Làm quảng cáo viral "Người Việt dùng hàng Việt" không hề khó

18/03/2017 11:09

Làm quảng cáo viral "Người Việt dùng hàng Việt" không hề khó

Đừng cho rằng chỉ thời chúng ta có Facebook, Google mới biết viết quảng cáo. Ngày xưa tuy quảng cáo Việt chưa thực sự phát triển, nhưng ông cha ta đã tạo ra những câu chữ mời chào khách hàng rất thú vị và táo bạo.


Có thể nói, cách làm quảng cáo ở Việt Nam đang đi theo một lối mòn. Nhiều DN viết quảng cáo, đặt thông điệp mà tất cả đều ná ná nhau, càng vần điệu thơ văn mới hay, mới tốt...

Cứ hãng sữa bột cho trẻ con thì sẽ là: "Con khỏe thông minh, nhà nhà cùng vui" và cảnh sẽ là một đứa trẻ tu hết một chai sữa rồi lớn như thổi, hay thông minh ngời ngời trước sự vui mừng của bố mẹ, cô giáo và bác sỹ?

Hay các hãng trong ngành công nghiệp nước đóng chai thì đều mang thông điệp nom như một kiểu: "Nước tinh khiết cho mọi nhà", "Nước khoáng tinh khiết...", với hình ảnh một người mồ hôi đầm đìa uống hết cả chai nước, không uống hết thì đổ cả lên đầu?

Ban đầu thì những quảng cáo trên có thể tạo được dấu ấn với khách hàng, nhưng càng về sau, nếu DN vẫn sử dụng những chiêu thức cũ như vậy thì sản phẩm hay thương hiệu của bạn sẽ trở nên nhàm chán, vì ai cũng "giống nhau".

Đến khi ấy, sẽ có một thương hiệu mới nổi lên, họ sử dụng phương thức quảng cáo độc đáo, dễ dàng chiếm lấy thị phần của bạn một cách "ngon như mẹ nấu"!

Sau đây, chúng tôi xin được đưa lại một mẩu quảng cáo cũ để phân tích cho bạn thấy cách người xưa tư duy và tiến hành theo phương thức nào, từ đó rút ra bài học, mong rằng sau này bạn có thể áp dụng chúng để viết quảng cáo thật sáng tạo.

"Ta về ta tắm ao ta"

 

Câu khẩu hiệu trên thể hiện cách nói khác của: "Người Việt dùng hàng Việt". Đó là: "Ta về ta tắm ao ta, dẫu là đục, ao nhà vẫn hơn". Rất thơ văn, ẩn ý và gợi nhiều ý nghĩa.

Quan tài là một sản phẩm ít người có thể đem ra để quảng cáo, nói chi là đến quảng cáo hay và khéo. Câu chốt sale rất đắt giá và đi sâu vào lòng người: "Sống một cái nhà, thác một cái hòm".

Hòm Tobia đã đánh mạnh vào tinh thần yêu nước của người Việt Nam bấy giờ: một là dùng hàng Việt, hai là sống và chết cũng trên quê hương. Câu "Phi-luật-tân" (nước Philippines) cũng khen đẹp được sử dụng để quáng bá sản phẩm, rằng nước ngoài còn trầm trồ ca ngợi trước sản phẩm nước Nam.

Vậy bài học rút ra ở đây?

Phân tích tình hình bối cảnh đất nước nói chung, không phải chỉ đặc tính của tệp khách hàng nữa.

Đối với các mặt hàng Việt Nam, cách thức khơi dậy tinh thần dân tộc rất quan trọng. Nếu sản phẩm của bạn tốt, khách hàng sẽ ủng hộ hết mình, chả phải đi đâu xa hay đặt hàng nước ngoài để mua. Như bạn thấy ở Việt Nam, cà phê Trung Nguyên đã làm rất tốt khâu này.

 

Think Markus

Theo Trí Thức Trẻ