Rủi ro pháp lý thường gặp khi khởi nghiệp
24/07/2015 01:16
Khi triển khai ý tưởng kinh doanh, các doanh nhân khởi nghiệp thường tập trung vào thị trường và doanh số. Nhưng để doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp có những bước đi vững chắc, hạn chế rủi ro, sẵn sàng cho khả năng huy động vốn đầu tư thì hiểu biết luật pháp là điều cần thiết.
1. Hùn hạp triển khai dự án
Có rất nhiều doanh nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp bằng cách "hùn hạp kinh doanh" với các cộng sự mà không thành lập DN. Chỉ cần các sáng lập viên hùn tiền và công sức để triển khai dự án, khi nào có nhà đầu tư rót vốn thì mới bắt đầu quan tâm đến việc hình thành pháp nhân.
Dưới góc độ pháp lý, các thỏa thuận của các sáng lập viên lúc này là thỏa thuận dân sự và thường sơ sài nên khi xảy ra các xung đột liên quan đến việc góp vốn, sử dụng vốn, quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi ích... sẽ không có cơ sở để giải quyết.
Những người sáng lập nên rõ ràng ngay từ đầu về các điều khoản hợp tác, phương pháp làm ăn với nhau, có như vậy mới có thể giải quyết khi công ty có sự cố.
Các nhà đầu tư tự do thường đầu tư khi công ty ở giai đoạn bắt đầu phát triển. Khi đó, họ không quan tâm đến việc thành lập DN như thế nào mà chỉ để ý đến dự án có mô hình chuẩn, đội ngũ tốt và "luật chơi" rõ ràng hay không. Nếu DN có đủ các yếu tố trên thì cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư khá cao.
2. Các chấp thuận cần thiết
Các chủ DN trẻ thường sẽ đối mặt với rất nhiều mối bận tâm về kinh doanh, vì thế, những việc về pháp lý và hành chính không được ưu tiên. Chỉ khi đối tác, khách hàng có yêu cầu thì DN mới gấp rút thực hiện, dẫn đến đôi khi bị vuột mất cơ hội làm ăn.
Trong kinh doanh, cần chuẩn bị các giấy tờ liên quan đến ngành nghề, vốn, đáp ứng một hoặc nhiều điều kiện kinh doanh. Đối với một số lĩnh vực kinh doanh, các giấy phép chuyên ngành (giấy phép con) là điều kiện bắt buộc.
3. Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Các ý tưởng về sản phẩm, dịch vụ độc đáo và khác biệt sẽ tiếp cận thị trường nhanh chóng và việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ đó cần bắt đầu ngay khi triển khai dự án hoặc ngay sau khi DN được thành lập.
Tại Việt Nam, các vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái là vấn đề làm các DN đau đầu. Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ đảm bảo cho DN độc quyền sử dụng tài sản của mình mà còn là cơ sở để thực hiện việc khiếu nại, khiếu kiện khi cần thiết.
Các mô hình kinh doanh nhượng quyền thương mại, phát triển chuỗi hay thu hút đầu tư càng phải quan tâm đến vấn đề này. Tùy vào từng loại hình sản phẩm, dịch vụ, doanh nhân khởi nghiệp nên quan tâm đến việc bảo hộ bản quyền tác giả, nhãn hiệu, bằng sáng chế, giải pháp hữu ích...
4. Xung đột giữa các chủ sở hữu
Các tranh chấp liên quan đến xung đột cổ đông, chủ sở hữu ít khi diễn ra tại thời điểm khởi nghiệp mà thường xuất hiện khi dự án đã ổn định, mang lại doanh thu cao, nhưng các bên không kiểm soát các vướng mắc ngay từ đầu.
Để tránh tình trạng này, các thành viên sáng lập cần có những thỏa thuận cổ đông hay thỏa thuận thành viên rõ ràng ngay khi thành lập DN và đưa vào điều lệ công ty.
Trong một số trường hợp, các nội dung thỏa thuận không được cơ quan chức năng chấp thuận tại bản Điều lệ, hoặc các thỏa thuận mang tính bảo mật, nhạy cảm... thì các bên cần linh hoạt đưa vào các nghị quyết, quy định trong nội bộ công ty, miễn là không trái quy định pháp luật và đạo đức xã hội.
5. Lựa chọn sai mô hình công ty
Lựa chọn mô hình công ty là một trong những yếu tố cơ bản về xác lập quy chế pháp lý đặc thù đi kèm từng mô hình. Trong đó, những vấn đề pháp lý quan trọng cần lưu ý gồm: các chế độ trách nhiệm quản lý tài sản, vốn, cơ cấu bộ máy tổ chức, phân chia lợi ích trong công ty.
Những người khởi nghiệp thường hay chọn mô hình công ty cổ phần vì họ cho rằng dễ huy động vốn đầu tư khi có cơ hội. Nhưng thực tế, với các DN khởi nghiệp, mô hình này có nhiều hạn chế so với công ty trách nhiệm hữu hạn.
Với hình thức cổ phần, sau 3 năm thành lập, các cổ đông sáng lập được quyền chuyển nhượng cổ phần nhưng tại thời điểm đó, công ty chưa thật sự ổn định về kinh doanh và tổ chức mà thay đổi "người đầu tàu" thì sẽ ảnh hưởng đến DN. Còn với mô hình trách nhiệm hữu hạn, DN sẽ ổn định và có thể thay đổi loại hình kinh doanh phù hợp khi công ty đã phát triển.
6. Tranh chấp hợp đồng, giao dịch
Khi ký kết hợp đồng, phần lớn các chủ DN trẻ thường chú ý đến các điều khoản về thương mại (giá, thanh toán và hàng hóa) mà không quan tâm đến các điều khoản pháp lý như các cam kết, quyền và nghĩa vụ của các bên, biện pháp chế tài, phương án xử lý khi có vướng mắc phát sinh...
Vì thế, khi xảy ra tranh chấp, các DN khởi nghiệp thường bị thiệt hại. Cách tốt nhất là nên nhờ chuyên gia soạn thảo các bản hợp đồng mẫu để sử dụng trong đàm phán, ký kết với đối tác, hoặc trong trường hợp dùng hợp đồng đề xuất từ đối tác cũng nên biết các điểm cần lưu ý.
7. Tuân thủ quy định về thuế, kế toán
Nghĩa vụ thuế được căn cứ trên ba nguyên tắc: chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn. Trong trường hợp kinh doanh không thành lập DN thì cần tuân thủ việc nộp thuế thu nhập cá nhân, nếu đơn vị chi trả thu nhập khấu trừ tại nguồn thì cần quyết toán thuế hằng năm.
Khi thành lập DN, cần chú ý kê khai thuế ban đầu, xem xét việc kê khai và đóng các loại thuế tùy theo hoạt động kinh doanh của DN. Có ba loại thuế cơ bản là: thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN.
Ngoài ra, liên quan đến hoạt động sản xuất, sản phẩm đặc thù hoặc quy trình kinh doanh của DN còn có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế xuất - nhập khẩu... Việc chậm nộp, trễ hạn, kê khai sai hoặc kê khai thiếu luôn là rắc rối dẫn đến thiệt hại cho DN nếu không biết cách xử lý hoặc xử lý muộn.
8. Huy động vốn đầu tư
Một trong những cách nhanh nhất để phát triển nguồn lực là tiếp nhận nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân thông qua phương thức huy động.
Các nhà đầu tư tự do và các quỹ đầu tư thường quan tâm đến tiềm năng của dự án, tính cam kết của đội ngũ và các yếu tố cấu thành sự thành công của dự án. Tuy nhiên, vấn đề hồ sơ pháp lý và việc tuân thủ các quy định pháp luật cũng là điều cần lưu tâm nếu muốn các giao dịch thành công.
Tóm lại, nếu các doanh nhân khởi nghiệp cứ cố gắng "chạy" theo doanh số mà không am hiểu luật pháp, các quy định cơ bản và các rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn ban đầu thì hậu quả phát sinh là hoàn toàn có cơ sở.
Các chủ DN nên phân bổ nguồn lực để tìm hiểu luật lệ và nắm bắt các thay đổi của luật pháp trong kinh doanh. Họ cũng cần được luật sư có kinh nghiệm tư vấn ngay giai đoạn bắt đầu triển khai ý tưởng kinh doanh.
Trừ trường hợp chọn hình thức kinh doanh thời vụ và "tay ngang", còn với những ai khởi nghiệp để làm giàu bền vững thì chú tâm đến quản trị rủi ro pháp lý và tuân thủ là vấn đề bắt buộc.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Lộc