Tư duy lãnh đạo: Chỉ là chuyện của người làm chủ?
03/12/2015 04:47
Tư duy lãnh đạo cần thiết cho tất cả mọi người trong mọi lĩnh vực, bất kể họ có phải là chủ một doanh nghiệp hay không.
Cuộc sống và môi trường làm việc trong thời đại số dễ khiến nhiều người bị quá tải. Và mất đi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống chính là hệ quả của việc thiếu tư duy lãnh đạo, kỹ năng làm chủ bản thân, làm chủ thời gian và thiếu một phương pháp làm việc khoa học.
Nói về tư duy lãnh đạo tại hội thảo “Khai phá tư duy lãnh đạo để tối ưu hóa hiệu quả công việc”, TS. Trần Hữu Đức – Giám đốc giải pháp phát triển tổ chức Công ty CP Tư vấn và Phát triển nguồn nhân lực BCC giải thích: “Đạo là con đường, lãnh là nhận lãnh trách nhiệm. Lãnh đạo bản thân nghĩa là chịu trách nhiệm về con đường mình đã chọn và không than phiền khi gặp khó khăn, lãnh đạo người khác là chấp nhận nhiệm vụ dẫn dắt họ đi đúng hướng trên con đường đó”.
Trên thực tế, chỉ khi tư duy lãnh đạo được phát huy tốt trong doanh nghiệp, các chiến lược đặt ra mới được thực thi triệt để, hiệu suất công việc của quản lý và nhân viên mới được tối đa hóa và từ đó, các chi phí khác sẽ được cắt giảm một cách tiết kiệm nhất. Tư duy lãnh đạo hiệu quả được thể hiện qua việc quản trị tốt sự nghiệp, kiểm soát được cảm xúc, thời gian, công việc, những mối quan hệ…
Sở hữu nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự, từ tuyển dụng, đào tạo đến phát triển con người, chuẩn bị đội ngũ kế thừa, TS. Trần Hữu Đức chia sẻ thêm: “Nếu bạn chọn cách không làm giám đốc một doanh nghiệp thì bạn cũng sẽ phải chọn cho mình một con đường khác, bất kể là trong lĩnh vực nào. Tư duy lãnh đạo là một phần không thể thiếu, giúp chúng ta sống tốt hơn với bản thân, gia đình và cộng đồng. Chúng ta vẫn đang tự lãnh đạo chính mình. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra hay không và có bao giờ tự đánh giá lại khả năng, hiệu quả của việc lãnh đạo đó? Có hài lòng hay chưa? Và có cách nào lãnh đạo bản thân và những người xung quanh được tốt hơn nữa?”.
Trong phạm vi hoạt động doanh nghiệp, tâm lý “tính trước bước không qua” khiến nhiều nhà lãnh đạo e dè khi đặt ra mục tiêu cho mình và cả tập thể. Tuy nhiên, nếu nhà lãnh đạo đặt ra mục tiêu càng lớn thì sẽ càng có động lực để xây dựng nên công ty có quy mô phù hợp. Những mục tiêu đó thường nằm trong 3 cấp độ: cấp độ thứ nhất là chỉ để thỏa mãn cái tôi, cấp độ thứ hai là dùng sản phẩm/dịch vụ để mang lại lợi ích cho cộng đồng và cấp độ thứ ba là muốn đem lại lợi ích cho nhiều thế hệ sau (chẳng hạn như để lại các phương pháp, bài học khởi nghiệp, cách thức vận hành công ty…).
Và để đạt được các mục tiêu đó, nhà lãnh đạo cần phải áp dụng những phương pháp làm việc mới, thay đổi những thói quen đã trở thành “bản năng”, từ đó mới có thể làm chủ bản thân, làm chủ đội ngũ nhân viên và tiến đến làm chủ tổ chức một cách hiệu quả và bền vững.
Hơn 10 năm làm việc với người Việt Nam, bà Angeline V Teo – CEO, nhà đồng sáng lập PEP Worldwide Asia nhận định: “Tôi nhận thấy người Việt Nam rất cần cù. Điều này là cần thiết nhưng chưa đủ. Các bạn cần phải có một phương pháp khoa học để làm việc thông minh hơn, hiệu quả hơn và có cuộc sống hạnh phúc hơn. Người Việt Nam rất hiếu học, giới trẻ Việt Nam đang có sức bật tốt, các bạn đã có đủ cơ hội và điều kiện để tiếp cận với những bậc thầy trong khu vực và quốc tế. Hãy đón nhận sự thay đổi và tiếp thu những phương pháp, công cụ mới tốt hơn, phù hợp hơn với những thách thức và mục tiêu trong giai đoạn hội nhập”.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn