Việc mua lại này được tiến hành thông qua Công ty liên doanh Thai Corporation International (TCI), được góp vốn từ Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của tỉ phú Charoen và Mongkol Group (Thái Lan).
Lời đồn đoán về thương hiệu bán lẻ này của Nhật sắp rút khỏi thị trường đang dần trở thành hiện thực khi một số cửa hàng FamilyMart tại TP.HCM đã được đổi tên thành B’s mart (B là ký tự đầu tiên của Tập đoàn BJC).
Có phải là cắt lỗ?
Trang web FamilyMart tại Nhật và Việt Nam đến nay vẫn chưa công bố thông tin này. Tuy nhiên, tờ Bangkok Post cho biết, FamilyMart đã chính thức chấm dứt liên doanh với đối tác Việt Nam là Tập đoàn Phú Thái. Như vậy, thương hiệu Family Mart của Nhật với hơn 22.000 cửa hàng trên thế giới đang rút lui khỏi Việt Nam.
Tháng 6/2011, liên doanh Vina FamilyMart được thành lập với vốn đầu tư ban đầu là 4,2 triệu USD được góp từ Phú Thái (51%), FamilyMart Nhật (44%) và Itochu cũng của Nhật (5%). Tháng 5/2013, chuỗi FamilyMart đã có 42 cửa hàng tại TP.HCM và còn đặt tham vọng phát triển tới 300 cửa hàng vào năm 2015, tương đương tốc độ mở hơn 103 cửa hàng/năm.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 của FamilyMart nêu rõ, mức lãi ròng của FamilyMart tăng 50,9% so với 2011. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh toàn cầu của FamilyMart trong năm qua lại lỗ khoảng 11,5 triệu USD từ 3 thị trường Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam (không công bố số lỗ cho từng thị trường).
Mới đây, ông Yoshiki Miyamoto, Giám đốc Tài chính Tập đoàn FamilyMart nói trên tờ Wall-Street Journal rằng: “Chúng tôi đang trong lộ trình cắt lỗ tại Trung Quốc. Dự kiến, chuỗi FamilyMart tại Thượng Hải sẽ bắt đầu hòa vốn trong năm 2013 để tiến tới có lãi cho toàn hệ thống tại Trung Quốc vào năm 2015”.
Như vậy, bên cạnh Trung Quốc, nhiều khả năng FamilyMart đang kinh doanh không hiệu quả tại Việt Nam. Đây có thể là lý do cốt lõi cho sự rã đám của liên doanh Vina FamilyMart mới chỉ vừa tròn 2 năm tuổi.
Thái vào mở đường
Lúc này, các cửa hàng đầu tiên của chuỗi FamilyMart tại TP.HCM đang được thay đổi diện mạo với thương hiệu mới là chuỗi B’s mart. Giới bán lẻ và người tiêu dùng cũng đang tập trung sự chú ý vào chủ sở hữu của B’s mart tại Việt Nam là đại gia phân phối hàng đầu của Thái Lan - Tập đoàn BJC.
Tờ Bangkok Post cho hay, việc thôn tính FamilyMart tại Việt Nam thuộc chiến lược mở rộng đầu tư tại khu vực Đông Nam Á của BJC. Theo báo cáo tài chính quý 1.2013 của BJC, doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm 15,2% toàn Tập đoàn. BJC đang có kế hoạch nâng phần doanh thu từ các thị trường nước ngoài lên mức hơn 50% trong vòng 5 năm tới bằng các thương vụ mua bán sáp nhập.
Tại Việt Nam, việc thay đổi chủ sở hữu chuỗi FamilyMart, đồng thời ra mắt thương hiệu mới B’s mart cho chuỗi này được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho ngành bán lẻ trong nước cũng như mô hình cửa hàng tiện lợi. Hai đối tác liên doanh của TCI đều là những doanh nghiệp hàng đầu của ngành phân phối tại Thái Lan.
Ngoài việc góp vốn trong liên doanh TCI, Tập đoàn BJC còn đầu tư nhà máy sản xuất chai lọ thủy tinh có vốn đầu tư 47,5 triệu USD tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hồi tháng 2/2012.
Chưa hết, BJC còn sở hữu tới 65% cổ phần của Công ty Thái An, một đơn vị chuyên phân phối và vận chuyển thực phẩm tại miền Bắc. Trong khi đó, đối tác Mongkol Group đã thâm nhập thị trường phân phối tại Việt Nam từ năm 1993.
Về thương vụ mua lại chuỗi FamilyMart tại Việt Nam, ông Mongkol Banthrarungroj, Giám đốc Điều hành TCI, cho biết: “Chuỗi bán lẻ này dự kiến sẽ mang lại nguồn doanh thu ít nhất là 5 tỉ bath (hơn 3.300 tỉ đồng) trong vòng 5 năm tới. Đặc biệt, hơn 70% hàng hóa tại đây sẽ có xuất xứ từ Thái Lan, còn lại là hàng Việt Nam”.
Xa hơn, chuỗi B’s mart chính là mục tiêu tạo dựng thương hiệu cho hàng hoá Thái Lan sẽ được phân phối rộng khắp tại khu vực Đông Dương và Myanmar nhằm sẵn sàng cho quá trình hội nhập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2015.
Áp lực gia tăng
Ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Việt Nam cho biết, kể từ thời điểm Việt Nam chính thức mở cửa 100% thị trường bán lẻ vào ngày 1.1.2009 theo cam kết WTO, hàng loạt thương hiệu ngoại đã không ngừng phát triển quy mô. Trong đó, liên doanh, liên kết với đối tác trong nước là mô hình được chuộng nhất để khối ngoại có thể vượt qua các vòng sát hạch về địa bàn, sức mua và quy hoạch.
Một số trường hợp liên doanh điển hình trong ngành bán lẻ thời gian qua có thể kể đến là Saigon Co.op - NTUC Fairprice (Singapore), Phú Thái - FamilyMart và Minh Vân - Lotte (Hàn Quốc).
Trong 3 liên doanh này, hiện chỉ có thương vụ Saigon Co.op - NTUC Fairprice bắt tay nhau để đầu tư chuỗi đại siêu thị Co.opXtra tại Việt Nam là có nhiều triển vọng phát triển xét về tiềm lực tài chính lẫn kinh nghiệm từ cả 2 phía.
Đối với 2 thương vụ còn lại, Phú Thái đã chủ động bán 51% vốn của mình cho BJC để rút khỏi liên doanh. Còn Công ty Minh Vân do năng lực tài chính hạn hẹp nên không thể bổ sung thêm 10 triệu USD vốn đầu tư vào liên doanh vận hành chuỗi LotteMart tại Việt Nam, đành phải nhượng 20% phần vốn của mình cho Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc.
Điều này cho thấy, khối nội, nhất là các doanh nghiệp tư nhân trong ngành bán lẻ rất dễ bị thua thiệt trong kịch bản không mới là tham gia liên doanh, bị ép góp thêm vốn để mở rộng, nhưng do đuối về năng lực tài chính nên cuối cùng phải rút lui. Đối tác ngoại nghiễm nhiên trở thành nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài của các dự án bán lẻ trong nước.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhận định, việc khối ngoại liên kết với Việt Nam một phần để tận dụng nguồn lực trong nước, nhưng chủ yếu là do còn bị ràng buộc bởi hệ thống pháp luật hiện tại.
Trong 2-3 năm tới, khi luật pháp Việt Nam rõ ràng hơn, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ ào ạt tràn vào Việt Nam mà không cần liên doanh, liên kết. Lúc đó, khối nội sẽ khó lòng cạnh tranh nổi với các tập đoàn bán lẻ thế giới có vốn lớn và dày dạn kinh nghiệm. “Có thể xem đây là cơ hội cuối cùng cho doanh nghiệp Việt”, ông nói.