Vì sao tỷ phú Rockefeller đầu tư khu nghỉ dưỡng Vũng Rô?
16/07/2014 03:43
Tài sản lớn nhất của miền Trung chính là biển và chính biển sẽ là linh hồn, là định hướng cho mọi mục tiêu phát triển, trong đó có cả diện mạo của các đô thị, và cốt lõi của đô thị là sự hiện hữu của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Trong chuyến khảo sát vịnh Vũng Rô (Phú Yên), thành viên công ty thuộc gia đình tỷ phú Rockefeller (Mỹ) đã từng phát biểu, với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ như vịnh Vũng Rô mà Việt Nam phát triển không đúng tầm, thì sau này thế hệ con cháu sẽ quở trách những người thuộc thế hệ trước.
Đây có thể xem là lời cảnh tỉnh của một doanh nhân không phải người Việt Nam về hậu quả của quy hoạch không phù hợp.
Từ suy nghĩ đó, doanh nghiệp thuộc gia đình tỷ phú Rockefeller (Mỹ) đã quyết định đầu tư xây dựng Tổ hợp Vũng Rô Bay ngay trên khu vực mà trước đây UBND tỉnh Phú Yên quy hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu. Thay vào đó, tỉnh quyết định đưa dự án lọc dầu đến khu vực khác phù hợp hơn, nhường đất cho một dự án du lịch tầm cỡ mà trong tương lai sẽ là điểm nhấn quan trọng cho cả TP. Tuy Hòa.
Còn ở Đà Nẵng, cách đây 10 năm, ít ai nghĩ rằng, dải đất ven biển dọc tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc sẽ là chuỗi các dự án nghỉ dưỡng cao cấp sánh ngang với Bali (Indonesia) hay Phuket (Thái Lan) như hiện nay. Thành quả này là sự ghi nhận của tầm nhìn mang tính chiến lược của chính quyền Đà Nẵng trong việc quy hoạch phát triển đô thị.
Đặt nền móng tiên phong cho chuỗi các dự án nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng không thể không nhắc đến thương hiệu Furama Resort. Từ những năm 1990, phía đông Đà Nẵng chỉ toàn cát trắng bao phủ, hạ tầng giao thông chưa có gì ngoài những con đường đô thị xuống cấp. Tuy vậy, việc Furama Resort vẫn mọc lên nguy nga khiến không ít người tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả.
Ông Thái Bá Cảnh, hiện là Trưởng ban Quản lý Khu chế xuất Đà Nẵng (từng là Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng) tâm sự, lúc đó, Furama đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đầu tư một khu nghỉ dưỡng tầm cỡ, thành phố mừng, nhưng vẫn canh cánh nỗi lo. Lo không biết doanh nghiệp có trụ được không, lo cho hạ tầng Đà Nẵng có đáp ứng được không…
“Đến nay, hình ảnh Furama vẫn còn đó, vẫn còn giữ vững giá trị vốn có của khu nghỉ đẳng cấp, vừa là biểu tượng tiên phong cho cả ngành dịch vụ nghỉ dưỡng của Đà Nẵng. Và hơn thế, Furama đã được mở rộng với chuỗi Furama Villas đẳng cấp càng khẳng định, tầm nhìn chiến lược của Đà Nẵng và cả nhà đầu tư là sáng suốt và phù hợp”, ông Cảnh nhận định.
Sự thành công của Furama đã kéo theo hàng loạt các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp khác mọc lên với nhiều tên tuổi nổi tiếng, như Khu nghỉ Hyatt Regency (Tập đoàn Indochina Land), Ocean Villas (VinaCapital), P&I Resort (Nhật Bản), Sivel Shores Hoàng Đạt, Sun Villas (Sun Group), Sơn Trà Resort hay Tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp InterContinental Danang Sun Peninsula Resort tại Bãi Bắc.
Đến thời điểm hiện tại, quỹ đất dọc tuyến biển Đà Nẵng kéo dài đến Hội An (Quảng Nam) đều đã được nhà đầu tư đăng ký đầu tư. Diễn biến thị trường chưa thuận đang là thách thức lớn đối với các nhà đầu tư, khiến không ít dự án đã tạm dừng triển khai. Song nhiều nhà đầu tư và chính quyền các địa phương vẫn tin rằng, trong tương lai gần, các dự án này sẽ là giá trị cốt lõi để tạo nên diện mạo đô thị hướng biển trong tương lai.
Tương tự như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế cũng đã nhấn mạnh việc phát triển đô thị không chỉ gắn liền với Di sản cố đô Huế, mà còn không thể tách rời lợi thế biển mà địa phương này đang sở hữu. Điều này đã được thể hiện rõ trong việc quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô mà Thừa Thiên Huế đang xây dựng.
Theo đó, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu chức năng quan trọng chính như khu đô thị, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu du lịch và khu cảng đã được lập và phê duyệt đảm bảo chất lượng, đúng quy định và đủ cơ sở để quản lý đầu tư, xây dựng trên địa bàn Khu kinh tế.
Trong đó, một số các dự án quy hoạch quan trọng, có ý nghĩa chiến lược như quy hoạch chi tiết cảng Chân Mây và Khu đô thị Chân Mây do công ty tư vấn nước ngoài thực hiện. Đặc biệt, một số dự án du lịch có quy mô lớn của các nhà đầu tư nổi tiếng, như Dự án Laguna Huế của Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) có vốn đầu tư 875 triệu USD, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.230 tỷ đồng…
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu, trong giai đoạn 2011-2015, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ thu hút vốn đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng. Tính đến nay, Chân Mây - Lăng Cô đã thu hút 34 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 36.500 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 1,32 tỷ USD.
Lợi thế của Chân Mây - Lăng Cô là hội đủ điều kiện phát triển các dự án hạ tầng du lịch cao cấp dựa trên bãi biển đẹp, điều kiện đi lại thuận lợi, dễ dàng kết nối Di sản Cố đô Huế với TP. Đà Nẵng, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Lợi thế này được minh chứng qua việc Tập đoàn Banyan Tree vừa hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Khu du lịch sinh thái Laguna Lăng Cô.
Có thể nói, đặc thù của dải đất hẹp miền Trung xưa nay chỉ được biết đến là miền đất đầy nắng và gió, cắt trắng bao phủ. Nhưng cũng chính đặc thù đó đã mở ra cho miền Trung một cơ hội thay đổi mà các vùng khác không có được, đó chính là phát triển ngành du lịch, lấy du lịch làm lợi thế đưa diện mạo miền Trung lên tầm cao mới, sánh ngang những địa danh du lịch nổi tiếng khác trên thế giới.
Theo Báo Đầu Tư