TOP4 phẩm chất làm nên nhà lãnh đạo tuyệt vời
16/06/2014 10:16
Hầu hết mọi người đều muốn phấn đấu để trở thành lãnh đạo. Chúng ta muốn làm điều gì đó xuất chúng, được đồng nghiệp nể trọng, kiếm được nhiều tiền hơn và nắm giữ nhiều trách nhiệm hơn.
Nội dung nổi bật: Phần lớn các nhà lãnh đạo đều có những tính cách sau:
- Mạnh mẽ: Nếu bạn không thấy mình quan trọng và xứng đáng, đừng hy vọng đồng nghiệp của bạn sẽ thấy thế. Hãy tập đương đầu với các suy nghĩ tiêu cực, ngừng trông đợi vào sự chấp nhận của người khác cũng như buông bỏ mọi nỗi tức giận trong lòng.
- Suy nghĩ tích cực: Khi tích cực, bạn nghĩ về các giải pháp chứ không phải trục trặc, bạn sẵn sàng chấp nhận rủi ro, có xu hướng linh hoạt và suy nghĩ sáng suốt hơn.
- Làm việc đam mê: Điều này giúp bạn nâng cao hiệu quả làm việc, tập trung chú ý vào những việc đang làm để giúp bạn nổi bật.
- Vị tha: Các nhà lãnh đạo quan tâm nhiều hơn tới thành tựu của tập thể, ngay cả khi nó đối lập với những mục tiêu riêng của họ.
Hầu hết mọi người đều muốn phấn đấu để trở thành lãnh đạo. Chúng ta muốn làm điều gì đó xuất chúng, được đồng nghiệp nể trọng, kiếm được nhiều tiền hơn và nắm giữ nhiều trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không rõ cách làm thế nào để có được sự tôn vinh, tin tưởng và ngưỡng mộ từ các cộng sự.
Trên thực tế, không có câu trả lời đơn giản nào giúp bạn hoàn thiện nhanh chóng kỹ năng lãnh đạo. Nó đòi hỏi sự cống hiến, thời gian, lòng kiên nhẫn, và quan trọng nhất là kiến thức. Hiểu rõ về nguyên nhân khiến ai đó có tầm ảnh hưởng hơn những người khác thì bạn mới có thể bắt đầu thay đổi niềm tin của người khác cũng như hành động của chính mình.
Một khi đã biết những tính cách tạo nên quyền lực ở một người, bạn mới có thể xây dựng kế hoạch để cải thiện những hạn chế, thay đổi các hành vi ngăn cản bạn đạt tới vị trí quản lý, điều hành.
Dưới đây là một danh sách các tính cách mà các chiến lược gia săn đầu người chuyên về bán hàng và marketing tìm kiếm ở các nhà lãnh đạo, và một số bài tập giúp tăng cường ảnh hưởng của bạn ở nơi làm việc.
Mạnh mẽ
Hãy bắt đầu tạo cho mình tư thế đĩnh đạc và tự tin. Người ta luôn bị thu hút bởi sự tự tin và cũng thường né tránh sự căng thẳng, thiếu tin cậy hay bất an.
Cách bạn cảm nhận về mình sẽ cho thấy khả năng dẫn dắt và uy quyền của bạn. Về cơ bản, nếu bạn không thấy mình quan trọng và xứng đáng, đừng hy vọng đồng nghiệp của bạn sẽ thấy thế.
Nếu bạn từng tỏ ra lo lắng và thiếu quyết đoán trước đồng nghiệp trong quá khứ, đừng tập trung vào những hạn chế này. Các đồng nghiệp của bạn, như nhiều người khác, rất mau quên, và bạn cũng nên thế. Từ nay trở đi, hãy nghĩ về những trải nghiệm đã qua như một bài học hơn là căn cứ để dự đoán tương lai.
Một số “bài tập” sau đây sẽ giúp bạn phát huy sự tự tin một cách mạnh mẽ:
- Đương đầu với các suy nghĩ tiêu cực của bản thân. Thay vì tập trung mọi năng lượng vào những gì bạn không thích nơi bản thân mình, hãy dành sự quan tâm tương đương cho những phẩm chất tích cực của bạn.
- Tập trung vào những thành công trong quá khứ hơn là thất bại. Đừng nghĩ mãi về những việc bạn làm chưa đúng. Nghĩ về những việc bạn đã làm đúng hiệu quả hơn nhiều. Liên tục củng cố những suy nghĩ này.
- Chấm dứt suy nghĩ “Lúc nào mình cũng cần phải làm đúng”. Hãy hiểu rằng, những sai lầm đã qua trong công việc chẳng có gì đáng xấu hổ.
- Ngừng trông đợi vào sự chấp nhận của người khác. Hãy hiểu rằng, bạn không cần sự đồng thuận của bất cứ ai để có được sự tự tin của chính mình.
- Buông bỏ mọi nỗi tức giận trong lòng. Tức giận và phiền muộn sẽ là rào cản đáng kể ngăn bạn trở thành lãnh đạo.
Năng lượng tích cực
Các nhà lãnh đạo thường thể hiện năng lượng tích cực và lạc quan, họ lan tỏa tới những người xung quanh quan điểm “có thể làm được”. Tầm nhìn này thu hút các cộng sự và mở lối cho phạm vi ảnh hưởng, thái độ tôn trọng và ngưỡng mộ họ từ những người khác.
Về phương diện lãnh đạo, năng lượng tích cực mang lại nhiều lợi ích. Khi tích cực, bạn nghĩ về các giải pháp chứ không phải trục trặc, bạn sẵn sàng chấp nhận rủi ro, có xu hướng linh hoạt và suy nghĩ sáng suốt hơn.
Thêm nữa, bạn quyết đoán hơn, sự thẳng thắn của bạn sẽ tạo nên cách trao đổi cởi mở hơn, nhanh chóng hơn với các nhân viên khác. Đây là nền tảng của sự lãnh đạo mạnh mẽ.
Đam mê
Đam mê công việc có nghĩa là bạn có hứng thú thực sự, sâu sắc và chân thành với công việc. Cảm hứng này có tính lan truyền rất tự nhiên và nó sẽ lôi kéo những người khác theo hướng suy nghĩ của bạn.
Con người thường thích sự tích cực, hiệu quả, thông minh và linh hoạt. Tất cả những điều này là sản phẩm đi kèm từ việc yêu thích những việc bạn làm.
Trừ khi bạn học cách yêu công việc, nếu không, bạn khó hy vọng có thể bày tỏ năng lượng tích cực cần thiết mà một nhà lãnh đạo cần có.
Hoặc bạn chủ động tìm kiếm công việc hoàn hảo, hoặc tự đào luyện bản thân để trở nên đam mê với công việc hiện tại. Dù thế nào, bạn hãy có quyết định chắc chắn về việc đi hay ở để rồi tiếp tục với nó.
Vài cách giúp bạn gia tăng niềm đam mê trong công việc:
- Nâng cao hiệu quả làm việc. Các nhà lãnh đạo làm mọi điều có thể để tăng hiệu quả công việc. Họ sẵn sàng làm thêm giờ và yêu thích thành thực công việc một phần vì những người khác ngưỡng mộ nỗ lực của họ.
- Nghĩ về những gì đang diễn ra hơn là ám ảnh về các rắc rối. Hãy hiểu rằng không có công việc nào hoàn hảo, và cần thiết lập một thực tế lạc quan và tập trung vào thành công hơn.
- Ngừng tập trung vào những gì người ta “nợ” bạn để dành mọi chú ý vào những gì bạn có thể làm để nổi bật.
Vị tha
Các nhà lãnh đạo đều vị tha. Họ quan tâm nhiều hơn tới thành tựu của tập thể, ngay cả khi nó đối lập với những mục tiêu riêng của họ.
Bằng cách thường xuyên trao khuyến khích, quan tâm và ghi nhận, các đồng nghiệp sẽ bị bạn thu hút nhiều hơn. Bất kể việc bạn đã là một nhà quản lý hay chưa, hãy tranh thủ mọi cơ hội để “tiêm” thêm chất tự tin vào những con người đang tìm kiếm nó.
Hầu hết những điều quan trọng trong công việc cũng như trong cuộc sống đều đòi hỏi sự lao động, học tập, và quan trọng nhất, là hành động. Làm lãnh đạo cũng không có gì khác. Bạn hãy hiểu rằng, không ai sinh ra đã là một nhà lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo đã quyết định để hun đúc mình thành một người như thế.
Theo TRẦN ĐẮC LUÂN | Doanh nhân Sài Gòn/Entrepreneur