Cuối năm 2012, bằng việc chào bán 14 triệu cổ phiếu KDC (tương đương 10% vốn) cho đối tác chiến lược là Công ty Ezaki Glico (Nhật Bản), Kinh Đô đã kết thúc thành công thương vụ M&A gần đây nhất của mình.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực mua bán - sáp nhập doanh nghiệp, Giáo sư Nigel Denscombe - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Denscombe tại Tokyo và New York, cho rằng Kinh Đô chính là một trong những ví dụ tiêu biểu cho những thành bại của doanh nghiệp khi tiến hành M&A tại Việt Nam.
Từ một cơ sở nhỏ chuyên sản xuất bánh snack ra đời vào năm 1993 với vốn pháp định 14 tỷ đồng và khoảng 70 nhân viên, song song với phát triển sản xuất, các thương vụ M&A đã giúp Kinh Đô mở rộng quy mô với 4 nhà máy, 5 công ty chuyên ngành thực phẩm, với 8.000 lao động.
Thương hiệu này cũng xây dựng được một hệ thống các công ty trong ngành thực phẩm gồm bánh kẹo, nước giải khát, kem... Năm 2013, Kinh Đô đặt mục tiêu doanh thu 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 600 tỷ.
Tháng 7/2003, Kinh Đô ghi dấu ấn đầu tiên trong chiến lược M&A bằng việc mua lại nhà máy sản xuất kem Wall's của Unilever, thương hiệu chiếm hơn 50% thị trường kem Việt Nam khi đó.
Thương hiệu này sau được thay đổi tên thành kem Kido’s. Đến nay, Kido's vẫn giữ 60% thị phần kem trung và cao cấp, đồng thời mở rộng ra những ngách riêng của thị trường.
Việc mua lại 51% cổ phần của Vinabico được tiến hành cuối năm 2007 cũng được nhận định là một trong những thương vụ thành công của Kinh Đô. Sau đó, KDC đã trực tiếp tham gia điều hành hoạt động của đơn vị này. Gần đây, Vinabico chính thức sáp nhập vào Kinh Đô và trở thành Công ty TNHH Một thành viên do Kinh Đô sở hữu 100% vốn điều lệ.
Thông qua việc sáp nhập trên, KDC đạt mục tiêu mở rộng ngành hàng, cụ thể là nhóm sản phẩm bánh tươi và kẹo trang trí với thị phần đang dẫn đầu của Vinabaco. Theo Kinh Đô, hàng năm, Vinabico đã đạt mức tăng trưởng khoảng 30%.
Nhóm chuyên gia của Vietnam M&A Forum cho rằng ba thương vụ trên là những ví dụ điển hình cho mô hình mua bán, sáp nhập mà Kinh Đô theo đuổi nhằm mở rộng ngành nghề kinh doanh chính. Tuy nhiên, GS Nigel Denscombe cũng nhận định chặng đường M&A của Kinh Đô từng gặp không ít khó khăn với thương vụ Tribeco và Nutifood.
Năm 2005, sau khi mua lại 35% cổ phần từ các quỹ đầu tư nước ngoài, Kinh Đô trở thành cổ đông lớn nhất của Tribeco và không giấu tham vọng thâu tóm. Trả lời trước báo giới, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kinh Đô từng cho biết, việc thâu tóm công ty nước giải khát này nằm trong định hướng của công ty.
Tuy nhiên, sau vài năm báo lãi, từ 2008, Tribeco thua lỗ triền miên, nợ nần chồng chất. Tình trạng này khiến Kinh Đô phải thoái vốn tại đây trước khi công ty tuyên bố giải thể.
Một thương vụ khác, Kinh Đô cũng phải “ngậm bồ hòn” đó là việc đầu tư để trở thành cổ đông lớn của Nutifood. Gần đây, sau 5 năm, KDC buộc phải thoái vốn và chấp nhận khoản lỗ hơn 71 tỷ đồng. Lý giải về việc thoái vốn tại đây, lãnh đạo Kinh Đô từng cho biết do chiến lược phát triển của hai bên không còn nhất quán.
Sau khi thoái vốn khỏi 2 đơn vị trên, 6 tháng đầu năm nay Kinh Đô lãi lớn nhờ khoản chi phí tài chính giảm chỉ bằng một phần ba cùng kỳ. GS Nigel Denscombe cho rằng với hai thương vụ trên, Kinh Đô đã không đạt được hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí gánh nhiều khoản lỗ.
Ngoài ra, đơn vị này cũng có những đầu tư ngoài ngành như bất động sản, và xét về góc độ chiến lược cũng không mang lại giá trị cộng hưởng chung cho tập đoàn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty Dữ liệu và Phân tích Stox Plus lại cho rằng, việc đánh giá một thương vụ M&A là thành công hay thất bại tùy theo các mục đích các bên.
“Ví dụ đối với việc mua cổ phần Tribeco nếu như mục tiêu của Kinh Đô là biến đơn vị này thành nơi giúp họ chuyên về sản xuất nhằm tận dụng công suất thừa thì có lẽ họ đã thành công. Còn đối với thương vụ Glico, tôi nghĩ cần có thêm thời gian để đánh giá sự thành bại của nó”, ông Thuân nhận định.
Về chiến lược tiếp theo, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Kinh Đô cho biết: "Khi hệ thống của công ty trở nên ổn định hơn và đạt được quy mô cần thiết, chúng tôi sẽ xem xét lại chiến lược mua bán sáp nhập như một phần quan trọng hơn trong chiến lược tăng trưởng chung".
Ông cũng cho biết, năm nay, đơn vị này đang chuẩn bị các bước căn bản cho chiến lược mua bán sáp nhập trong năm 2014. Để gia tăng tốc độ tăng trưởng, ngoài những sản phẩm truyền thống, Kinh Đô sẽ tiếp tục thâm nhập và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một số ngành hàng khác theo chiến lược Thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu (Food & Flavor).
"Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ liên kết cùng các đối tác để tìm cơ hội đưa thương hiệu Kinh Đô phát triển tại nước ngoài", ông Thành cho hay.