm chí các bộ nghiên cứu việc phát triển DN trong các viện, trường đại học để gắn ý tưởng với thị trường hàng hóa.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ mong muốn các startup mạnh dạn hơn nữa, chấp nhận rủi ro, tăng cường chia sẻ hợp tác, xây dựng văn hóa khởi nghiệp; cộng đồng startup đổi mới hơn sáng tạo hơn nữa; chủ động đề xuất sáng kiến chính sách cho Chính phủ, chính quyền địa phương. Chính phủ luôn lắng nghe và thảo luận các kiến nghị chính sách với cộng đồng startup.
Theo Thành Chung
Chính phủ