Xu hướng truyền thông tiếp thị "hot" nhất 2015

14/04/2015 10:31

Xu hướng truyền thông tiếp thị "hot" nhất 2015


Các doanh nghiệp giờ đây đang phải thay đổi chiến lược truyền thông – tiếp thị của họ để có thể với tới nhiều khách hàng hơn, truyền tải được thông điệp tốt hơn, gắn kết hơn với người tiêu dùng… hơn là sử dụng quảng cáo theo kiểu cũ. Các xu hướng được dự đoán là “hot” nhất năm 2015 từ các ý kiến chuyên gia.


Gắn chặt với công nghệ mới

Xu hướng “tiếp thị nội dung” (Content Marketing) hot nhất năm 2014 được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2015. Đây là cách lựa chọn để tạo dựng sự chính thống cũng như có được lòng tin của khách hàng bằng việc tạo ra các nội dung có giá trị thông qua một loạt các kênh truyền thông khác nhau. Các nội dung này thường bao gồm các thông tin liên quan tới ngành với những sự thật ngầm hiểu hoặc mang tính giải trí với đối tượng tiếp nhận. Các công cụ phổ biến bao gồm website doanh nghiệp (DN), bản tin, các điển cứu, các bài báo, video clip… Đặc biệt, các nội dung ấy có thể tương tác cao trên nền tảng mobile. Forbes dự đoán, tới năm 2017, 87% thiết bị kết nối được bán ra sẽ là máy tính bảng và smartphone. Tại Việt Nam, có tới trên 50% lượng truy cập internet là qua mobile. Năm 2015 sẽ là năm tốt nhất để chuyển hoá chiến lược marketing nội dung này sang nền tảng mobile.

Marketing qua mạng xã hội cũng là một xu hướng. Tuy nhiên, năm 2015 sẽ đòi hỏi tính đa dạng thay vì tập trung vào một vài mạng xã hội phổ biến. Sự đa dạng của các mạng xã hội (MXH) được tận dụng sẽ giúp thương hiệu tiếp cận tới nhiều đối tượng, nhiều phân khúc khách hàng… hơn do các MXH thường được gây dựng từ các cộng đồng chia sẻ những điểm chung (về sở thích, nghề nghiệp…)

Một trong những từ khoá khác trong năm 2014 sẽ được nhắc tới liên tục trong năm 2015 là “dữ liệu lớn” (big data) – những gì một thương hiệu lớn cần để tạo đột phá trong phát triển. Với việc tích hợp và biết cách phân tích, dữ liệu lớn sẽ mang lại những dự báo chuẩn xác và vẽ ra chính xác chân dung người tiêu dùng của bạn, để có những hoạch định tốt nhất cho truyền thông – tiếp thị đạt hiệu quả tối ưu.

Marketing sử dụng quảng cáo mục tiêu (ad retarget) sẽ ngày càng trở nên phổ biến với việc các khách hàng chỉ cần truy cập vào một website và sau khi rời đi, các sản phẩm hoặc dịch vụ họ đã tìm kiếm hoặc đã xem liên tục hiện ra trên các website khác dù họ truy cập bất kỳ nơi nào. Cách quảng cáo này giúp sản phẩm, dịch vụ luôn “ám thị” khách hàng, và việc họ nhớ lâu tên và logo các thương hiệu thế này sẽ tạo cho họ cảm giác thân thuộc, từ đó xây dựng lòng tin với khách hàng tốt hơn và tăng khả năng mua hàng của họ.

Chắc chắn các giám đốc marketing sẽ sử dụng một phần lớn ngân sách truyền thông – tiếp thị năm 2015 cho các nền tảng công nghệ mới ứng dụng cho hoạt động làm thương hiệu kiểu mới này.

 

Trong suốt và nguyên gốc

Tính nguyên gốc của các nội dung tạo ra cho các hoạt động marketing, truyền thông sẽ là đòi hỏi tiên quyết của khách hàng trong năm 2015. Hãy cố gắng phân tích thật kỹ cơ sở dữ liệu về khách hàng và thị trường để tìm ra những sự thật ngầm hiểu, và từ đó tạo ra được những nội dung độc đáo, có một không hai, không giống và cũng không tạo cơ hội cho sự sao chép từ các thương hiệu cạnh tranh. Hãy thành thực với chính mình và với các “thượng đế” của mình và đảm bảo rằng những thông điệp, câu chuyện… gửi tới họ xuất phát từ chính bạn.

Cùng với tính nguyên gốc là sự mong đợi của người dùng về sự trong suốt của thương hiệu trong việc thông tin. Nói cách khác, đây là thời điểm bạn không có khả năng “che giấu” bất kỳ điều gì. Đừng ngại nói ra những gì mà bạn xem là bất lợi; đừng ngại xin lỗi và thu hồi các sản phẩm, dịch vụ… chưa tốt vì người tiêu dùng đánh giá cao sự trung thực, và chỉ một lần bất tín, họ sẽ quay lưng.

Đòi hỏi này của người tiêu dùng liên quan chặt chẽ tới các đại sứ thương hiệu – có thể là các CEO hay những người mà DN chọn làm đại sứ hình ảnh, thương hiệu. Vì thế, cần có lựa chọn thông minh, vì các đại sứ thương hiệu cũng có thể là những người huỷ hoại hình ảnh của DN dễ dàng nhất.

 

Với việc tích hợp và biết cách phân tích, dữ liệu lớn sẽ mang lại những dự báo chuẩn xác và vẽ ra chính xác chân dung người tiêu dùng của bạn.

 

Nhu cầu mới của người tiêu dùng

Phần lớn các chuyên gia đồng ý rằng khách hàng sẽ ngày càng đòi hỏi cảm giác “thuộc về” một thương hiệu nào đó – nói cách khác, họ đòi hỏi thương hiệu họ tin dùng, yêu mến, phải thể hiện được phần nào hình ảnh của họ. Đây cũng là lý do việc quảng cáo đại trà trên các phương tiện truyền thông đại chúng không còn hiệu quả. Thế vào đó là những thị trường ngách để đáp ứng những nhu cầu đặc biệt và riêng lẻ của các khách hàng; đồng thời, cách thể hiện hình ảnh và thông điệp của các thương hiệu cũng cần xúc cảm hơn, chạm tới đời thường nhiều hơn.

Trong năm 2015, với sự trợ giúp của các MXH, người tiêu dùng sẽ ngày càng dễ dàng nói ra những mong đợi của họ hơn và kỳ vọng của họ vào các thương hiệu cũng ngày càng lớn hơn – đặc biệt vào vai trò giải quyết hay đóng góp vào các vấn đề xã hội của các thương hiệu. Nếu như khái niệm trách nhiệm xã hội DN trước kia chỉ được các DN hiểu như là những đóng góp kiểu thiện nguyện, từ thiện… thì đòi hỏi bây giờ là việc các DN tham gia sâu hơn vào giải quyết các vấn đề gắn chặt với đời sống người tiêu dùng của họ như giải quyết vấn đề việc làm, giáo dục đào tạo, môi sinh, bệnh tật… Khách hàng sẽ sẵn sàng chịu chi cho các sản phẩm, dịch vụ đến từ các DN thể hiện được vai trò này của họ một cách rõ ràng.

Năm 2015 sẽ là năm bùng nổ về thanh toán qua mobile. Người tiêu dùng sẽ cảm thấy “chán nản” với các DN lạc hậu, chưa có khả năng kết nối các thanh toán của họ theo những phương thức mới này. Để đáp ứng nhu cầu này của khách hàng, DN cần có những liên minh đối tác tài chính tin tưởng, xây dựng những cơ chế thanh toán thông minh và cập nhật với xu hướng “mobile hoá” mọi lúc mọi nơi trong đời sống.

Sự thay đổi quá nhanh của công nghệ đã tạo ra một cơn khủng hoảng tạm thời trong ngành quảng cáo, truyền thông thế giới khi chính các chuyên gia trong ngành cũng không… kịp cập nhật và trang bị đủ năng lực để chạy trước cơn sóng thần này – trong khi người tiêu dùng vẫn cứ tiếp tục bị cuốn về phía trước và những nhu cầu mới cứ phát sinh không ngừng. Nhờ cậy sự trợ giúp của các agency quảng cáo, truyền thông cũng không còn là cách thức tốt nhất đối với DN vì bản thân các agency này cũng đang đối đầu với cuộc khủng hoảng khi không có đủ nhân sự có năng lực. Trong cuộc khủng hoảng này, cách tốt nhất đối với mỗi DN là trang bị thêm kiến thức truyền thông – tiếp thị cho chính đội ngũ chuyên môn trực tiếp tạo ra sản phẩm, dịch vụ của mình; vì không ai hiểu người tiêu dùng cũng như năng lực của chính họ hơn những cá nhân này. Và đừng ngại thử nghiệm với những công nghệ mới – càng tránh nó, nguy cơ mất khách hàng càng cao! 

 

Điệp Giang (Theo Thegioitiepthi)