Vì sao Việt Nam chưa phải là 'quốc gia khởi nghiệp'?
27/06/2015 11:17
Với mức lương từ 5 đến 10 triệu/tháng, để tích góp 100 triệu làm vốn kinh doanh thì sinh viên mới ra trường và người đã đi làm (từ một đến 5 năm) phải mất bao lâu mới đủ?
Tôi chắc 80% các bạn sinh viên mới ra trường, đi làm khoảng từ 5 đến 10 năm đều có thắc mắc giống tôi, đồng thời luôn suy ngẫm về nó. Giống như mọi người, tôi luôn đi tìm đáp án cho câu hỏi: "Vì sao Việt Nam chưa phải là quốc gia khởi nghiệp".
Sau nhiều năm bôn ba, tôi đã tìm được câu trả lời thông qua trải nghiệm và đọc rất nhiều cuốn sách hayvề khởi nghiệp. Thời còn sinh viên, khi đọc những cuốn sách này, chắc hẳn mọi người đều rất hào hứng và nghĩ rằng sau này mình sẽ giàu, và tìm thấy được con đường sáng lạn. Nhưng bây giờ đọc xong, tôi lại có liên tưởng khác, tôi nhận ra chúng ta có quá nhiều yếu điểm.
Thứ nhất, nếu tay trắng, bạn sẽ lấy gì để đầu tư? Mức lương của sinh viên đại học mới ra trường và đã đi làm (từ một đến 5 năm) tại Việt Nam tương ứng với 5 đến 10 triệu/tháng. Vậy để tích góp 100 triệu thì mất bao lâu? Họ phải mất gần 5 năm, sau khi trừ chi phí. Vậy thì bao lâu để chúng ta có được nguồn tài chính vừa đủ để đầu tư?
Chỉ cần nhìn vào thu nhập của các nước trong khu vực thôi, chúng ta đã thấy rõ khoảng cách. Lương lao động Việt Nam chỉ bằng 78% lao công Thái Lan, bằng 25% lao động Malaysia Lan và bằng 10% lao động Singapore.
Thư hai là môi trường Việt Nam khác biệt. Israel, chẳng hạn, tạo được văn hóa khởi nghiệp trong tiềm thức của sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ coi trọng tư duy sáng tạo, ngay cả cấp lãnh đạo chính quyền, càng lên cấp bậc cao thì số lượng người lãnh đạo càng giảm…
Ở Israel, cứ 30 nhân viên mới có một lãnh đạo và đặc biệt, cấp dưới có thể chỉ ra sai trái nếu cấp trên làm sai.
Quan trọng hơn là cấp chính quyền, nhà quản lý luôn ủng hộ sự sáng tạo của mỗi nhân viên. Họ tìm cách thu hút vốn đầu tư mạo hiểm từ nước ngoài để vun đắp cho doanh nghiệp trong nước. Hay ở một số nước tư bản khác, chính phủ có thể miễn thuế khi bạn bắt đầu khởi nghiệp, đến khi bạn có thu nhập ổn định thì họ mới thu thuế.
Hiện tại Việt Nam cũng đang có những chính sách để đưa đất nước phát triển, nhưng lại chưa tìm được tiếng nói chung. Chúng ta vẫn chưa có những chuyên gia sáng tạo, đa phần chuyên gia lý thuyết xa xưa.
Tổng thống Israel có một câu nói mà tôi rất tâm đắc: "Mọi chuyên gia chỉ là chuyên gia trong những chuyện đã có tiền lệ, không có chuyên gia cho những điều chưa xảy ra. Để trở thành chuyên gia tương lai, tầm nhìn phải thay thế kinh nghiệm". Qua đó, người ta chỉ quan tâm đến sự sáng tạo chứ không phải "bạn phải làm giống tôi".
Một người làm điều khác biệt hẳn sẽ luôn sợ người khác bĩu môi, mỉa mai, đồng thời lo lắng người đối diện nghĩ mình không đủ bản lĩnh. Tuy nhiên, nếu cả nước cùng làm điều khác biệt sẽ được mọi người khen ngợi. Đó là lý do vì sao người Nhật luôn thành công trong cách giao tiếp với đối tác.Thứ ba, tính sĩ diện của người Việt quá cao. Người Nhật thường được dạy cách cúi đầu, cúi đầu càng sâu thì thành công càng lớn. Trong khi đó, người Việt cứ nghĩ cúi đầu là nhục và cách suy nghĩ này đã trở thành một nét văn hóa, rất khó thay đổi. Điều ấy chứng tỏ chúng ta chưa làm những điều tưởng như nhỏ nhất.
Thứ tư, đó là yếu điểm về giáo dục. Học sinh của chúng ta hiện chỉ như một viên ngọc nằm trong đá, nếu không được khai thác. Bởi vậy, nền giáo dục trở thành nền tảng quan trọng để hình thành nên văn hóa tự lập trong lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp.
Chúng ta phải khởi nguồn những điều trên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiện tại, giáo dục nước ta vẫn cứ "nay đổi, mai thay". Vì sao chúng ta không học tập Hàn Quốc?
Thập niên 60, xứ sở kim chi được xem là là quốc gia nghèo đói nhất Châu Á. Năm 1968, người Hàn bắt đầu thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật dịch sang tiếng Hàn để giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như Địa lý, Sử, Văn.
Lúc ấy, họ vấp phải nhiều chỉ trích. Tuy nhiên, chính phủ Hàn vẫn quyết tâm thực hiện chủ trương của mình. Bởi họ biết, để có được chương trình giáo dục đó, người Nhật phải mất cả trăm năm mới thực hiện được. Bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng, Nhật đã cải biên cách đào tạo phương tây sao cho phù hợp với châu Á.
Để rút ngắn thời gian, chẳng có cách nào thuận lợi hơn việc lấy kinh nghiệm của người khác áp dụng vào đất nước mình. Đến 20 năm sau, Hàn Quốc đã trở thành “đế quốc kinh doanh hùng mạnh” mà cả thế giới phải ngước nhìn.
Họ không có thói quen chỉ trích mà luôn có ý thức góp sức, xây dựng. Người Hàn Quốc, từ sếp lớn hay dân thường đều dùng "Made in Korea", dù vào thập niên 60 đến 70, sản phẩm của họ còn kém.
Chúng ta cần học tập và nhìn vào Hàn Quốc để thấy rằng: Ý thức dân tộc không nằm ở cái “tôi” mà nằm ở cái tâm huyết cho đất nước hùng mạnh.
Thứ năm, chúng ta hầu như không xuất thân trong một gia đình văn hóa kinh doanh. Vì thế, mọi người chỉ học được cách tự mãn, an phận, chứ không hề được học cách mạo hiểm.
Thứ sáu, chúng ta thiếu tính kế thừa, không được tiếp xúc hay nghe những người thành công nói chuyện, chia sẻ, định hướng. Người Việt ít mở lòng, vẫn còn khép kín và chưa có văn hóa kết nối.
Đa số diễn giả nổi tiếng thế giới là những người thành công trong kinh doanh. Họ làm diễn giả với mục đích truyền đạt kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều năm lăn lộn thương trường. Trong đó phải kể đến những cái tên nổi tiếng như Donald Trum, Richard Branson, Robert Kiyosaki, Blair Singer…
Họ là những doanh nhân thành đạt, còn ở nước ta, những người thật sự thành công hầu như không tạo được cơ hội để giao tiếp với giới trẻ - những người đang muốn và tìm cơ hội khởi nghiệp. Còn những người được gọi là chuyên gia thì thiếu kinh nghiệm về thực tiễn kinh doanh.
Với 6 điểm yếu được rút ra, hy vọng các bạn không may có chung những yếu điểm đó sẽ suy nghĩ khác đi và có cơ hội phát triển, khỏa lấp những thiếu sót, tạo thế vững mạnh, vươn ra khởi nghiệp.
Tôi tin trong tương lai không xa sẽ có một đất nước “Việt Nam khởi nghiệp”.