Google 2017: Hãy đối diện với sự thật rằng Facebook đang thắng thế, và hãy kiên quyết hành động!
01/02/2017 10:51
Google vẫn đang sống tốt, sống khỏe và thậm chí là còn bền vững hơn cả Apple lẫn Microsoft cộng lại. Nhưng cùng lúc, Google vẫn đang tỏ ra quá thờ ơ trước những vũ khí được Facebook tận dụng hữu hiệu nhằm giành lấy doanh thu quảng cáo.
Có thể nói rằng năm 2016 là năm đẹp nhất trong lịch sử Google. Trong một thị trường công nghệ tương đối ảm đạm về phần cứng, doanh thu quảng cáo của Google vẫn tiếp tục được đảm bảo với từng bản báo cáo tài chính ra mắt làm nức lòng giới đầu tư. Mảng phần cứng người tiêu dùng của Google cũng bỗng chốc trở lại mạnh mẽ với 4 sản phẩm "đỉnh" ra mắt ngay trước mùa mua sắm bận rộn. Trên mảng AI, lĩnh vực được CEO Sundar Pichai coi là tương lai của Google, trí thông minh nhân tạo AlphaGo cũng đã có một năm đình đám với chiến thắng tuyệt đối 4-1 trước cờ thủ hàng đầu thế giới Lee Sedol. Xét tới tình cảnh tương đối ảm đạm của thị trường công nghệ 2016 nói chung, rõ ràng là Google đang ở thế thắng so với Apple và Microsoft.
Dĩ nhiên, cũng giống như mọi năm, 2016 không phải là năm hoàn hảo của Google. Từ cái chết của Project Ara và Google Fiber cho đến những rối loạn trong nội bộ các công ty con Nest và Verily, Larry Page và cộng sự vẫn còn rất nhiều điều phải làm để tạo ra một bộ máy Alphabet nhuần nhuyễn. Đáng lo ngại nhất, Google vẫn chưa có cách nào để loại bỏ "cái gai" Facebook.
Facebook: Google của mạng xã hội
Google đang lấn át tất cả.
Sở dĩ nói Facebook là đối thủ đáng gờm nhất của Google dù doanh thu của Facebook chỉ như muối bỏ bể so với Google là bởi cả 2 gã khổng lồ này đều có nguồn sống chủ yếu đến từ quảng cáo. Tất cả các dịch vụ của Google, từ tìm kiếm, Gmail cho đến Android đều có một mục đích tối thượng là hiểu biết về người dùng rõ ràng hơn để hiển thị những mẩu quảng cáo chính xác hơn, thu nhiều tiền hơn. Trên tất cả các lĩnh vực này, Google không có đối thủ.
Đáng tiếc rằng Facebook lại chọn được đúng kẽ hở trên bộ giáp của gã khổng lồ Google: xã hội. Hãy nhìn vào tất cả các đối thủ đáng kể tên của Facebook trên lĩnh vực này và bạn sẽ thấy công ty của Mark Zuckerberg cũng có mức độ độc quyền gần như ngang ngửa với Google trên tìm kiếm: Twitter vẫn sống dở chết dở, mạng chia sẻ video Vine chết đau đớn sau khi Instagram được trang bị tính năng tương tự. Ngay đến cả công ty chuyên về lĩnh vực xã hội rất được yêu quý trong năm vừa qua là Snapchat cũng không phải là ngoại lệ: trong năm 2016, Facebook liên tục ra mắt các tính năng tương tự Snapchat cho các sản phẩm của mình. Gần đây nhất, khi tháng 12 đã gần trôi qua, Facebook bỗng dưng cải tiến giao diện Messenger thành một thứ "hàng nhái" của Snapchat.
Google và những nỗ lực theo kiểu "để cho có" của năm 2016.
Ngay đến cả Google cũng chẳng phải là đối thủ của Facebook. Google+ đã chết từ lâu và cũng là chuyện chẳng ai nhắc đến trong năm 2016. Còn những ứng dụng/nền tảng chat ư? Cũng giống như Hangouts, Duo và Allo của Google sớm nở rồi chóng tàn chỉ trong vòng vài tháng. Ở phía còn lại, WhatsApp của Facebook bỗng "bội hứa" chuyển thành dịch vụ phục vụ cho mục đích quảng cáo mà vẫn chẳng hề hấn gì...
Google định "chôn chân" trên lĩnh vực mạng xã hội đến bao giờ?
Nếu bạn nghĩ Google có thể để mặc cho Facebook tung hoành riêng một cõi thì bạn đã nhầm: bởi social "gần gũi" hơn tìm kiếm nên Facebook đang hiểu người dùng hơn Google. Chắc chắn, sẽ có những người lên mạng xã hội hỏi bạn bè "ăn ở đâu ngon" thay vì tìm kiếm Google. Những đoạn video đời thường và thậm chí là tiểu phẩm ngắn đang chuyển nhà từ YouTube lên Facebook. Những cuộc hội thoại trên Messenger và WhatsApp đang diễn ra tấp nập, sôi động hơn thư gửi qua Gmail. Không khó để nhận ra rằng, một khi đã sở hữu một mạng xã hội bành trướng, Facebook có đầy đủ cơ sở để chạm tay vào bất cứ dịch vụ dữ liệu nào, dù là địa điểm, video hay chat.
Những tín hiệu đáng lo ngại từ YouTube.
Điều khó hiểu là Google vẫn cứ để mặc cho "cái gai" Facebook ngày một lớn. Những dịch vụ chat thất bại mang mác Google nối đuôi nhau ra đời. Google+ vẫn cứ yên vị dưới mồ, YouTube ngày càng đi xuống.
Có rất nhiều lý do để lý giải tình trạng này. Đầu tiên và trên hết, Larry Page và đồng sự được cho là không hề mặn mà với lĩnh vực xã hội. Cú ngã đau đớn nhất của Google trên lĩnh vực xã hội tỏ ra rất hợp lý dưới góc nhìn này: một sản phẩm tích hợp vào tất cả các hệ thống như Google+ đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các bộ phận khác, và quả nhiên các nhà lãnh đạo Google đã không ủng hộ Vic Gundotra đủ nhiều để giúp Google+ có thể sống sót trước sức ép nội bộ. Tương tự, những tính năng xã hội trên YouTube và các dịch vụ khác cũng không được đầu tư để cải tiến đủ nhanh nhằm bắt kịp với các đối thủ cạnh tranh. Ví dụ rõ rệt nhất là YouTube Gaming ra đời khi Twitch đã có chỗ đứng vững chắc. Và Google đến giờ vẫn chưa có sản phẩm YouTube nào chạy theo trào lưu microvideo (video cực ngắn) như Vine và Instagram.
Cũng có thể là Google chịu sức ép quá lớn từ các nhà đầu tư: sau những thất bại liên tiếp của các công ty khác bên trong Alphabet, đầu tư nghiêm túc vào các ứng dụng xã hội hoặc bỏ tiền ra mua lại Twitter hay Snapchat có thể khiến sổ sách của hãng không còn đẹp như trước. Cũng có thể là Google quá khó tính và quá tự phụ. Xét cho cùng, với vai trò nhiều lần cách mạng ngành dịch vụ dữ liệu, sẽ chẳng có gì khó hiểu nếu như Google không muốn tiếp tục theo đuổi một lĩnh vực đã thất bại nhiều lần như mạng xã hội và chat.
Giờ có lẽ là lúc thuận lợi hơn bao giờ hết để Google tìm được vũ khí hữu hiệu chống lại Facebook.
Nhưng giờ là thời điểm Google cần phải mạnh mẽ vượt qua tất cả những trở ngại ấy. Hết năm 2016, trị giá của Twitter đã xuống thấp hơn bao giờ hết, nỗi sợ của Facebook đối với Snapchat cũng đã lên tới đỉnh điểm khi tần suất "học hỏi" của Mark Zuckerberg cũng ngày một dày đặc hơn. Giờ là thời cơ thuận lợi hơn bao giờ hết để Google thâu tóm một mạng xã hội được người dùng ưa chuộng làm trung tâm cho tất cả các dịch vụ Google. Giờ là lúc Google phải kiếm lấy một tấm khiên để bảo vệ miếng ăn quảng cáo của mình, trước khi tầm nhìn AI của hãng này kịp lớn mạnh.
Hãy nhìn mà xem, Microsoft bỏ tiền ra mua LinkedIn và chẳng còn ai nghĩ đến chuyện đánh bại được Microsoft trên thị trường doanh nghiệp nữa. Vậy tại sao Google cứ bỏ mặc cho Facebook liên tiếp "chọc ngoáy" hết lần này đến lần khác?