Tinh thần khởi nghiệp: Có chí thì nên
12/06/2015 01:00
Nguyên Tổng thống Israel, ông Shimon Peres, viết trong lời giới thiệu cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp” (của hai tác giả Dan Senor và Saul Singer): “Vốn liếng duy nhất mà chúng ta (người Israel) có thể sử dụng chính là con người”. Ở Việt Nam cũng không thiếu những người đã khởi nghiệp theo tinh thần như vậy.
Ngoại trừ đôi mắt đầy nghị lực và quyết tâm, trông Nguyễn Minh Phúc không giống ông chủ một công ty khởi nghiệp có doanh thu khoảng 2 tỷ đồng mỗi tháng với 34 nhân viên. Vươn lên từ “đống tro tàn” – những thất bại liên tiếp trong kinh doanh – Phúc vẫn giữ ngọn lửa khởi nghiệp không bị nguội lạnh sau không ít lần vấp ngã, như anh nói với DOANH NHÂN, “đau và đắng”. Trường học (chuyên ngành vi tính, trường Cao đẳng bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp) không dạy anh cách ứng xử với thất bại, nhưng trường đời tôi luyện cho anh ý chí và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ không dễ bị khuất phục.
Thua một trận, thắng cả cuộc chiến
Tỷ phú Mỹ J.Paul Getty nói: “Có 100 người đi tìm chốn an toàn, nhưng chỉ có một người đủ khả năng mạo hiểm với tài sản của mình”. Với Nguyễn Minh Phúc, đó là một đúc kết sâu sắc. Không chỉ “đủ khả năng mạo hiểm với tài sản của mình”, doanh nhân trẻ Nguyễn Minh Phúc còn không cho phép thất bại trú ngụ quá lâu trong tâm trí mình. Phúc có thể thua một trận chiến, hiểu theo nghĩa bị mất hết tài sản, lâm vào nợ nần, túng quẫn khi các lĩnh vực kinh doanh anh thử sức cách đây bốn năm – máy tính, quần áo và nội thất đều thất bại. Nhưng thua lỗ lại giống như chất xúc tác hun đúc bản lĩnh của Phúc, giúp anh trui rèn ý chí làm giàu. Lúc khó khăn nhất sau khi phá sản, Phúc nợ hơn 200 triệu đồng, buộc phải quay lại làm kỹ sư máy tính, nhận mức lương 400 USD/tháng để trả nợ. Mất trắng vốn liếng trong cơn nguy khó, anh chợt nhận ra mình vẫn còn thứ tài sản quý giá nhất trên đời, đó chính là đôi bàn tay ban ngày nắm chặt lại để lao động, ban đêm vắt lên trán nghĩ kế khởi sự lại công việc kinh doanh.
“Thất bại đau đớn lắm, ai cũng thế thôi, nhiều lúc tôi không ngủ nổi, vắt óc tìm cách làm lại từ đầu”, Phúc nhớ lại.
Đầu tiên là mổ xẻ những lần thất bại trong quá khứ và rút ra bài học cho mình. Bài học số 1: phải biết cách quản lý dòng tiền thật chặt chẽ. Bài học số 2: chọn lựa địa điểm tốt. Nghĩ tới nghĩ lui, Phúc quyết định thử sức lại bằng việc mua một chiếc máy tính cũ được bán thanh lý qua mạng rồi tìm cách bán lại để kiếm lời. Khoản lãi “ngoài sức tưởng tượng” 6 triệu đồng từ chiếc máy tính cũ bắt đầu nhen nhóm trong anh ý tưởng làm ăn mới: mua lại những đồ dùng đã qua sử dụng, tân trang rồi tìm người mua. Thời điểm đó là năm 2010. Tìm hiểu kỹ lưỡng, Phúc nhận thấy Internet là một công cụ tuyệt vời để xúc tiến mô hình thanh lý đồ cũ. Anh bắt tay xây dựng trang web www.thanhlyhangcu.com để mua, bán các đồ đạc cũ qua mạng, thuê một nhà kho lưu trữ đồ tại TP.HCM. Phúc cho biết, 100% các giao dịch mua, bán hàng cũ của công ty anh được tiến hành qua trang web này. Hiện nay, theo tiết lộ của Phúc, mỗi tháng anh bỏ ra khoảng trên dưới 100 triệu đồng cho việc quảng cáo dịch vụ này trên mạng, trong đó đa số là dành cho Google AdWords và các trang web khác như Vật giá hay Facebook.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên bên lề hội thảo “Giúp doanh nghiệp nhỏ Việt Nam nghĩ lớn”, do Tập đoàn Google tổ chức ngày 30/7/2014 tại Hà Nội, Nguyễn Minh Phúc tâm sự, “Thanh Lý Hàng Cũ” của anh ra đời từ niềm cảm hứng sau khi bán đi chiếc máy tính cũ, trong một không gian làm việc chỉ rộng chừng 20 m2. Những khách hàng đầu tiên anh tìm cách tiếp cận là các hộ gia đình tại TP.HCM, những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phá sản. Dần dà “Thanh Lý Hàng Cũ” đã tạo dựng được vị thế vững chắc cho mình. Hiện nay, công ty của Phúc là đơn vị thu mua đồ đạc chính của nhiều khách sạn 5 sao, nhà hàng lớn tại TP.HCM, ví dụ như khách sạn Sofitel và Lotte Legend. Cơ ngơi gầy dựng từ “đôi bàn tay ban ngày nắm chặt lại để lao động, ban đêm vắt lên trán” ngày nào, giờ khá bề thế: ba nhà kho có tổng diện tích lên tới trên 3.000 m2 tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. Nhà kho là nơi chứa toàn bộ hàng hóa mà công ty Phúc gom về, cái gì cũng có: ti vi, tủ lạnh, máy tính, bàn ghế, nồi niêu, ấm chén. Các bà nội trợ có nhu cầu mua đồ bếp hay đồ nội thất đã qua sử dụng chỉ việc truy cập trang web thanhlyhangcu.com, lựa đồ, đặt mua và trả tiền là xong.
Lợi thế của hình thức mua bán này là giảm đáng kể thời gian mua hàng so với các hình thức mua đồ cũ khác. Phúc nói: “Chi phí vừa phải, giao diện của trang web thân thiện, dễ sử dụng và dịch vụ nhanh chóng là những lợi thế chính của chúng tôi”. Việc định giá các món đồ được Phúc tính toán sao cho công ty anh phải đạt lợi nhuận ở mức 50% trên một món đồ sau khi mua vào, tân trang rồi bán lại. Nguyên tắc kinh doanh ở đây là hàng hóa phải lưu thông liên tục, tránh hàng tồn nhằm đảm bảo dòng tiền liên tục (Bài học số 1). Phúc cũng lắc đầu với vốn ngân hàng, bởi rủi ro nếu lỡ việc kinh doanh gặp khó khăn, đồng thời do đặc thù của nghề này cho nên ngân hàng cũng không định giá được tài sản công ty.
Internet và Google giúp ích rất nhiều cho việc kinh doanh của ông chủ 33 tuổi. Bất kể điều gì chưa rõ anh đều lên mạng tra cứu. Nhiều khi Internet cũng giúp anh tìm ra những địa chỉ mua hàng tốt tại quận 1 hay quận 3. Khi khởi sự doanh nghiệp này, Nguyễn Minh Phúc thậm chí không hiểu thương mại điện tử là gì. Tuy nhiên những doanh nhân như Phúc đang góp phần thúc đẩy số người truy cập Internet ở Việt Nam – đất nước có tỷ lệ sử dụng Internet đứng thứ 3 khu vực ASEAN, đạt 39,5%/90 triệu dân, theo thống kê của bà Lại Việt Anh, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin – Bộ Công Thương. Theo bà Việt Anh, tiền mặt hiện đang chiếm 74% tổng số lượng thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam khi mua hàng trực tuyến, trong khi ví điện tử chỉ chiếm 8%.
James McClure, Giám đốc Quốc gia, phụ trách các thị trường mới nổi khu vực Nam và Đông Nam Á, thuộc Tập đoàn Google khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết, tại hội thảo nêu trên: “Những doanh nghiệp nhỏ chính là xương sống của nền kinh tế Việt Nam, chiếm tỷ lệ 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam và đóng góp 47% cho GDP đất nước này”. Hãy xem con đường khởi nghiệp với “Thanh Lý Hàng Cũ” của Nguyễn Minh Phúc, để thấy vai trò của Internet đối với sự thành công của các doanh nghiệp nhỏ khu vực tư nhân lớn thế nào. Internet giúp trang web thanhlyhangcu.com mở rộng thị trường từ TP.HCM ra Vũng Tàu, Hà Nội, Tiền Giang và nhiều địa phương khác mà không cần mở văn phòng tại từng địa phương, qua đó giúp Nguyễn Minh Phúc giải quyết các rào cản lớn về địa lý và tiếp cận khách hàng, giảm đáng kể chi phí hoạt động.
Từ khoản nợ 200 triệu đồng bốn năm trước, tương lai đang nằm trong tay Nguyễn Minh Phúc – ông chủ công ty có mức vốn 14 tỷ đồng, doanh thu 2 tỷ và lợi nhuận ròng trên 500 triệu mỗi tháng.
“Ba không”, 150 ngàn đồng và 750 nhân viên
Trong số rất nhiều bí quyết trở thành triệu phú tự thân, có câu chuyện mà một triệu phú tự thân người Mỹ từng chia sẻ trên báo chí nước ngoài, đại khái là: trước tiên phải quyết chí để trở thành một triệu phú tự thân. Vị triệu phú tự lập này chia sẻ, ông bắt đầu từ không gì cả – không tiền bạc, chỉ có ý tưởng và làm việc cật lực liên tục kéo dài – nhằm tạo ra một sản nghiệp vững vàng không gì phá hủy nổi trong suốt đời ông. “Bước đầu tiên lúc khởi nghiệp là tôi ra quyết định và thiết lập mục tiêu. Mỗi một ngày trong nhiều năm, tôi tự viết ra giấy câu nói: “Tôi đáng giá hơn 100 triệu USD”, nhằm nuôi dưỡng tham vọng của mình”, ông viết.
Với Đỗ Tiến Hiếu, không rõ chàng trai nghèo quê Thanh Hóa này nuôi dưỡng giấc mơ nào khi vào năm 2007 trong túi anh chỉ có 150.000 đồng, một thân một mình bôn ba vào Bình Dương xin làm bảo vệ cho một trường học. Thực ra, Hiếu chỉ dằn túi có… 50.000 đồng, vì 100.000 phải đóng tiền trọ. Sau đó, anh xin được chân bảo vệ với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Năm 2012, anh được Sở Thể dục thể thao Bình Dương nhận vào Câu lạc bộ (CLB) võ thuật Bình Dương tập luyện, bởi anh vốn sinh ra trong một gia đình có nghề võ. Hiếu kể, lần đầu tiên anh vào TP.HCM sau khi tốt nghiệp với đôi mắt ngơ ngác, hai bàn tay trắng và “ba không” – không tiền, không quan hệ, không có gì. Tài sản đáng giá nhất của Hiếu chỉ có quyết tâm làm giàu, có lẽ cũng cháy bỏng không kém vị triệu phú tự thân người Mỹ nói trên.
Hè năm 2012, khi đang sinh hoạt võ thuật tại CLB võ thuật Bình Dương, Hiếu quyết định mở lớp võ thuật để kiếm kế sinh nhai, vì đồng lương bảo vệ “không sống nổi”. Không ngờ chỉ sau 3 tháng hè, lớp võ của Hiếu thu hút rất đông võ sinh, thu được số tiền nằm mơ anh cũng không thấy: 40 triệu đồng. Không tiêu tiền, anh chỉ nghĩ làm sao để 40 triệu đồng này có thể tạo ra một cơ nghiệp. Với cách nghĩ: cứ gõ, cửa sẽ mở, Đỗ Tiến Hiếu đi tới ý tưởng sử dụng chính nghề võ để khởi sự kinh doanh. Và thế là anh và một người bạn cùng nhau thành lập Công ty Bảo vệ 36A vào tháng 8/2012, hai ông đồng sáng lập kiêm luôn nhân viên bảo vệ duy nhất của công ty!
Hiếu bảo: “Khi hợp đồng đầu tiên mà Bảo vệ 36A ký được, lúc ấy chỉ có mỗi hai bọn tôi và một cậu nhân viên nữa, thế là cả Giám đốc Hiếu cũng đi làm bảo vệ”. Giá trị hợp đồng là 10 triệu đồng, tiêu hết 3 triệu, còn 7 triệu đồng. Trở ngại lớn lúc đó là vấn đề thủ tục giấy tờ, giải quyết xong thì tới lượt giải bài toán khách hàng, tiếp thị. Không có nhiều quan hệ, cách duy nhất tiếp cận được khách hàng là phải tích cực tiếp thị. Nhưng Bảo vệ 36A lại thiếu ngân sách. Nghe lời khuyên của bạn bè, anh tìm hiểu và chọn hình thức quảng cáo trực tuyến qua Google AdWords, chỉ đơn giản bởi nó phù hợp, ít tiền và hiệu quả trong hoàn cảnh bó buộc khi đó. Sau khi chạy quảng cáo trên AdWords được 3 tháng, hoạt động của công ty bắt đầu đi vào ổn định và công ty ký được hợp đồng với ba khách hàng mới. Doanh thu tăng lên cho phép công ty tuyển dụng thêm nhân viên bảo vệ, tăng cường chất lượng dịch vụ qua đào tạo nhân viên để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đến nay, Bảo vệ 36A đã có 750 nhân viên và 5 chi nhánh, nhưng nhà sáng lập “ba không” Đỗ Tiến Hiếu đang nhắm tới cái mốc 1.000 nhân viên và đang xúc tiến thủ tục thành lập công ty tại Lào, Campuchia.
Đặc biệt, công ty này không có… nhân viên kinh doanh, tất cả đã có Google AdWords lo. Chính Hiếu cũng ngạc nhiên với hiệu quả từ hình thức quảng cáo trực tuyến này. “Chúng tôi xây dựng quan hệ bền vững với khách hàng nhờ chất lượng dịch vụ, nhân sự để có thể trụ vững trong cạnh tranh và tận dụng tối đa sức mạnh của Internet”.
Đỗ Tiến Hiếu khởi nghiệp bằng niềm đam mê võ thuật cộng với ý chí quyết thoát nghèo. Anh hiểu, để duy trì đam mê và động lực kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ bảo vệ không đơn giản. Mỗi lúc đứng trước thử thách khắc nghiệt trên thương trường, Hiếu lại hồi tưởng tới cái thời chưa xa “không tiền, không quan hệ, không có gì”, để tiếp thêm năng lượng cho mình.
Nguyễn Minh Phúc và Đỗ Tiến Hiếu đã trả lời câu hỏi rất ý nghĩa của ông Shimon Peres, nguyên Tổng thống Israel – “Điều quan trọng nhất là có dám làm hay không”.
Theo Doanh Nhân