"Vị đắng" sân nhà

21/08/2015 02:37

"Vị đắng" sân nhà

Có mặt ở VN 140 năm, nhưng cà phê Đà Lạt chỉ thực sự được thế giới biết đến khi Starbucks đưa cà phê Arabica có xuất xứ từ Đà Lạt vào trong chuỗi cửa hàng của họ.


Đầu năm 2013, khi chính thức có mặt ở thị trường VN, đại diện Starbucks đã tuyên bố mạnh mẽ rằng: Chúng tôi sẽ tăng trưởng mạnh” và sẽ có “hàng trăm cửa hiệu Starbucks” tại VN. Tuy nhiên đến thời điểm này, sau 2 năm rưỡi, số cửa hiệu café Starbucks tại VN mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Am hiểu địa phương

 

Nhưng, trong lúc mà nhiều người bắt đầu cảm thấy thất vọng về Starbcks tại VN, thì họ lại đưa ra một công bố khá bất ngờ là đã bán cà phê Arabica có xuất xứ từ Đà Lạt trong chuỗi cửa hàng của mình. Đây là lần đầu tiên một loại cà phê Arabica trồng tại VN được Starbucks chọn để cung cấp với giá mỗi kg đã rang kèm hương liệu gần 50 USD (trên một triệu đồng). Đáng chú ý hơn, sản phẩm này lại không được sử dụng trong hệ thống Starbucks tại VN mà chỉ được bán duy nhất ở thị trường Mỹ và được xếp vào dòng sản phẩm cao cấp.

 

Một thông tin khiến cho những người làm café buồn vui lẫn lộn. Vui vì mở ra cơ hội phát triển cho cà phê Đà Lạt bởi, trước cà phê Đà Lạt, Starbucks chỉ chọn 6 địa phương làm nhà cung cấp cho chuỗi cửa hàng của mình, bao gồm: Indonesia, Kenya, Rwanda, Brazil, Colombia và Guatemala.

 

Buồn vì một thương hiệu “cà phê Đà Lạt” dù nức tiếng về chất lượng nhưng bao năm vẫn “đì đẹt”, hẩm hiu.

 

Mặc dù VN vẫn luôn là nước đứng đầu trên thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, nhưng việc Starbucks chọn sử dụng loại café Arabica Đà Lạt cho thấy hãng này đã có sự nghiên cứu chọn lọc và đánh giá cao hương vị cao nguyên này. Có lẽ với phương châm “am hiểu địa phương”, thay vì ồ ạt phát triển hệ thống, trong thời gian ngắn ngủi, Starbucks đã khám phá ra cơ hội khác tại thị trường VN. Đây có thể sẽ là một thành công đầu tiên của Starbucks khi tham gia vào thị trường VN.

 

Mất bò mới lo làm chuồng ?

 

Trên thực tế, không phải đến bây giờ thương hiệu cà phê Đà Lạt mới được nhắc tới. Năm 1875, nhận thấy khu vực Cầu Đất (xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) người Pháp đã đưa giống cà phê Arabica sang trồng và cà phê Đà Lạt từng được xuất khẩu sang nhiều nước Châu Âu với thương hiệu “Arabica du Tonkin”. Trải qua 140 năm hiện diện trên vùng đất cao nguyên, hiện tổng diện tích cà phê ở TP Đà Lạt chỉ còn hơn 3.400 ha (chủ yếu là cà phê Arabica, được phân bố tại 3 xã Xuân Trường, Trạm Hành và Tà Nung) trong tổng số 140.000 ha cà phê của tỉnh.

 

Ngay sau khi có thông tin Starbucks đưa cà phê Đà Lạt vào hệ thống, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch phấn đấu đến năm 2020, địa phương sẽ có khoảng 30.000 ha cà phê Arabica trong tổng diện tích 140.000 ha cà phê của toàn tỉnh. Xét về mọi mặt, Lâm Đồng là địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố để có thể biến giấc mơ nêu trên thành hiện thực: là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ hai cả nước – sau Đắk Lắk, là địa phương sở hữu một vùng đất có cây cà phê Arabica chất lượng cao nhất VN. Ngoài việc quy hoạch có định hướng diện tích cà phê Arabica Đà Lạt thì việc xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch và ngăn ngừa lạm dụng hóa chất trong sản xuất cũng sẽ được tỉnh Lâm Đồng quan tâm.

 

Sự sốt xắng của lãnh đạo chính quyền địa phương là điều dễ hiểu nhưng có một thực tế là chỉ khi đứng trước nguy cơ mất thương hiệu thì những nhà quản lý, những nhà làm quy hoạch mới cảm thấy” tiếc”. “Con cá mất bao giờ cũng là con cá to”, có thể trong tương lai, cà phê Đà Lạt sẽ mang lại nhiều giá trị cho địa phương, tạo thêm thu nhập cho người dân, nhưng có một điều chắc chắn rằng, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Đà Lạt sẽ rất khó khăn.

 

Đồng hành với một thương hiệu lớn cũng là một lợi thế nhưng sẽ tốt hơn nếu như biết phát huy lợi thế và tạo ra giá trị gia tăng cho riêng mình. Phát hiện của Stabucks thú vị không chỉ ở chất lượng sản phẩm mà còn ở giá trị trương hiệu. cà phê Đà Lạt vào hệ thống Starbucks giống như “hồn Trương Ba da hàng thịt” là một bài học không mới nhưng sẽ khiến những người làm cà phê tiếp tục phải suy ngẫm và nhấm nháp “vị đắng”…”sân nhà”.

 

(Theo DĐDN)