Vì sao "dội nước đá" trở thành hiện tượng Internet?

22/08/2014 05:48

Vì sao "dội nước đá" trở thành hiện tượng Internet?


Thử thách “dội nước đá” hay Ice Bucket Challenge trở thành đề tài nóng hổi của thế giới tuần qua với sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng bật nhất.


Ice Bucket Challenge là tên gọi của thử thách trong đó một người phải dội xô nước đá lên người và thách lại người khác. Chương trình đã giúp quỹ ALS Association quyên góp được hàng triệu USD và cũng trở thành một trong những sự kiện gây tiếng vang lớn nhất lịch sử Facebook. Hôm thứ Hai (18/8), mạng xã hội công bố đã có hơn 2,4 triệu video liên quan đến Ice Bucket Challenge được chia sẻ và hơn 28 triệu người đăng bài, bình luận hay “like” một bài viết về chủ đề này.

Bill Gates tham gia thử thách dội nước đá:

 

Theo Neetzan Zimmerman, cựu Biên tập viên trang Gawker, người được đánh giá là chuyên gia của các “cơn sốt mạng”, việc kết hợp sự hiếu kỳ của người dùng Internet với từ thiện và quyên góp là mấu chốt vấn đề. Bản thân cách thức tham gia đơn giản cũng khiến dội nước đá lan truyền chóng mặt trên Internet.

Còn theo Jonah Berger, tác giả cuốn "Contagious: Why Things Catch On", mọi người luôn muốn trở nên tử tế trong mắt người khác nên không có lý do gì họ lại từ chối một lời đề nghị có mục đích từ thiện để tự biến mình thành người xấu.

Zimmerman cho rằng Internet cuối cùng cũng chỉ xoay quanh các thử thách. Trước dội nước đá, trò “cinnamon challenge” (nuốt một thìa đầy bột quế) hay “planking” (nằm úp mặt xuống mọi nơi) cũng gây sốt không kém khi tất cả đều muốn chứng tỏ mình có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Một nguyên nhân khác là Ice Bucket Challenge chứa đựng yếu tố “slacktivism” (từ ghép của slacker và activisim, ám chỉ sự tích cực một cách lười biếng), tức là bạn có thể tham gia thử thách ở bất kỳ đâu để có vẻ là người tốt song thực chất lại chẳng làm gì cả. Kony 2012 với hashtag #stopKony, một hiện tượng năm 2012, từng bị chỉ trích vì lý do này vì quả thực không có tác động nhiều đến cộng đồng.

Tuy nhiên, Ice Bucket Challenge dường như thành công hơn vì ALS Asscociation, tổ chức phi lợi nhuận thực hiện nghiên cứu và giúp đỡ những người bị xơ cứng teo cơ một bên (ALS) khi nhận được 22,9 triệu USD quyên góp kể từ ngày 29/7, tăng từ 1,9 triệu USD cùng kỳ năm 2013. Các khoản tiền không chỉ đến từ các nhà hảo tâm trước đó mà còn từ nửa triệu cái tên mới.

Lý do khác đưa Ice Bucket Challenge đến ngày hôm nay là sự góp mặt của hàng loạt tên tuổi đình đám, từ các chính khách cho đến các ngôi sao. Nhà nhân loại học Jennifer Cool nhận xét: “Nếu làm đúng những gì người nổi tiếng làm, bạn sẽ có cảm giác như thể đang đóng thế họ”.

Và tất nhiên, Ice Bucket Challenge còn là cơ hội để “khoe mẽ”. Cốt lõi của Facebook là một nơi để khoe khoang và tiếp thị bản thân bằng hàng trăm tấm ảnh du lịch tuyệt vời, những lời nhắc nhở rằng bạn đang trong một tình yêu đẹp, vượt qua hàng núi thử thách khó khăn… Ở điểm này, không chỉ người thường như chúng ta mà cả người nổi tiếng cũng đua nhau thực hiện thử thách một cách độc đáo nhất. Ví dụ, Bill Gates chuẩn bị một màn “đáp lễ” Mark Zuckerberg khá công phu, trong khi tuyển thủ hockey Paul Bissonnette còn dùng cả máy bay trực thăng để tưới nước.

Như mọi hiện tượng mạng khác, thử thách dội nước đá – Ice Bucket Challenge chắc chắn sẽ tàn phai nhanh chóng như khi nó bùng lên. Zimmerman tiên đoán sau khi đạt đỉnh, trào lưu này vẫn gây chú ý trong 2 hoặc 3 tuần trước khi "hạ nhiệt" và biến mất.

 

Du Lam (Theo ICTNews/HuffingtonPost)