Tìm hiểu thuật ngữ: Bên nhượng quyền thứ cấp
15/09/2014 01:30
Khi bên nhận quyền được trao quyền thực hiện quyền hạn của bên nhượng quyền trong một khu vực cụ thể được gọi là Bên nhượng quyền thứ cấp. Bên nhượng quyền thứ cấp thường sẽ phải trả một khoản phí ban đầu để được phép nhượng quyền kinh doanh thứ cấp ở một khu vực hay lãnh thổ.
Bên nhượng quyền thức cấp được quyền mua bán quyền thương mại để thu phí nhượng quyền và phí bản quyền, có trách nhiệm phải đào tạo, hỗ trợ người mua quyền thương mại trong khu vực hay lãnh thổ đã quy định. Cũng như bên nhượng quyền, bên nhượng quyền thứ cấp sẽ ký những hợp đồng nhượng quyền thứ cấp lại với người mua quyền kinh doanh (khi bán quyền kinh doanh) trong khu vực đã định.
Các khoản phí do bên nhượng quyền thứ cấp thu có thể được chia giữa bên nhượng quyền thứ cấp và hệ thống nhượng quyền, hoặc trong một số trường hợp thì bên nhượng quyền thứ cấp sẽ giữ lại phần lớn khoản phí thu được này.
Hợp đồng nhượng quyền thứ cấp sẽ quy định rõ khoản phí nhượng quyền và phí bản quyền mà mỗi bên nhận được. Mặc dầu khoản phí này có thể là một nguồn lợi to lớn cho bên nhượng quyền thứ cấp, nhưng phải lưu ý rằng họ đã phải chi tiêu rất nhiều để ký các hợp đồng nhượng quyền với các người mua quyền kinh doanh trong khu vực của mình.
Phụ thuộc vào hợp đồng, bên nhượng quyền thứ cấp có quyền mở một, vài đơn vị kinh doanh nhượng quyền hoặc chẳng mở đơn vị nào cả trong lãnh thổ của họ. Thường thì việc phát triển lãnh thổ phụ thuộc vào một chỉ tiêu hay kế hoạch cụ thể. Mục tiêu phát triển có thể được diễn giải trong nội dung hợp đồng gồm số lượng các đơn vị kinh doanh khai trương, đang hoạt động hoặc là đang trong gia đoạn xây dựng. Ví dụ, hợp đồng có thể nêu rõ hai năm sau khi ký hợp đồng, bên nhượng quyền thứ cấp phải có ít nhất năm cửa hàng kinh doanh khai trương hoặc đang vận hành nếu không sẽ bị mất độc quyền lãnh thổ. Bên nhượng quyền thứ cấp có thể đáp ứng toàn bộ hoặc một phần các yêu cầu này của hợp đồng bằng cách tự khai trương các đơn vị kinh doanh riêng của mình.
Không phải mọi hệ thống nhượng quyền nào cũng có các thỏa thuận nhượng quyền thứ cấp. Mô hình hoạt động này không phù hợp với tổ chức của mọi ngành kinh doanh nhượng quyền. Hơn nữa, nhiều hệ thống nhượng quyền không thích việc mất đi quyền lực khi tiến hành nhượng quyền thứ cấp. Thông thường, bên nhượng quyền thứ cấp có nhiều ảnh hưởng đối với những người mua quyền thương mại hơn là bên nhượng quyền vì bên nhượng quyền thứ cấp kiểm soát số lượng lớn các đơn vị kinh doanh và chịu trách nhiệm mang lại nguồn thu cho cả hệ thống.
Theo quan điểm của một người nhượng quyền thứ cấp thì thỏa thuận đạt được không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Bên nhượng quyền thứ cấp thường phải chịu rủi ro về tài chính rất lớn do khoản đầu tư cần thiết để mua nhượng quyền một lãnh thổ là rất lớn. Ngoài ra, do bên nhượng quyền thứ cấp bán lại quyền kinh doanh, họ thường phải đối mặt với các vụ kiện tụng trong tương lai do những người mua quyền thương mại không hài lòng thực hiện. Tuy nhiên, để bù đắp cho những rủi ro và những chuyện đau đầu này, họ nhận được những quyền lợi lớn hơn. Họ chia sẻ khoản phí nhượng quyền ban đầu (với trường hợp người mua quyền thương mại lớn) và phí bản quyền liên tục trong suốt thời hạn hợp đồng nhượng quyền có thể kéo dài mười hoặc hai mươi năm hoặc hơn nữa.
Mary E.Tomzack
www.nhuongquyenvietnam.com