Để giảm rủi ro khi sáp nhập doanh nghiệp
05/09/2014 10:24
Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam đang diễn ra ngày càng phổ biến. Đi kèm với việc nhận về tài sản, bên nhận sáp nhập còn nhận về các nghĩa vụ đối với khoản nợ của doanh nghiệp. Giải pháp nào để hạn chế các rủi ro từ M&A?
Công ty X & công ty Y giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo đó, X là bên mua và chưa thanh toán đầy đủ tiền hàng cho Y. Sau đó X sáp nhập vào công ty Z. Nhằm thu hồi tiền mua hàng, công ty Y khởi kiện công ty Z. Tại tòa, đại diện của Z cho rằng,X sáp nhập vào Z. Khi nhận bàn giao thì X cam kết tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ trước đó. X đã lừa dối Z, tài sản sáp nhập đã mang thế chấp cho Ngân hàng, Z cho rằng số tiền Y đòi nợ Z là không đúng, trách nhiệm thuộc về X, Z chỉ là người có quyền lợi liên quan còn bị đơn phải là X.
Vấn đề đặt ra là bên nhận sáp nhập, phải chịu trách nhiệm với chủ nợ hay không và chịu trách nhiệm như thế nào. Câu hỏi này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh giá trị tài sản của bên bị sáp nhập không đủ để thanh toán các khoản nợ cho các chủ nợ, thì bên nhận sáp nhập có phải trả nợ thay?
Hai lựa chọn trong sáp nhập
Hình dung về tình huống một cách đơn giản tựa như chuyện của người làm vườn. Ông này đang có một cái cây (sau đây gọt tắt là cây A). Cây A cành lá xum xuê. Tuy vậy, theo thời gian, cây bắt đầu bị sâu bọ tấn công và ngày càng nhiều.
Nếu như trước đây, cây A còn phát triển tốt sẽ có cơ chế tự vệ để chống lại sâu bọ. Nhưng vì thời tiết không tốt, cây không tốt như xưa, sâu bọ trên cây thì nhiều, tự mình cây không đủ sức chống chọi lại sâu bệnh, nếu người làm vườn không xử lí kịp thời thì cây sẽ khó mà phát triển bình thường, thậm chí còn chết cây. Trong vườn, ông này có cây B, to lớn, khỏe mạnh hơn cây A. Ông này có hai lựa chọn:
Một là: Chặt cây A, mang ghép vào cây B. Lúc này, không còn cây A nữa, A trở thành một phần của cây B. Với quá trình ghép cây đó, người làm vườn sẽ dùng sức đề kháng của cây B để chống lại các sâu bọ trên phần cây A vừa ghép vào. Nếu quá trình này thành công, cây B sẽ phát triển hơn so với lúc trước, vì lúc này nó mang trên mình thêm cả phần cây A mà người làm vườn vừa ghép vào.
Hai là: Người làm vườn tách một nhánh cây từ B ra trồng riêng, ta gọi là cây B’. Sau đó, ông lại mang cây A, ghép vào cây B’. Khi quá trình này hoàn tất, ông lại mang cây B’ (lúc này đã có A trên mình) ghép lại vào cây B. Quá trình “chữa trị” hoàn tất.
Các lựa chọn của người làm vườn cũng tương tự như việc lựa chọn các hình thức pháp lý trong quá trình thôn tính một doanh nghiệp trên thị trường. Mục đích đều là mua doanh nghiệp khác, trong bối cảnh doanh nghiệp bị mua đang ở trong tình trạng khủng hoảng nợ, nhưng lựa chọn khác nhau sẽ dẫn đến những hệ quả khác nhau đối với nhà đầu tư. Hình thức sáp nhập tựa như lựa chọn thứ nhất của người làm vườn. Theo đó doanh nghiệp bị sáp nhập chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập. Khi chặt cây A, mang ghép vào cây B, mặt tích cực là cây A là một phần của B, bằng sức đề kháng của mình cây B sẽ tiêu diệt sâu bọ trên phần cây A vừa ghép vào. Tuy vậy, tại thời điểm ghép phần A vào cây B, ngoài phần cây (lợi ích) việc cấy ghép này cũng mang cho B cả phần sâu bọ (nguy cơ).
Lợi và hại
Nhìn từ góc độ pháp lý, doanh nghiệp nhận sáp nhập phải kế thừa các nghĩa vụ của A trước đó. Điều này xuất phát từ nguyên lí bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, nhằm tránh tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng quá trình sáp nhập mà lẩn tránh nghĩa vụ trả nợ. Như vậy, hệ quả là: A chấm dứt sự tồn tại, nghĩa vụ xử lí sâu bọ được xác định là của B.
Mặt khác tài sản của A chuyển sang trở thành tài sản của B. Điểm mấu chốt của vấn đề là tài sản là của B, nghĩa vụ cũng được xác định là của B. Trong bối cảnh sâu bọ (nợ) nhiều hơn tài sản mà A chuyển sang B, logic của vấn đề B phải dùng tài sản mà mình sở hữu không kể tài sản này từ A chuyển sang hay không để trả nợ.
Nhìn từ góc độ của nhà đầu tư, hoạt động sáp nhập như trên hàm chứa rủi ro lớn. Từ đó, một yêu cầu đặt ra phải có giải pháp để một mặt B vẫn mua được A, nhưng mặt khác B không phải trả nợ thay cho A, trong trường hợp giá trị tài sản của A không đủ thanh toán.
Lựa chọn thứ hai của người làm vườn có thể đáp ứng khía cạnh này. Cơ sở cho lựa chọn này chính là chế độ trách nhiệm hữu hạn của pháp nhân. Theo đó, các chủ nợ không có quyền đòi nợ cổ đông, vì họ không có nghĩa vụ trả nợ thay cho A.
Vì thế, để tiến hành thương vụ, trước hết B chuyển một phần tài sản của mình thành lập công ty con là B’. Sau đó B’ sẽ mua A. Điều này cũng tương tự như khi ghép A vào cây B’ của người làm vườn. Khi tiến hành thương vụ theo “đường vòng” như vậy có hai cái lợi:
Thứ nhất: Nếu “sâu bọ” quá nhiều, cùng lắm là chỉ làm chết A và B’, cây B đang ở ngoài cuộc cấy ghép nên sâu bọ không lan qua được.
Thứ hai: Quá trình chuyển hóa từ phần cây A vào B luôn kéo theo những sự xáo trộn nhất định. Như vậy, với việc dùng B’ để mua A, B đã tránh những sự xáo trộn không cần thiết trong quá trình tiếp nhận A, tất cả những xáo trộn (nếu có) sẽ do B’ xử lí.
Sau khi B’ đã xử lí xong phần sâu bọ của A và bảo đảm sự ổn định sau sáp nhập, việc còn lại là B hoặc là tiếp tục sáp nhập B’ hoặc đơn giản là để B’ hoạt động một cách độc lập.
Trở lại câu chuyện ở trên,dẫu khi bàn giao X cam kết tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ trước đó, nhưng cam kết này lại không có giá trị, mọi quyền lợi và nghĩa vụ sẽ chuyển giao cho bên nhận sáp nhập. Việc chối bỏ trách nhiệm của Z như trên là không hợp lí.
Khuyến nghị
Có nhiều cách thức để các bên lựa chọn trong các thương vụ sáp nhập doanh nghiệp. Nhìn từ góc độ của doanh nghiệp nhận sáp nhập, yêu cầu đặt ra là quá trình sáp nhập phải bảo đảm (i) Giảm thiểu rủi ro và (ii) Bảo đảm hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Với cách thức tiến hành sáp nhập một cách trực tiếp được tiến hành phổ biến như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu trên. Do đó lựa chọn phù hợp cho các bên là nên tiến hành sáp nhập bằng cách thành lập một công ty con. Công ty này chỉ có nhiệm vụ duy nhất là mua công ty tiềm năng. Với việc thành lập công ty con như vậy, giúp các bên tránh được những rủi ro như phân tích ở trên.
Theo TBKTSG