Nhà đầu tư ngoại vừa thích vừa ngán DNNN
27/08/2014 10:34
432 DNNN cổ phần hóa trong năm 2014-2015 đang là sự quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư quốc tế khi muốn rót vốn vào Việt Nam. Nhưng còn rất nhiều băn khoăn.
Theo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có vay nợ tới 50 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng tín dụng của ngân hàng, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ có 33 tỷ USD và trong số nợ vay đó thì nợ xấu chiếm đến 10 tỷ USD tính vào năm 2012.
Tình trạng các DNNN được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi nhưng vẫn bết bát khi lỗ lũy kế của các DN này lên tới 1,2 tỷ USD/năm và lợi nhuận đem về chỉ 5,5 tỷ USD.
Thực trạng làm ăn không hiệu quả như mong muốn của Nhà nước đối với các DN này buộc quá trình cổ phần hóa không thể chậm trễ. Sẽ giảm trên ¼ số lượng DNNN từ mức 1.309 DN có tỷ lệ Nhà nước nắm giữ 100% vốn còn 300 DN vào năm 2020.
Đến nay, mặc dù đã đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa DNNN nhưng số lượng DN được chào bán cồ phần lần đầu (IPO) trong những năm qua rất ít. Năm 2011 chỉ thực hiện IPO được 12 DN, năm 2012 là 13 DN, năm 2013 là 74 DN và đến 6 tháng đầu năm nay cũng mới chỉ IPO được 40 DN trong tổng số 432 DN sẽ phải cổ phần hóa trong 02 năm 2014-2015.
Trong các DNNN chỉ có Vinatex đang nỗ lực IPO nhưng gần đây lại dời đến tháng 9/2014. Mobilephone được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý nhiều nhất dù số lượng cổ phần chào bán vẫn chưa được công bố. Một yếu tố quan trọng trong quá trình cổ phần hóa là vốn. Nếu không để nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thì khó thực hiện được đúng lộ trình, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Nhà đầu tư nước ngoài dù rất quan tâm đến cổ phần hóa các DNNN nhưng theo ông Andy Ho, Giám đốc phân tích, trưởng bộ phận đầu tư VinaCapital tại hội thảo M&A Việt Nam 2014, định giá là một vấn đề đầy thử thách đối với nhà đầu tư quốc tế, vìthiếu các so sánh đáng tin cậy với doanh nghiệp tương đương, khiến cho một vài DNNN mặc nhiên được xem là dẫn đầu và có chuyên môn cao, ví dụ như VinaMilk và PetroVietnam Gas.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp khá nhiều khó khăn khi định giá DNNN về chất lượng của các thông tin kế toán, như các tài khoản hợp nhất, kiểm toán, thống kê khoản vay và các khoản chi trả… Ngoài ra, kiểm toán nhà nước có thể mất đến 75 ngày đối với các DNNN lớn nhất.
Các DNNN sau khi IPO xong cũng “lười” lên sàn trong khi theo quy định hiện hành, các công ty phải niêm yết trong vòng 1 năm kể từ IPO thành công, nhưng các chế tài về tài chính không quá nghiêm trọng nên DN thiếu động lực để thúc đẩy niêm yết để minh bạch hóa hoạt động.
Theo Infonet