Nhượng quyền thương mại: Thiếu kỹ năng và chuyên nghiệp
05/08/2015 02:19
Theo ông Phạm Nguyên Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (VIT), hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam hiện đang có khá nhiều hạn chế. Trong đó, nổi bật nhất là việc thiếu vốn, trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Tham vấn và đối thoại về việc thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam”, do Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức sáng nay (4/8).
Hình thức kinh doanh nhượng quyền bắt đầu phát triển
Theo ông Phạm Nguyên Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (VIT), hoạt động nhượng quyền thương mại được bắt nguồn từ Mỹ vào giữa thế kỷ 19, đến nay hoạt động nhượng quyền thương mại đã xuất hiện ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Doanh thu đạt tới hàng nghìn tỷ USD/năm.
Cũng theo ông Minh, hoạt động nhượng quyền thương mại đã có mặt tại Việt Nam từ trước năm 1975 thông qua một số hệ thống nhượng quyền các trạm xăng dầu của Mỹ như Mobil, Exxon, Sell… Số lượng hệ thống đăng ký nhượng quyền thương mại tại Việt Nam đã tăng từ 6 doanh nghiệp (từ khi mới xuất hiện tại Việt Nam) lên 137 hệ thống đến hết tháng 5/2015. “Phương thức hoạt động thương mại tương đối mới ở Việt Nam, nhưng hoạt động nhượng quyền thương mại cũng đã đạt được những thành tựu nhất định”, ông Minh đánh giá.
Liên quan đến những thực trạng hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, bà Trần Thị Thu Phương - Chuyên gia dự án EU-Mutrap cho biết, trong thời gian qua, các văn bản quy phạm pháp luật về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam được ban hành khá đầy đủ và phù hợp với thế giới. Chính điều này đã giúp các thương vụ nhượng quyền được thực hiện thành công.
Theo thống kê từ 15/1/2007 đến 15/7/2015, nhượng quyền thương mại vào Việt Nam chủ yếu được thực nhắm vào nhà hàng, với số lượng là 43,7% (bao gồm bán thức ăn nhanh, một số loại bánh, cà phê, đồ uống, nhà hàng lẩu nướng…). Ngoài ra, thời trang là 19,3% và giáo dục, đào tạo 14,1%.
Cụ thể, nhà hàng gồm các cửa hàng bán thức ăn nhanh hoặc bánh, cà phê và đồ uống khác với 42 thương hiệu/nhãn hiệu. Cửa hàng thời trang 19 thương hiệu/nhãn hiệu (bao gồm các cửa hàng thời trang phụ nữ, trẻ em, giày dép, túi xách); Cửa hàng tiện lợi là 3 thương hiệu.
Cửa hàng bán lẻ khác gồm các cửa hàng bán lẻ nội thất, bảo dưỡng các sản phẩm nội thất, bán lẻ hàng hoá tiêu dùng với 15 thương hiệu/nhãn hiệu; Giáo dục - đào tạo với 17 thương hiệu; dịch vụ khác là 15 thương hiệu/nhãn hiệu.
Doanh nghiệp còn gặp nhiều lúng túng trong xây dựng chiến lược
Cũng liên quan đến thực trạng hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, đại diện các chuyên gia tham gia Hội thảo cũng cho rằng, hiện Việt Nam đã bắt đầu quan tâm và tích cực triển khai hoạt động nhượng quyền thương mại
Trong đó, điển hình nhất và đi tiên phong trong việc áp dụng hình thức kinh doanh này là Trung Nguyên, tiếp đến là Phở 24. Bên cạnh đó còn các thương hiệu khác như Kinh đô Bakery, thời trang Ninomax; Foci, giày dép T&T…
Theo các chuyên gia, hoạt động này không chỉ dành cho những doanh nghiệp lâu năm, mà nhiều doanh nghiệp mới thành lập thì nhượng quyền thương mại là bước đi cần thiết để mở rộng hoạt động kinh doanh và phát triển thị trường của doanh nghiệp.
Đánh giá về hoạt động này, ông Phạm Nguyên Minh cho rằng, mặc dù phương thức nhượng quyền thương mại đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng hoạt động vẫn chưa thực sự hiệu quả. Đặc biệt, môi trường pháp lý chậm trễ và chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, các doanh nghiệp còn gặp nhiều lúng túng trong xây dựng chiến lược kinh doanh.
Đưa ra giải pháp cho tình trạng này, ông Minh cũng cho rằng, để hoạt động nhượng quyền thương mại được phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện thể chế, chính sách cho hoạt động này. Cùng với đó, nghiên cứu và hoàn thiện một số mô hình tổ chức hỗ trợ hoạt động nhượng quyền.
Ông Minh cũng cho rằng, cần xác định cho hệ thống thương hiệu, sản phẩm, mô hình, hệ thống các quy trình dự định chuyển giao cho các nhà nhận quyển trong tương lại, chương trình đào tạo, địa điểm đào tạo, quy trình vận hành, kiểm soát, tư vấn. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia hoạt động nhượng quyền thương mại….
(Theo VnMedia)