Vì sao nên khuyến khích nhân viên nghỉ phép?

27/07/2015 05:10

Vì sao nên khuyến khích nhân viên nghỉ phép?

Mùa Hè đến cũng là lúc chuyện nghỉ phép trở thành một đề tài nóng nơi công sở. Bên cạnh những nhân viên được làm việc trong những môi trường có chế độ phúc lợi tốt đang hăm hở với các kế hoạch nghỉ ngơi, du lịch cùng gia đình, bạn bè thì vẫn có không ít người lao động phải làm việc với cường độ thậm chí cao hơn bình thường.


Một số nhân viên thường chỉ có ngày nghỉ phép theo luật “trên giấy tờ” vì công việc luôn bám lấy họ và chuyện phải bỏ phép là chuyện “năm nào cũng vậy”.

 

Mặc dù những nhân viên này có thể được trả lương ngoài giờ, nhưng chắc chắn họ sẽ cảm thấy chẳng vui vẻ gì và thậm chí có thể có cảm nhận rằng chất lượng cuộc sống của họ dường như đang đi xuống. Đó là chưa nói đến năng suất làm việc cũng có thể bị sụt giảm vì họ phải làm việc với cường độ quá cao trong một thời gian dài.

 

Một số nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng có một mối liên hệ chặt chẽ giữa hiệu quả làm việc, khả năng thăng tiến của nhân viên và những kỳ nghỉ phép của họ. Cụ thể, những nhân viên được nghỉ phép thường làm việc hiệu quả hơn và có nhiều khả năng được thăng chức hơn.

 

Shawn Anchor - tác giả của cuốn sách bán chạy The Happiness Advantage (tạm dịch: Lợi thế của hạnh phúc), đồng thời là nhà sáng lập của Công ty Tư vấn GoodThink, đã chia sẻ trong một bài viết trên tạp chíHarvard Business Review về lý do vì sao những nhân viên được nghỉ phép lại làm việc hiệu quả hơn.

 

Theo đó, một nghiên cứu do Anchor và Hiệp hội Lữ hành Mỹ (US Travel Assocation – UTA) phối hợp thực hiện được mang tên “Project: Time Off” đã cho thấy người Mỹ đang sử dụng ít ngày phép hơn cách đây 40 năm.

 

Trong khi đó, những nhân viên sử dụng hết số ngày phép trong năm lại có khả năng được tăng lương và thăng tiến cao hơn 6,5% so với những nhân viên có số ngày nghỉ phép được trả lương không sử dụng từ 11 ngày trở lên.

 

Theo một nghiên cứu khác mang tên “An Assessment of Paid Time Off in the U.S.” (Đánh giá thời gian nghỉ phép ở Mỹ) được UTA thực hiện vào năm ngoái, trung bình một người Mỹ bỏ 3,2 ngày nghỉ phép trong năm 2013, tương đương 429 triệu ngày nghỉ phép tính trên tổng số lao động của nước này.

 

 

Nghiên cứu cũng cho biết hầu hết các nhà quản lý đều công nhận những lợi ích của việc thu xếp cho nhân viên được nghỉ phép, chẳng hạn như năng suất lao động cao hơn, tinh thần làm việc tích cực hơn, tỷ lệ nhân viên gắn bó lâu dài với doanh nghiệp cao hơn và nhân viên được cải thiện sức khỏe nhiều hơn.

 

Tuy nhiên, trên thực tế có gần 34% số nhân viên tham gia khảo sát cho biết công ty của họ không khuyến khích cũng không hạn chế nhân viên nghỉ phép, trong khi 17% các nhà quản lý lại cho rằng những nhân viên nghỉ hết phép trong năm là những người ít tận tụy với công việc.

 

Ở một góc độ khác, 40% nhân viên cho biết công ty khuyến khích họ nghỉ phép nhưng áp lực công việc khiến họ không thể sử dụng những ngày nghỉ này.

 

Một nghiên cứu khác do tổ chức CCH Human Resources Management thực hiện cũng chứng minh rằng hơn 50% nhân viên cảm thấy “thoải mái, tái tạo được năng lượng và cân bằng hơn với cuộc sống cá nhân” và 40% cảm thấy “làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn” sau khi trở về từ những kỳ nghỉ phép. Cũng theo nghiên cứu này, gần 20% nhân viên đã phải hủy hoặc hoãn ngày nghỉ phép vì tính chất công việc của họ.

 

Khi nhân viên được nghỉ phép thì không chỉ họ là người được hưởng lợi mà bản thân doanh nghiệp và nền kinh tế cũng nhận được nhiều tác động tích cực. Trong cuốn The Happiness Advantage, Anchor viết: “Nghiên cứu cho thấy nhân viên sẽ có suy nghĩ tích cực, năng suất được cải thiện 31%, doanh thu tăng 37%, tính sáng tạo và lợi nhuận cũng tăng gấp ba lần”.

 

Còn theo nghiên cứu của UTA, nếu nhân viên sử dụng hết ngày nghỉ phép của họ thì cả nền kinh tế có thể tạo thêm 160 tỷ USD doanh thu và 21 tỷ USD thu nhập thuế cho chính phủ, và khoản thu này có thể tạo ra thêm 1,2 triệu việc làm mới trong nhiều ngành từ bán lẻ, sản xuất công nghiệp cho đến vận tải. Ngoài ra, nếu nhân viên được nghỉ thêm một ngày phép trong năm, thì GDP của nền kinh tế Mỹ có thể tăng thêm 73 tỷ USD.

 

Năm 2009, Công ty Tư vấn Mercer cũng đã thực hiện một nghiên cứu về những quốc gia cạnh tranh nhất trên thế giới dựa trên GDP. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy Mỹ là nước đứng đầu về tính cạnh tranh.

 

Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào các con số khi so sánh với các số liệu thống kê về lao động, có thể kết luận rằng năng suất lao động ở Mỹ vẫn kém xa nhiều nước khác xét trên chỉ tiêu GDP/giờ lao động.

 

Chẳng hạn ở Phần Lan - quốc gia xếp hàng thứ 6 trên thế giới về khả năng cạnh tranh, người lao động được nghỉ đến 40 ngày phép/năm. Ở Pháp, người lao động được cũng được nghỉ phép 40 ngày/năm, nhưng mức độ cạnh tranh lại tương đương 98,2% của Mỹ. Người lao động Áo thì được nghỉ phép 38 ngày/năm và mỗi tuần chỉ phải làm việc 35 giờ nhưng vẫn xếp hạng 14 về mức độ cạnh tranh trong khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 4,3% (so với con số 9,2% của Mỹ vào thời điểm nghiên cứu).

 

(tổng hợp)