5 cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho startup
17/09/2015 03:24
Công ty nào cũng cần xây dựng văn hóa để kết nối nhân viên và phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhiều công ty startup đã không quan tâm đúng mức vấn đề này, xem đây là công việc lãng phí thời gian, tiền bạc. Đây là quan niệm sai lầm cần được khắc phục.
Dưới đây là 5 cách để xây dựng văn hóa công ty, mà nhà sáng lập như một nhạc trưởng điều hành, giữ vững công ty phát triển đúng theo định hướng.
1. Là một nhà lãnh đạo từ bi
Là nhà sáng lập, bạn là một mắt xích quan trọng trong công ty. Bạn cần hiểu rõ từng yêu cầu, thuận lợi hay khó khăn của tất cả các vị trí trong công ty. Từ đó, bạn hiểu được kỳ vọng, mục tiêu phấn đấu của từng nhân viên. Và khi có sự cố xảy ra, bạn có thể đứng ở vị trí của nhân viên để nhìn nhận vấn đề, cùng họ giải quyết những khó khăn.
Với phương pháp này, bạn thể hiện mình là một người sếp tâm lý, thấu hiểu nhân viên, thông cảm và khuyến khích nhân viên hoàn thành công việc, mang lại kết quả công việc tốt. Đây là bước đầu tiên để bạn xây dựng văn hóa công ty.
2. Thử việc nhân viên trong 3 tháng
Với kinh nghiệm của mình, CEO Aihui Ong của công ty startup Love with Food chia sẻ, các doanh nghiệp nên thử việc nhân viên mới trong 3 tháng. Đây là khoảng thời gian lý tưởng để bạn kiểm tra năng lực, hiệu suất làm việc. Đây cũng là khoảng thời gian đủ để nhân viên nhìn nhận đầy đủ về môi trường làm việc mà họ có ý định gắn bó.
Với 3 tháng, công ty và ứng viên đều có thời gian để kiểm tra xem đối phương có phù hợp với văn hóa và các nguyên tắc của mình không. Một cái nhìn thực tế và toàn diện sẽ giúp sự hợp tác giữa công ty và ứng viên bền vững và hiệu quả hơn.
3. Tổ chức chuyến du lịch công ty
Hãy tận dụng cơ hội để tổ chức chuyến du lịch cho công ty. Những nhà đồng sáng lập, nhân viên của bạn đã “đồng cam cộng khổ” trong suốt thời gian khó khăn, vất vả để xây dựng công ty nên họ xứng đáng được nghỉ ngơi.
Chi phí cho chuyến du lịch cho toàn công ty sẽ khá tốn kém. Tuy nhiên, bạn hãy cố gắng thực hiện điều này vì nó tạo ra sự gắn kết giữa các nhân viên. Mối quan hệ "người bạn thân thiết" sẽ giúp mọi người hỗ trợ nhau làm việc, hết lòng cống hiến cho công ty tốt hơn mối quan hệ "ông chủ - làm thuê".
Aihui Ong chia sẻ trên Entrepreneurs: “Khi có buổi giới thiệu về công ty tại lễ hội ẩm thực tại Hawaii năm 2012, tôi đã đưa nhóm startup gồm 6 người đi cùng. Chúng tôi cùng nhau thuê một căn hộ trong 4 ngày, cùng nấu ăn với nhau. Và đó là một trải nghiệm đáng nhớ của chúng tôi”.
4. Thiết lập truyền thống
Hãy tự tạo nên một truyền thống cho công ty của bạn. Ví dụ, bạn có ngày kỷ niệm thành lập công ty, chuyến tặng quà cho trẻ em kém may mắn, cắm trại hàng năm… Bất cứ việc gì khiến bạn và nhân viên cảm thấy thoải mái, tự hào cũng có thể trở thành hoạt động truyền thống của doanh nghiệp.
Đây là chiếc “phao” hữu hiệu để kéo nhân viên và chính bạn thoát khỏi những căng thẳng của công việc hàng ngày. Bạn không phải lo lắng giá cổ phiếu, vốn đầu tư hay những chuyện bất hòa vụn vặt giữa các đồng nghiệp trong khoảng thời gian này và nó khiến mọi người gắn bó và biết chia sẻ nhiều hơn.
5. Luôn cố gắng tạo ra nụ cười
Cho dù công ty của bạn thuộc lĩnh vực gì thì nhân viên của bạn cũng cần vui vẻ mới có thể làm việc tốt. Do đó, bạn hãy cố gắng tạo ra tiếng cười, không khí làm việc vui vẻ ngay trong văn phòng. Nhân viên sẽ được giải tỏa căng thẳng và có thể nảy sinh ra nhiều ý tưởng hay từ chính những cuộc nói chuyện vui vẻ này.
Nhà lãnh đạo công ty startup không nên đặt quá nhiều nguyên tắc hay giới hạn về hành xử trong môi trường làm việc. Điều này sẽ khuyến khích các nhân viên mạnh dạn bày tỏ quan điểm, thể hiện khả năng hài hước và khiến môi trường làm việc trở nên thân thiện, gần gũi, mang lại hiệu quả công việc cao.
Theo DNSG