23 điều cốt lõi bạn phải biết khi làm việc với chủ nhượng quyền
14/06/2015 04:35
Sự minh bạch và tôn trọng luật chơi là điều kiện tiên quyết để duy trì một quan hệ nhượng quyền thương mại bền vững và thành công. Điều này cần xây dựng ngay từ giai đoạn tìm hiểu cơ hội kinh doanh của mỗi bên. Không phải chủ thương hiệu nào cũng sẳn sàng chia sẻ tất cả cho bên nhận nhượng quyền. Hãy ghi chú những khoản mục cốt lõi sau mỗi khi tìm hiểu một thương hiệu nhượng quyền tìm năng.
23 khoản mục thông tin này thường có trong Tài liệu công bố các điều khoản về Nhượng quyền thương mại dành cho khách hàng:
1. Chủ thương hiệu nhượng quyền và người tiền nhiệm (bất kỳ).
Phần này gồm thông tin cơ bản về lịch sử Bên nhượng quyền, cũng như của những người tiền nhiệm. Nó cũng bao gồm tên công ty và thương hiệu, địa chỉ và những địa điểm kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp. Việc giới thiệu ngành kinh doanh phải bao gồm thông tin về tính chất của ngành kinh doanh nhượng quyền và kinh nghiệm kinh doanh của Bên nhượng quyền, kể cả kinh nghiệm trực tiếp trong nhượng quyền.
2. Lai lịch và kinh nghiệm kinh doanh của những người làm ăn với chủ thương hiệu.
Phải công bố tất cả tên của các cá nhân có trọng trách điều hành doanh nghiệp hoặc quản lý các dịch vụ bổ trợ cho người mua quyền thương mại. Cũng phải công bố cả thông tin về vị trí hiện tại của những người có trọng trách trong công ty và kinh nghiệm kinh doanh trong vòng năm năm gần đây. Phải công bố thông tin tương tự về các đại diện tiếp thị hoặc người môi giới nhượng quyền, nếu có.
3. Lý lịch tư pháp.
Phải công bố trong phần này thông tin chi tiết về tiền án, tiền sự và các vụ kiện tụng hành chính hoặc dân sự có liên quan đến bất kỳ quan chức, chủ sở hữu, giám đốc hoặc cán bộ điều hành cao cấp nào của công ty nếu các vụ kiện tụng này có thể gây phương hại đến những người mua quyền thương mại tiềm năng.
4. Lịch sử phá sản.
Chủ thương hiệu nhượng quyền phải công bố về việc công ty hoặc bất kỳ giám đốc hoặc cán bộ cao cấp nào của công ty đã từng đệ đơn xin phá sản trong vòng 15 năm qua. Việc tố tụng ra sao cho từng vụ việc cũng phải được trình bày.
5. Phí nhượng quyền ban đầu và/hoặc các khoản thanh toán ban đầu khác.
Phần này quy định người mua quyền thương mại phải thanh toán phí nhượng quyền và bất kỳ khoản thanh toán ban đầu nào khác khi thực hiện hợp đồng nhượng quyền. Phần này cũng công bố các điều khoản thanh toán và các mức phí, cách sử dụng các khoản tiền này ra sao và liệu các khoản đó có được hoàn trả lại toàn bộ hoặc một phần hay không.
6. Các khoản phí khác.
Tất cả các khoản phí khác phải được trình bày chi tiết, bao gồm phí bản quyền, phí quảng cáo, chi phí bảo hiểm, chi phí đào tạo, chi phí kiểm toán và kế toán, chi phí tư vấn, thuê, thay đổi và bất kỳ khoản phí nào có liên quan đến nhượng quyền.
7. Khoản đầu tư ban đầu ước tính của người mua quyền thương mại.
Các chi phí ước tính liên quan đến việc kinh doanh nhượng quyền phải được kiểm kê lại toàn bộ với một phạm vi cao và thẩm định cho bất động sản, xây dựng, thiết bị, thiết bị gắn cố định, giấy phép, đồ nội thất, bảng hiệu, hàng hóa, vốn lưu động… Phần này cũng bao gồm tên của cá nhân hoặc những cá nhân sẽ nhận khoản thanh toán cho những khoản mục liệt kê trên đây, theo những điều kiện nào và liệu các điều kiện hoàn trả có áp dụng được không.
8. Nghĩa vụ của người mua quyền thương mại khi mua hoặc thuê từ các nguồn cung cấp được chỉ định.
Phải công bố bất kỳ yêu cầu nào về việc người mua quyền thương mại phải mua từ một nguồn cung cấp do chủ thương hiệu chỉ định các loại hàng hóa, dịch vụ, vật tư, thiết bị hoặc bảo hiểm cho việc mở doanh nghiệp nhượng quyền và/hoặc hoạt động nhượng quyền. Chủ thương hiệu còn phải công bố liệu họ có nhận được khoản thu nhập nào từ nhà cung cấp cho mình chỉ định từ kết quả mua hàng của người mua quyền thương mại hay không.
9. Nghĩa vụ của người mua quyền thương mại khi mua hoặc thuê phải phù hợp với các quy cách cụ thể hoặc của nhà cung cấp được chỉ định.
Đây là một quy định cụ thể hơn về nguồn cung cấp, phần này liệt kê chi tiết từng khoản mục trách nhiệm của người mua quyền thương mại phải mua hoặc thuê từ nhà cung cấp đã ấn định từ trước hoặc phải theo các quy cách của chủ thương hiệu. Thông thường người ta không quy định những quy cách về hàng mua nhưng thường đề cập đến giá cả, chiết khấu và các quy trình chọn nhà cung cấp đều phải do Bên nhượng quyền duyệt.
10. Thu xếp nguồn tài chính.
Phải mô tả trong phần này bất kỳ chương trình tài trợ nào do chủ thương hiệu hoặc người do chủ thương hiệu ủy quyền thực hiện.
11. Các nghĩa vụ của chủ thương hiệu: giám sát, trợ giúp hoặc cung cấp dịch vụ.
Phần này mô tả các dịch vụ hỗ trợ ban đầu và trong suốt quá trình kinh doanh của chủ thương hiệu. Trong nhiều trường hợp, người ta chia làm hai loại – nghĩa vụ trợ giúp của chủ thương hiệu và các dịch vụ do chủ thương hiệu thực hiện. Một số loại hình dịch vụ và hỗ trợ bao gồm đào tạo, vật liệu quảng cáo, lựa chọn địa điểm kinh doanh, nghiên cứu thị trường và dịch vụ máy tính.
12. Độc quyền khu vực.
Nếu chủ thương hiệu cấp phép độc quyền thì sẽ phải mô tả trong phần này khu vực được độc quyền kinh doanh và các quyền cụ thể. Phải công bố bất kỳ điều kiện nào mà người mua quyền thương mại phải đáp ứng để được nắm giữ các quyền này, đồng thời phải công bố cả các quyền của chủ thương hiệu.
13. Nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, thương hiệu, biểu trưng và các biểu tượng thương mại.
Chủ thương hiệu phải công bố thông tin liên quan việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, thương hiệu, các loại biểu tượng thương mại với Cơ quan quản lý sáng chế. Phải công bố danh sách các bang và các quốc gia mà tại đó có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, cũng như bất kỳ sự hạn chế nào đối với người mua quyền thương mại khi sử dụng các nhãn hiệu này.
14. Bằng sáng chế và bản quyền.
Phần này công bố danh sách bất kỳ bằng độc quyền sáng chế và bản quyền nào có liên quan đến hoạt động kinh doanh nhượng quyền bao gồm cả các bí quyết kinh doanh và thông tin bảo mật.
15. Nghĩa vụ tham gia điều hành kinh doanh nhượng quyền của người mua quyền thương mại.
Nếu chủ thương hiệu yêu cầu người mua quyền thương mại phải tham gia tích cực vào quá trình điều hành kinh doanh thì phải công bố nội dung này trong văn bản. Phải xác định được các điều khoản và điều kiện của việc tham gia điều hành kinh doanh.
16. Các hạn chế về hàng hóa và dịch vụ do người mua quyền thương mại được phép kinh doanh.
Phần này nêu rõ bất kỳ sự hạn chế hoặc giới hạn nào áp đặt đối với hàng hóa và dịch vụ mà người mua quyền thương mại được phép thương mại hóa.
17. Gia hạn, chấm dứt, mua lại, sửa đổi và nhượng lại hợp đồng nhượng quyền và thông tin liên quan.
Phần này là phần dài nhất và phức tạp nhất, bao gồm: các yêu cầu của chủ thương hiệu và quyền lựa chọn của người mua quyền thương mại khi gia hạn, kết thúc, mua lại, sửa đổi hoặc nhượng lại hợp đồng.
18. Những khoản chi phí dàn xếp với các nhân vật của công chúng.
Nếu chủ thương hiệu có chi trả bất kỳ khoản thù lao nào hoặc có các chương trình hậu thuẫn nào với các nhân vật của công chúng, thì đều phải công bố. Nếu nhân vật quan trọng này có liên quan đến việc sở hữu hoặc quan lý đơn vị kinh doanh nhượng quyền thì cũng phải công khai ở đây.
19. Doanh số, lợi nhuận hoặc thu nhập thực, trung bình, dự kiến hoặc ước đoán của các đại lý nhượng quyền.
Ở đây có một sự lựa chọn. Một số chủ thương hiệu tuyên bố họ sẽ không cung cấp số liệu về doanh số và thu nhập thực, trung bình, dự kiến hoặc ước tính cho người mua quyền thương mại tiềm năng. Nếu chủ thương hiệu có đưa ra số liệu về doanh thu, lợi nhuận hoặc thu nhập thì phải mô tả đầy đủ phương pháp tính toán ra được các số liệu đó.
20. Thông tin có liên quan đến hoạt động kinh doanh nhượng quyền của chủ thương hiệu.
Chủ thương hiệu cung cấp bản tóm tắt về số đơn vị nhượng quyền đã bán, số thực sự đang hoạt động, số hợp đồng đã ký nhưng không hoạt động, số đơn vị kinh doanh trực thuộc công ty. Phải công bố thông tin về số nhượng quyền đã chấm dứt hoặc không được gia hạn cùng các nguyên nhân chấm dứt hoặc không gia hạn đó trong vòng 3 năm qua.
21. Các báo cáo tài chính.
Phần này trình bày một bộ báo cáo tài chính hoàn chỉnh, thông thường gồm bảng cân đối kế toán cho năm tài chính vừa qua, báo cáo thu nhập và các thay đổi tình hình tài chính của chủ thương hiệu trong vòng 3 năm tài chính gần đây nhất. Hầu hết các báo cáo tài chính đều được yêu cầu kiểm toán.
22. Hợp đồng nhượng quyền và các văn bản có liên quan.
Phần này bao gồm bản sao văn bản nhượng quyền và bất kỳ văn bản nào khác mà người mua quyền thương mại sẽ phải ký và đính kèm vào đây như là các mẫu biểu.
23. Xác nhận việc người mua quyền thương mại tiềm năng đã nhận được văn bản.
Người mua quyền thương mại tiềm năng được yêu cầu ký văn bản xác nhận đã nhận được tài liệu công bố của chủ thương hiệu.
Vân Anh (Tổng hợp)
Theo Nhượng Quyền Việt Nam