Mới đây, thương vụ mua lại 30% cổ phần từ công ty chuyên về bán hàng theo nhóm Hotdeal được đối tác Nhật Bản Transcosmos tiết lộ tuy nhiên giá trị khoản đầu tư này không được công bố. Theo thông cáo đưa ra từ Transcosmos, thương vụ này cho phép công ty chuyển giao công nghệ thương mại điện tử cho Hotdeal và đưa sản phẩm, dịch vụ của khách hàng Transcosmos tới người tiêu dùng Việt Nam. Vậy Transcosmos là ai?
Gã khổng lồ dịch vụ thuê ngoài Nhật Bản
Transcosmos là công ty có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản được thành lập năm 1966 với hoạt động ban đầu là cung cấp dịch vụ dữ liệu BPO cho các doanh nghiệp.
Đến năm 1975, Transcosmos bắt đầu cung cấp dịch vụ hỗ trợ giảm chi phí cho khách hàng nhờ vào lợi thế công nghệ thông tin như nguồn nhân lực, kế toán, SCM, phát triển hệ thống, điện toán đám mây, quản lý tài sản IT, trung tâm chăm sóc khách hàng,…
20 năm sau, Transcosmos tiếp tục đưa ra các gói dịch vụ nhằm hỗ trợ tăng doanh thu khách hàng như phân tích marketing, truyền thông xã hội, telemarketing,….
Năm 2005, Transcosmos mở rộng dịch vụ thuê ngoài cho khách hàng ra toàn cầu. Đến năm 2010, Transcosmos đẩy mạnh đầu tư vào thị trường thương mại điện tử.
Hiện doanh nghiệp này hoạt động trong 4 mảng chính gồm: Dịch vụ thuê ngoài cho doanh nghiệp, Tiếp thị số, Trung tâm chăm sóc khách hàng và Thương mại điện tử One-Stop tại 18 nước trên thế giới phục vụ cho hơn 8000 khách hàng tại 34 quốc gia nhưng tập trung chính tại khu vực châu Á. Năm tài chính 2015 (kết thúc vào tháng 3/2015), doanh thu của Transcosmos đạt doanh thu trên trên 199 tỷ yên, tương đương hơn 1,6 tỷ USD, với mức lợi nhuận gộp hơn 36,7 tỷ yên (hơn 305 triệu USD).
Transcosmos đầu tư vào thương mại điện tử ra sao?
Mặc dù nằm trong 4 hoạt động kinh doanh chính nhưng thương mại điện tử là lĩnh vực được tập đoàn này đẩy mạnh đầu tư trong những năm gần đây. Điển hình cho điều này là việc rót vốn đầu tư, liên kết hoặc mua lại hàng loạt trang web thương mại điện tử từ châu Âu, Mỹ cho tới châu Á.
Hoạt động đầu tư của Transcosmos từ năm 2003 đến nay.
Là doanh nghiệp trung gian, Transcosmos làm nhiệm vụ phân phối sản phẩm của khách hàng (các thương hiệu, nhà sản xuất) tới trực tiếp người tiêu dùng thông qua 3 kênh chính: Các trang thương mại điện tử lớn trên thế giới thông qua liên doanh với công ty Takashimaya; Các trang TMĐT của Transcosmos và phân phối cho trang TMĐT hàng đầu Trung Quốc là UNQ.
Mặc dù tập trung mạnh vào châu Á nhưng mạng lưới đầu tư thương mại điện tử của Transcosmos cũng không bỏ lỡ cơ hội tại thị trường Âu, Mỹ.
Năm 2013, Transcosmos mua lại 19,99% cổ phần của PFSweb có trụ sở tại Mỹ với hệ thống mạng lưới khá đầy đủ từ cơ sở vật chất đến phân phối. PFSweb hiện là đối tác của nhiều thương hiệu nổi tiếng như Lego, L’Oreal, Giorgio armani,…
Tháng 2 năm 2015, Transcosmos đầu tư và làm đối tác với Italist, một trang TMĐT có hơn 50 năm kinh nghiệm và chuyên về thời trang cao cấp có khách hàng là các thương hiệu như Gucci, Missoni, Prada, Celine, Givenchy,…
Tại Trung Quốc, tháng 6 năm 2015 Transcosmos đầu tư và góp vốn vào Magic Panda- một trang TMĐT chuyên về thời trang tại Trung Quốc. Magic Panda cũng là 1 đối tác của Tmall.
Trước đó, tháng 10 năm 2014 Transcosmos rót vốn hợp tác cùng UNQ- công ty chuyên phân phối mỹ phẩm Nhật Bản, Hàn Quốc tại Trung Quốc vốn có những kênh bán lẻ trực tuyến như JUMEI, The Store, JD.com. Trong đó JD.com vốn là đối thủ của Alibaba.
Tháng 6 năm 2013, Transcosmoss cũng mua lại 20% cổ phần của FineEx, công ty logistics lớn tại Trung Quốc.
Tại Nhật Bản, Transcosmos cũng sớm mua lại Nihon-Chokuhan vào năm 2012 vốn là 1 thương hiệu nổi tiếng về TV Shopping hay caramo- công ty vận hành Fujimaki-Select vào năm 2015.
Tại Đông Nam Á, Transcosmos mua 10% trang e-Book hàng đầu Thái Lan vào năm 2014 là Ookbee. Ookbee hiện có hơn 5,5 triệu thành viên. Công ty này cũng mua lại 30% trang TMĐT thời trang nổi tiếng của Indonesia là BerryBenka vào năm 2013. Gần đây nhất là tháng 3/2015, Transcosmos mua lại trang web bán hàng theo nhóm lớn nhất Philippines là MetroDeal với giá 30 triệu USD.
Hiện nhà sáng lập kiêm CEO tập đoàn Koki Okuda nắm giữ 15,37% cổ phần của Transcosmos. Chủ tịch kiêm COO Masataka Okuda nắm giữ 12,11% cổ phần Transcosmos. Ngoài ra 2 ngân hàng Nhật Bản The Master Trust Bank of Japan, Japan Trustee Services Bank và Goldman Sachs cũng là cổ đông đầu tư vào Transcosmos.
Theo Trí Thức Trẻ