Kiếm tiền nhờ cá nhân hoá
07/08/2015 01:54
Cá nhân hoá đang là một xu hướng, và người tiêu dùng tỏ ra thích thú khi mua những sản phẩm liên quan thiết thân với mình. Ngành sách cũng không ngoại lệ.
Vào một ngày của năm 2012, anh chàng Asi Sharabi đọc qua một cuốn sách mà cô con gái ba tuổi của mình được tặng. Anh cảm thấy ngạc nhiên và thích thú khi tên cô con gái của mình xuất hiện trong một số trang. Nhưng cảm giác đó chỉ trôi qua rất nhanh, vì phần còn lại của cuốn sách khiến anh bức xúc vì dở tệ. Lúc đó, chàng trai người Do Thái, đang quản lý một công ty tư vấn quảng cáo ở London, đọc một cuốn sách khác là Khởi nghiệp tinh gọn (The Lean Startup) của Eric Ries. Eric Ries khuyên các doanh nhân cần phải chú trọng đến yếu tố thử nghiệm. Sharabi lập tức liên tưởng tới cuốn sách của cô con gái mình. Ý tưởng về cá nhân hoá thì tuyệt vời, nhưng nội dung thì dở tệ.
Thế là anh chàng lên mạng tìm tòi về thể loại sách cá nhân hoá, rồi tập hợp một nhóm bạn gồm một là dân công nghệ, một là dân viết lách và một là hoạ sĩ. Cả bốn người bắt tay vào ý tưởng đưa ra một cuốn sách độc đáo. Và một công ty được lập nên: Lost My Name – Lạc Mất Tên.
Đấy cũng là tựa đề của cuốn sách đầu tiên của nhóm: The Boy Who Lost His Name (Cậu bé bị lạc mất tên) hay The Girl Who Lost Her Name (Cô bé bị lạc mất tên). Sở dĩ cùng một cuốn sách nhưng phải “phân biệt giới tính” là vì đây là cuốn sách cá nhân hoá, và trong sách ghi hẳn tên của người mua luôn. Vì thế, để mua sách, các ông bố bà mẹ chỉ cần lên website của công ty và gõ tên và giới tính của con mình vào. Phần còn lại, công nghệ sẽ xử lý để cuốn sách đáp ứng được nhu cầu, với tên của nhân vật in trong cuốn sách.
Cốt truyện đơn giản, dành cho các cô bé, cậu bé từ 2 – 6 tuổi, khiến cho không chỉ các ông bố bà mẹ thích thú mà chính những đứa trẻ cũng vô cùng hào hứng.
Và, với chiến lược marketing truyền miệng, cuốn sách giờ bán rất chạy trên thế giới. Trong hai năm qua cuốn sách này bán được hơn 600.000 bản, giá mỗi bản là 30 USD, vận chuyển miễn phí. Năm ngoái, theo Lost My Name, cuốn sách này nằm trong tốp sách truyện tranh bán chạy nhất ở Anh. Sách này cũng rất được ưa chuộng ở Úc và Canada, cũng như bán được gần 125.000 bản ở Mỹ.
Lost My Name có vẻ như đi ngược lại xu thế của thị trường sách Mỹ. Một nghiên cứu mới đây của Nielsen nhận thấy 71% những khách hàng mua sách trẻ em là do việc trưng bày trong các hiệu sách. Điều đó cũng giải thích cho chuyện từ xưa đến nay việc bán sách phụ thuộc rất lớn vào các tiệm bán lẻ. Lost My Name thì không như thế, thay vào đó xây dựng được mối liên hệ chặt chẽ với khách hàng. Với 600.000 sách bán được, công ty đã có dữ liệu trong tay về chừng 400.000 khách hàng. Một số không chỉ mua một lần, một số đang kêu gọi công ty phải ra thêm các sách khác.
Năm ngoái thị trường sách điện tử và sách dành cho trẻ mới lớn ở Mỹ đã tăng trưởng đến 20,9%, với giá trị 4,3 tỉ USD, theo số liệu của hiệp hội Xuất bản Mỹ. Thị trường ngày một mở rộng đã thu hút được rất nhiều tay chơi nhảy vào. Những ông lớn như Walt Disney và các nhà xuất bản độc lập như Sourcebook và KD Novelties đang bán ra các cuốn sách trẻ em được cá nhân hoá, trong khi đồng thời thử nghiệm các bản điện tử cũng được cá nhân hoá. Lost My Name đang “đối mặt với rất nhiều sự cạnh tranh.
Điều khiến cho Lost My Name khác biệt đó chính là một mô hình kinh doanh kiểm soát được mọi khía cạnh về trải nghiệm của người mua. Sách của Lost My Name không bày bán ở các hiệu sách, cũng không có trên các website bán hàng, mà chỉ có ở trên website của công ty. Người mua muốn mua phải đặt trước, trả tiền xong xuôi, công nghệ xử lý, rồi mới in ra bán. Điều đó giúp công ty vừa có tiền tươi thóc thật, lại chẳng lo lắng gì về hàng tồn kho.
Tháng 6.2015, Lost My Name đã gọi vốn từ các nhà đầu tư với 9 triệu USD, trong đó có những tên tuổi như cả Google Ventures, Greycroft Partners, The Chernin Group và Allen & Co. Có vẻ như các nhà sáng lập và các nhà đầu tư đang rất máu me để đưa dạng sách cá nhân hoá này bùng nổ trong thời gian tới. Cả bốn người đã nghỉ hẳn việc của mình để tập trung cho công ty.
Trước mắt thì cuốn sách thứ hai đang gấp rút để chuẩn bị ra đời. Cốt truyện lần này sẽ bắt đầu từ ngoài hành tinh, và kết thúc tại cửa nhà của đứa trẻ. Và vì thế, các bậc phụ huynh mua sách lại lên website, gõ tên con mình và địa chỉ nhà. Công nghệ của cuốn sách mới này còn phức tạp hơn nhiều, và sẽ được đội ngũ 17 lập trình viên của công ty xử lý. Về lâu dài, Lost My Name sẽ mở rộng ra không chỉ các cuốn sách mà còn là các video cá nhân hoá nữa.
(Theo Thegioitiepthi)