Nếu bạn muốn thăng tiến trong công việc

26/04/2015 02:25

Nếu bạn muốn thăng tiến trong công việc


Bạn Hòa đang là nhân viên Marketing cho một công ty nổi tiếng, bạn rất thích công việc hiện tại và luôn hoàn thành tất cả công việc được giao. Nhưng sau hơn một năm làm việc, sự nghiệp của bạn chưa có gì nổi bật. Hòa muốn thăng tiến, muốn mức lương cao hơn và Hòa biết mình cần phải thay đổi.


Cơ hội đến khi bộ phận Marketing có một dự án đột xuất nhằm giành lại thị phần của một sản phẩm từ đối thủ cạnh tranh. Dù dự án này không thuộc trách nhiệm công việc của mình nhưng Hòa đã chủ động nhận dự án với quyết tâm vượt lên công ty đối thủ. Sau hai tháng nỗ lực, sản phẩm của công ty Hòa không những giành lại thị phần mà chiếm được thị phần lớn nhất trên thị trường. Cấp trên và đồng nghiệp đánh giá cao sự nỗ lực và chủ động của Hòa. Bản thân bạn cũng cảm thấy tự hào về những gì mình làm và đây là động lực để bạn có nhiều bước đột phá hơn trong sự nghiệp của mình.  

Bạn muốn sự nghiệp của mình có bước đột phá như Hòa? Hãy bắt đầu ngay với 5 bí quyết sau:

1.    Chủ động nắm bắt cơ hội
Chắc chắn sẽ có những dự án mới, công việc mới trong phòng ban của bạn. Hãy xung phong thực hiện những dự án này. Sự chủ động trong công việc luôn được cấp quản lý đánh giá cao. Quá trình thực hiện dự án và kết quả bạn mang lại sẽ là thước đo chuẩn xác cho khả năng của bạn.
Nếu phòng ban của bạn không thường xuyên có những cơ hội như vậy, hãy tạo ra cơ hội cho chính mình. Bạn có thể đề xuất với sếp những dự án hay giải pháp giúp công việc hiện tại hiệu quả hơn, làm khách hàng hài lòng hơn…

 

2.    Tích cực phát biểu trong các cuộc họp
Nếu bạn thuộc tuýp người hướng nội, bạn có thể sẽ gặp khó khăn trong việc phát biểu ý kiến hay trình bày quan điểm của mình trong các cuộc họp. Tuy nhiên, đây là kỹ năng bạn cần phải luyện tập nếu muốn thăng tiến. Bạn không nói, sếp sẽ không bao giờ nhận ra khả năng của bạn.
Sự chuẩn bị và luyện tập sẽ giúp bạn cải thiện tình hình. Trước mỗi cuộc họp, hãy đọc kỹ nội dung của cuộc họp đó. Viết xuống những ý kiến hay quan điểm và cả những giải pháp của bạn cho từng vấn đề. Khi có sự chuẩn bị, bạn sẽ sẵn sàng phát biểu trong bất kỳ tình huống nào! Những lần đầu tiên sẽ rất khó, nhưng khi phát biểu thường xuyên bạn sẽ chủ động và tự tin hơn.

 

3.    Cập nhật và chia sẻ thông tin
Đọc sách, tìm hiểu thông tin online hay nói chuyện với đồng nghiệp để luôn nắm bắt tình hình, những thay đổi hay xu hướng mới trong lĩnh vực ngành nghề bạn đang làm. Những thông tin này mang lại cho bạn nhiều ý tưởng sáng tạo hay những giải pháp để giải quyết những vấn đề hiện tại trong công việc. Đừng quên chia sẻ những thông tin bạn thấy có giá trị với sếp và đồng nghiệp. Kiến thức và sự chủ động của bạn chắc chắn luôn được đánh giá cao.

 

4.    “Học, học nữa, học mãi” 
Bổ sung kiến thức chuyên môn, nâng cao kỹ năng mềm sẽ không bao giờ thừa nếu bạn muốn thăng tiến. Hãy tìm kiếm những cơ hội học tập ngay trong công ty. Nếu công ty bạn không có những chương trình đào tạo dành cho nhân viên, hãy thuyết phục sếp để có cơ hội đi học. Bạn cần chứng minh được những khóa học này sẽ mang lại hiệu quả công việc tốt hơn. Sếp sẽ không từ chối sự tích cực và tinh thần ham học hỏi của bạn.

Trong trường hợp công ty của bạn không có chính sách hỗ trợ nhân viên đi học, bạn có thể đọc sách, hiện có rất nhiều sách về kỹ năng mềm hay về kiến thức chuyên ngành. Nếu khả năng tài chính cho phép, bạn hãy tự đăng ký những khóa học bạn thấy cần thiết cho sự nghiệp của mình. Đây chắc chắn là những khoản đầu tư xứng đáng. Đừng quên cập nhật cho sếp biết bạn đang tham gia những khóa học hay đọc những quyển sách giúp cho công việc của bạn tốt hơn để nhận được sự ủng hộ từ sếp. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của sếp về những khóa học hay kỹ năng nào cần thiết để bạn phát triển sự nghiệp.

 

5.    Cập nhật tình hình công việc với sếp 
Sếp bạn chắc chắn rất bận rộn và không thể theo sát công việc của bạn, vì vậy hãy khéo léo cập nhật với sếp những gì bạn đã làm được. Chẳng hạn trong quá trình quản lý một dự án, hãy cập nhật thường xuyên tiến độ của dự án với sếp, những khó khăn bạn gặp phải và cách bạn giải quyết vấn đề đó như thế nào. Hoặc nếu bạn nhận được một email cảm ơn từ khách hàng, hãy forward cho sếp của bạn với tinh thần là khách hàng đã rất hài lòng với dịch vụ của công ty chúng ta. Cuối cùng thì thành công của bạn cũng chính là thành công của sếp.

Đừng nghĩ rằng bạn sẽ thăng tiến khi hoàn thành những công việc được giao. Thăng tiến chỉ đến khi bạn chủ động, nỗ lực trong mọi việc và những nỗ lực của bạn phải được sếp và đồng nghiệp công nhận. Bạn luôn có thể làm tốt hơn và hãy chứng tỏ cho mọi người thấy khả năng của mình.

 

Lược dịch từ Monster