Bài học đắt giá từ thất bại của Beyeu.com và 19 start-up khác tại châu Á
02/12/2015 10:29
2015 là một năm đầy sôi động với các công ty start-up ở châu Á. Đầu tư mạo hiểm đổ vào Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc lớn chưa từng có. Khu vực Đông Nam Á thiết lập kỷ lục mới với thương vụ sáp nhập iProperty Group trị giá 534 triệu USD.
Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư khổng lồ không đảm bảo sự thành công trong tương lại. Một số công ty trở thành người chiến thắng, trong khi không ít công ty khác ngậm ngùi đóng cửa vì thất bại.
Dưới đây là 20 start-up châu Á đã buộc phải đóng cửa trong năm nay:
Trung Quốc
1. Melotic
Melotic là một ứng dụng trao đổi tài sản dựa trên đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. Công ty có trụ sở chính ở Hong Kong. Melotic đã huy động được 1,18 triệu USD ở vòng Hạt giống vào tháng 10/2014 từ các nhà đầu tư, trong đó có quỹ 500 Startups. Tuy nhiên, tất cả là không đủ để tạo ra một sản phẩm mà mọi người mong muốn.
Tháng 5/2015, nhóm xây dựng dự án đã quyết định bỏ cuộc với lý do "không đủ kinh nghiệm" để phát triển sản phẩm.
2. eXiche
Trong năm 2015, Trung Quốc đã đóng cửa đến 7 dịch vụ rửa xe trực tuyến theo mô hình online-to-offline.
Guagua Xiche tưởng chừng như là người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này. eXiche đã huy động được 20 triệu USD tại vòng series A vào tháng 3. Tuy nhiên, công ty tuyên bố ngừng hoạt động vào tháng 10 vừa qua.
Theo TechInAsia, vấn đề mà eXiche gặp phải là đã 'đốt' quá nhiều tiền vào các chương trình khuyến mại, giảm giá cho một dịch vụ đã rẻ như rửa xe.
Ấn Độ
3. DoneByNone
Mặc dù là một năm thành công nói chung đối với thương mại điện tử tại Ấn Độ, nhưng vẫn có một số start-up không thể tồn tại. Trong số đó phải kể đến DoneByNone, thương hiệu bán hàng thời trang nữ trực tuyến của công ty Gurgaon.
Từ cuối năm 2014, nhiều khách hàng đã thể hiện sự không hài lòng với công ty. Cuối năm 2014, một trong số các nhà sáng lập đã rời bỏ công ty và đến đầu năm 2015 thì trang web chính thức đóng cửa.
4. Lumos
Lumos là một start-up trong lĩnh vực nhà thông minh được thành lập bởi một nhóm các bạn trẻ mới ra trường. Xây dựng một công ty phần cứng khó khăn hơn nhiều so với họ nghĩ. "Chúng tôi đã đánh giá thấp việc tạo ra một sản phẩm mà thị trường sẵn có. Chúng tôi đã đánh giá quá cao nhu cầu và công dụng sản phẩm của mình.", những nhà sáng lập Lumos chia sẻ trên blog.
5. TalentPad
Mặc dù đã nhận được tiền đầu tư vòng Hạt giống vào tháng 10/2014 và tuyển dụng được nhiều nhân viên tài năng, nhưng TalentPad vẫn phải đóng cửa chưa đầy một năm sau đó.
Công ty cung cấp một chợ tuyển dụng trực tuyến độc đáo, nơi các công ty cạnh tranh để có được các nhân tài. Tuy nhiên, nó đã thất bại vì không thể mở rộng được thị trường.
6. Dazo
Các công ty thực phẩm tại Ấn Độ đã gặp không ít khó khăn trong năm qua. Dazo,ứng dụng gọi thức ăn và giao hàng đầu tiên tại Ấn Độ là ví dụ điển hình. Công ty đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư tại vòng Hạt giống, trong đó có cả những nhà điều hành tại Amazon và Google. Nhưng cuối cùng Dazo vẫn không tránh được kết cục là phải đóng cửa trong năm 2015.
Nói về sự sụp đổ của ngành giao thực phẩm tại Ấn Độ, Inc42 viết:
"Các start-up ngành này tăng trưởng nhanh chóng cũng chỉ ra một thực tế là những công ty tài trợ có xu hướng đốt tiền để có được thật nhiều khách hàng mà không cần tạo ra một sản phẩm khác biệt."
7. Valyoo Tech (Bagskart, Jewelskart, Watchkart)
Công ty vận hành các trang web thương mại điện tử bán hàng cao cấp như: túi xách, đồ tranh sức, đồng hồ, mắt kính và kính áp tròng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có trang LensKart còn hoạt động, còn các trang khác đã phải đóng cửa do không tìm được khách hàng.
Indonesia
8. Kleora
Mặc dù đã ngừng hoạt động nhưng nhà sáng lập của Kleora, một ứng dụng chợ trực tuyến trên di động cho biết công ty này vẫn chưa 'chết hẳn'.
Kleora thất bại là do các mặt hàng hạn chế và các tính năng của nền tảng yếu kém, cần một sự thay đổi lớn.Nhóm nghiên cứu đã thay đổi mạnh mẽ và xây dựng một thương hiệu mới tập trung bán hàng hiệu đã qua sử dụng mang tên Prelo.
9. Beauty Treats
Beauty Treats là start-up bán các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, giống như cách Lolabox - công ty đã thất bại vào năm 2014 từng làm. Để tránh rơi vào vết xe đổ,Beauty Treats đã cung cấp dịch vụ eStore - bán hàng trực tuyến vào 2013 nhưng không thành công.
Đầu năm nay, công ty ngừng hoạt động và nhà đồng sáng lập Romeo Reijman đã chuyển hướng sang phát triển dịch vụ cầm đồ trực tuyến mang tên Pinjam.
10. Abraresto / Abratable
Abratable và Abraresto là trang web đặt chỗ và đánh giá nhà hàng tại Indonesia và Singapore.
Start-up này thất bại là do công ty đã đã đưa ra một số quyết định mạo hiểm, kể cả việc nhận đầu tư theo hình thức nợ thay vì nhận đầu tư mạo hiểm. Điều đó khiến công ty lâm vào tình trạng thiếu kinh phí để duy trì sự tồn tại.
11. Alikolo
Alikolo là trang web thương mại điện tử được sáng lập bởi doanh nhân Danny Taniwa. Ông cho rằng việc thiếu kinh nghiệm điều hành đã dẫn đến sự sụp đổ của công ty. Thậm chí, Danny đã mắc phải sai lầm chết người khi để các nhà đầu tư thiên thần - những người còn ít kinh nghiệm về lĩnh vực này hơn ông nắm giữ một phần lớn cổ phần của công ty.
12. Valadoo
Valadoo là một trang web cung cấp các gói tour du lịch tới các địa điểm tại Indonesia. Website này đã chính thức đóng cửa vào tháng 5/2015. Theo người sáng lập, công ty thất bại vì quá tập trung vào tăng trưởng mà bỏ qua sự cần thiết của việc xây dựng một mô hình phát triển bền vững.
13. Paraplou
Tháng 10 vừa qua, một trong những start-up nổi bật trong lĩnh vực thương mại điện tử của Indonesia làParaplou đã đóng cửa.
Công ty đã cho đăng tải một lời nhắn tạm biệt trên trang chủ, trong đó chỉ ra lý do thất bại là do quá non nớt trên thị trường, điều kiện tài chính không chắc chắn và khó khăn khi gọi vốn.
14. Kirim
Mới đây, trang web hoạt động trong lĩnh vực giao hàng Kirim đã lặng lẽ đóng cửa sau 7 năm thành lập. Công ty không tuyên bố lý do nhưng theo TechInAsia, các đối thủ như Go-Jek hay GrabBike phát triển quá nhanh khiến Kirim không thể theo kịp.
Israel
15. Everything.me
Everything.me là một trong những trường hợp thất bại đáng chú ý tại châu Á năm 2015. Ứng dụng bổ sung tính năng cho điện thoại Android này đã có 35 triệu USD và 15 triệu lượt tải. Tuy nhiên, cuối cùng công ty vẫn quyết định bỏ cuộc với lý do không tìm thấy mô hình kinh doanh phù hợp cho ứng dụng miễn phí của mình.
Singapore
16. KotaGames
Trang web chơi game Kota Games ra mắt vào năm 2008 tại Singapore đã chính thức đóng cửa vào tháng 3/2015. TMG, công ty mẹ của Kota Games cho biết họ đã không thể tìm được mô hình kinh doanh phù hợp để thích ứng với sự gia tăng mạnh mẽ của smartphone chơi game.
17. Lamido
Lamido là một thành viên củaRocket Internet, công ty trải rộng khắp khu vực Đông Nam Á. Trụ sở chính của Lamido tại Singapore, một thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh. Tuy nhiên, Lamido đãkhông thể thắng được sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp địa phương.
Theo Maximilian Bittner, CEO củaLazada Group, Lamido giải thể nhưng thực chất là sáp nhập vào Lazada.
18. Superdeals
Đầu năm nay, công ty viễn thông SingTel của Singapore đã tuyên bố đóng cửa trangweb cung cấp các gói giảm giá hàng ngày SuperDeals. Điều này không phải bất ngờ lớn vì mô hình kinh doanh này đã có quá nhiều trên toàn cầu.
19. Molome
Người châu Á rất thích chụp ảnh và thường xuyên đăng tải chúng trên các mạng xã hội. Molome muốn tạo ra một ứng dụng giúp các bức ảnh trở nên vui nhộn hơn bằng cách thêm vào các loại nhãn dán và văn bản vào hình ảnh. Người sáng lập từng tuyên bố rằng ứng dụng này có khoảng 40.000 dùng mỗi ngày với khoảng 15.000 bức ảnh được đăng tải.
Tuy nhiên, tất cả là không đủ để cạnh tranh với Instagram hay Snapchat. Vào giữa tháng 10, những nhà sáng lập đã quyết định ngừng hoạt động với lời chào tạm biệt như sau:
"Thật buồn khi phải nói với các bạn rằng Molo sẽ 'ngủ đông' kể từ mùa đông này. Nền tảng chia sẻ ảnh không hề rẻ, và nếu không có nhà tài trợ, chúng tôi không thể tiếp tục hành trình của mình."
Việt Nam
Beyeu.com
Theo TechInAsia, 'cái chết' của Beyeu, một website thương mại điện tử sản phẩm dành cho trẻ em đã khiến giới start-up trong lĩnh vực này tại Việt Nam cảm thấy khá bi quan. Công ty này được chống lưng bởi Project Lana, một công ty Internet tại Việt Nam và là cộng đồng trực tuyến lớn dành cho phụ nữ.
Trang công nghệ này nhận định, thất bại của Beyeu có thể là do sự cạnh tranh gay gắt của thị trường hoặc thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử của những người sáng tạo.
Nhóm start-up cũng để lại một lời nhắn khá 'đau thương' trên website của mình là: "Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty sẽ quyết định ngừng đốt tiền. Chúc may mắn cho những người đang tiếp tục cố gắng."
Theo Techinasia