Trị bệnh của "Doanh Nghiệp" phải trị tận gốc

22/06/2014 10:48

Trị bệnh của "Doanh Nghiệp" phải trị tận gốc


Khi một doanh nghiệp trở nên ốm yếu nghiêm trọng, nó cần phải được trải qua ba giai đoạn để chữa trị: “Phẫu thuật” - nhằm tái cấu trúc tổ chức để đối phó với những thực tế mới khắc nghiệt, “Hồi sinh” - mục đích là mang lại sức sống cho hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện doanh thu bán hàng, “Điều dưỡng” - nhằm phục hồi văn hóa doanh nghiệp lành mạnh để phát triển bền vững dài hạn.


1. Phẫu thuật

Có 4 chữ C trong giai đoạn đầu tiên để hồi phục một doanh nghiệp:

Giao tiếp (Communication): Tiếp xúc thường xuyên với đội ngũ nhân viên, khách hàng, thành viên ban quản trị, các nhà cung cấp, các chủ ngân hàng về kế hoạch phục hồi công ty của bạn và thông báo cập nhật những tiến triển đạt được. Sử dụng ngôn ngữ trong sáng để trình bày rõ ràng mọi ý tưởng và kế hoạch hành động.

Thực ra, mọi người không chống lại những tin tức tồi tệ nhưng họ muốn nhanh chóng thấy kết quả. Hãy loại bỏ các tin xấu một cách nhanh nhất có thể. Cũng như vậy, chia sẻ một cách cởi mở sự tin tưởng vào thành công với các thành viên khác.

Kiểm soát chi phí (Cost Control): Nên nhớ rằng bất cứ sinh viên chuyên ngành kinh doanh nào ngay ở năm đầu tiên cũng có thể cắt giảm chi phí. Điều khác biệt ở đây của một nhà quản lý tài tình là người cắt giảm các chi phí mà không làm tồi tệ thêm bệnh tình của công ty.

Tránh xảy ra “hội chứng biếng ăn” thường xảy ra ở một số công ty mà kết cục là sự chết đói. Cắt giảm chi phí ồ ạt dễ được thực hiện, nhưng điều đó sẽ có tác động xấu trong dài hạn nếu không dự tính đúng đắn. Trong quá trình cắt giảm chi phí quản lý về mức thực tế, nhớ là bạn phải nêu tấm gương tốt bằng việc chi tiêu hợp lý.

Dòng tiền (Cash Flow): Hầu hết những công ty đang có vấn đề cần phải nhanh chóng cải thiện dòng tiền tệ. Xem xét lại những yếu tố trong bảng quyết toán của bạn. Bắt đầu kiểm soát hàng tồn kho, dư nợ, ngoại tệ, thanh toán cho người cung cấp, thu những khoản phải thu và những thứ tương tự. Nguyên tắc cơ bản là “chăm chút cho từng đồng xu của bạn còn những đồng bảng sẽ tự chăm sóc chính chúng”.

Tập trung (Concentration): Tập trung vào những năng lực chính của công ty. Những công ty trong tình trạng khó khăn thường loanh quanh từ những vấn đề hoạt động hàng ngày đến việc sát nhập và những chương trình mở rộng nghèo nàn ý tưởng. Như ông Jack Welch, Chủ tịch tập đoàn Genaral Electric, đã từng nói: “Nếu bạn không phải là số 1 hoặc số 2 trong lĩnh vực linh doanh, bạn sẽ càng ngày càng thấy khó khăn để sống sót trên thương trường ngày hôm nay”. Hãy tập trung tối đa vào lĩnh vực của bạn và gạt bỏ những công việc chẳng liên quan.

 

2. Hồi sinh

“Phẫu thuật” không đủ để cứu vãn một công ty. Công ty cần phải được tiếp tục phục hồi. Trong giai đoạn này, cần phải có những bước sau:

Xác định mục tiêu của công ty. Đảm bảo rằng tất cả mọi người đang làm việc hướng tới mục tiêu chung.

Giành được sự ủng hộ của các cổ đông và tất cả các cộng tác viên. Liên tục thông báo cho họ những tiến triển đã đạt được. Không có sự trợ giúp của họ, người giám đốc sẽ phải đối mặt với một trận chiến vô cùng khó khăn.

Triển khai những chiến lược marketing táo bạo. Để lôi kéo nhân viên ra khỏi việc than thân, trách phận hoặc chìm đắm trong các trò chơi xấu hổ và đáng trách, nhiều công ty thực hiện chương trình hành động tiêu chuẩn ISO 9000 đầy tham vọng. Chương trình này hướng sức lực của đội ngũ nhân viên vào những hoạt động có tính chất xây dựng.

Thực hiện nghiên cứu thị trường. Hãy trao đổi với những nhà cung cấp, khách hàng và thậm chí cả các đối thủ cạnh tranh để hiểu rõ hơn về ngành nghề. Quá trình này bao gồm cả việc phủ nhận những nhận định thị trường lúc trước vốn là nguyên nhân dẫn công ty đến khó khăn.
Sản xuất đúng sản phẩm ở mức chi phí đúng.

 

3. Điều dưỡng

Giai đoạn thứ ba này liên quan đến các bước sau: Đề ra một triết lý hoạt động mới cho công ty; giáo dục văn hóa công ty lành mạnh; tăng cường giao tiếp và đào tạo nhằm củng cố nguyên lý hoạt động và nét văn hóa ấy. Một công ty không có nguyên lý hoạt động và văn hóa công ty đúng đắn về lâu dài sẽ bị thất bại, thâm chí ngay cả trong trường hợp công ty thực hiện tốt các chiến lược phục hồi (Giai đoạn 2).

Trong y học cổ Trung Quốc, người ta tin rằng một người sẽ khỏe mạnh nếu người đó có thể điều hòa năng lượng và khí huyết bên trong cơ thể. Cũng tương tự như vậy, với các tập đoàn, nguồn năng lượng từ nhân lực phải được lưu thông một cách tự do và không bị ngưng trệ.

Ngày nay, tính cạnh tranh trong kinh doanh ngày càng tăng. Chìa khóa dẫn đến thành công của một công ty là nhanh chóng nhận thức được sai lầm. Để làm được điều đó, các công ty nên khuyến khích các dòng tư tưởng được chảy tự do và khuyến khích những cách thức làm việc mới để hình thành một triết lý công ty mới.

Thậm chí nguyên tắc quản lý dự án cũng cần thay đổi. Nguyên lý cũ thường bắt đầu bằng nhiệt tình, tiếp đến là vỡ mộng và hoảng loạn, tìm kiếm kẻ phạm lỗi, trừng phạt người vô tội và ban thưởng cho kẻ ngoài cuộc. Triết lý mới nhấn mạnh vào chiến lược “sẵn sàng, bắn, mục tiêu” và coi quản lý dự án như một tiến trình liên tục của thử nghiệm và thất bại.

 

 Trích “Trí tuệ Kinh doanh châu Á”