Mỗi khi muốn từ bỏ việc kinh doanh, hãy tự trả lời 5 câu hỏi sau!

28/08/2015 03:00

Mỗi khi muốn từ bỏ việc kinh doanh, hãy tự trả lời 5 câu hỏi sau!

Trong kinh doanh sẽ không ít lần bạn gặp phải những khó khăn, thử thách khiến bạn nản lòng và muốn buông xuôi tất cả. Nhưng trước khi có ý định bỏ cuộc hãy tự trả lời 5 câu hỏi dưới đây.


Là doanh nhân, chúng ta thường tin vào khả năng xây dựng tương lai của bản thân hơn bất kỳ người nào khác. Chúng ta luôn luôn nghĩ rằng những gì chúng ta tạo ra đều là những thứ thế giới cần mà không mảy may một chút nghi ngờ.

 

Đó là lý do vì sao chúng ta có thể mạo hiểm cả một gia tài, nhà cửa, thậm chí là những mối quan hệ để đạt được mục tiêu. Tôi cũng từng ở trong trạng thái như vậy khá nhiều lần.

 

Bên cạnh thành công, tôi cũng đã nếm trải những mặt trái của nghiệp kinh doanh; đó là khi công ty có những dấu hiệu bất ổn cùng nguy cơ thất bại. Khi bạn đang đứng ở đó, nhìn về vực thẳm phía trước, rất khó để có được cái nhìn toàn diện và ra quyết định đúng đắn.

 

Những câu hỏi sau đây có thể giúp bạn thay đổi cách nhìn và tìm ra hướng đi tiếp theo.

 

1. Tự hỏi bản thân liệu rằng bạn đang từ bỏ hay đang thay đổi tầm nhìn?

 

Tôi bắt đầu công việc kinh doanh với một công ty phần mềm. Sản phẩm của chúng tôi là một ứng dụng có khả năng chuyển đổi những mã phức tạp giữa các ngôn ngữ lập trình với nhau. Đó thực sự là một sự đột phá. Tuy nhiên, khách hàng vẫn muốn chúng tôi chuyển đổi mã code của họ một cách thủ công. Điều này quả thật vô lý. Ứng dụng của chúng tôi đã giúp chuyển mã một cách hoàn hảo và chỉ tiêu tốn 10.000 đôla. Cách chuyển đổi thủ công sẽ tốn thêm ít nhất là 100.000 đôla nữa.

 

Chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng lợi nhuận thực sự không nằm ở phần mềm mà là ở dịch vụ. Việc “từ bỏ” ứng dụng phần mềm đó chính là sự khởi đầu của Delphi; một con thuyền mà chúng tôi đã lèo lái trong gần 20 năm.

 

“Thứ có vẻ như là sự bỏ cuộc đôi khi lại là cơ hội tuyệt vời để chúng ta có thể thay đổi hướng đi và tìm thấy nguồn tài nguyên vô giá”.

 

Rất dễ để đi chệch hướng trong ý tưởng kinh doanh ban đầu, nhưng một số ít những ý tưởng này có thể dẫn những start up đi đúng quỹ đạo. Chúng thường đóng vai trò như là ngòi nổ kích hoạt bom bộc phá . Thứ có vẻ như là sự bỏ cuộc đôi khi lại là cơ hội tuyệt vời để chúng ta có thể thay đổi hướng đi và tìm thấy nguồn tài nguyên vô giá.

 

2. Bạn có đang ở đúng nơi mà bạn mong muốn?

 

Tôi không thích câu nói “hãy thoát ra khỏi chiếc hộp”. Mọi việc kinh doanh đều diễn ra bên trong một chiếc hộp được tạo nên bởi lợi nhuận, sự hài lòng của khách hàng, sự tăng trưởng, và giá trị. Thay vì việc chỉ nhảy ra khỏi chiếc hộp, hãy chắc chắn rằng bạn đang ở đúng nơi để bắt đầu. Hãy nhìn thật kỹ vào thứ mà bạn đang tạo dựng. Phần nào đúng hướng, phần nào không?

 

Thường thì công việc kinh doanh vẫn sẽ thành công nếu như bạn chỉ tập trung vào những mặt đang hoạt động tốt. Cơ cấu lại và mở rộng những phần hoạt động tốt và cắt bỏ những phần còn lại. Đó không phải là bỏ cuộc mà là sự phát triển – và thường chỉ đơn giản như vậy.

 

3. Thế còn nhóm của bạn thì sao?

 

Đó có thể là ý tưởng của bạn nhưng hãy nhớ rằng có một nhóm những người khác cũng đang đầu tư công sức vào giấc mơ này. Quan điểm và hoài bão của họ là gì? Họ nhìn thấy giá trị ở đâu? Đâu là nơi chứa đựng nhiệt huyết và tâm trí của họ? Bạn có thể đã sẵn sàng bỏ cuộc nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi biết bầu nhiệt huyết vẫn đang cháy của những người trong nhóm. Nên có một cuộc trao đổi thẳng thắn về các phương án. Theo kinh nghiệm của tôi thì sự tin tưởng lẫn nhau là điều quan trọng nhất trong những thời khắc cần ra những quyết định hệ trọng và khi mà mỗi người đều được đưa ra quan điểm của mình.

 

4. Bạn còn bao nhiêu thời gian?

 

Thành thật với bản thân rằng bạn còn bao nhiêu thời gian trước khi công việc kinh doanh đổ bể và hãy sử dụng nó một cách khôn ngoan để lên kế hoạch cho các bước tiếp theo của mình. Một doanh nghiệp có thể được hồi sinh từ đống tro tàn nhưng chỉ khi trong quá trình đó nó không làm hại tới nhân viên, người cho vay và các đối tác. Bằng việc không đốt cháy những chiếc cầu, bạn có thể chắc rằng mạng lưới các mối quan hệ đối tác và nhà cung cấp của mình sẵn sàng tham gia vào thương vụ kinh doanh mới cùng với bạn.

 

5. Bạn sợ việc kinh doanh thất bại hay sợ việc bản thân mình gục ngã?

 

Bạn để bao nhiêu tâm huyết của mình vào việc kinh doanh? Trong sâu thẳm trái tim, bạn có sợ mình sẽ chìm xuống cùng với con tàu kinh doanh? Yên tâm rằng điều đó sẽ không xảy ra. Bởi đó là hai thực thể riêng biệt. Bạn biết thật khó có thể chấp nhận rằng bạn đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để gây dựng nên nó, và mặc dù bạn có thể bị bầm dập nhưng bạn vẫn sẽ tồn tại và bạn vẫn sẽ bước tiếp. Việc đóng cửa một doanh nghiệp sẽ không ảnh hưởng tới kinh nghiệm, kiến thức và trình độ của bạn.

 

(Theo NDH/INC)