Thương mại online lấn sân bán lẻ
10/11/2015 12:38
Sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm 2015 này là Online Friday 2015 do cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Vecita), cùng hiệp hội Thương mại điện tử khởi xướng, sẽ diễn ra vào ngày 4.12.2015, dự kiến thu hút 2.500 doanh nghiệp, với khoảng 15.000 lượt khuyến mãi đăng ký
Theo đánh giá của giới chuyên môn, Việt Nam là thị trường giàu tiềm năng do thương mại điện tử phát triển hơn mười năm qua, hiện đang có nền tảng và điều kiện tốt để mở rộng.
Tiềm năng thị trường
Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường EuroMonitor, trong vòng năm năm trở lại đây, số người dùng internet của Việt Nam đã tăng hơn gấp rưỡi, từ 28 triệu lên 43 triệu (tăng 153%). Ước tính đạt trên 40% dân số. Trên thị trường bán lẻ, những hệ thống cửa hàng có điểm bán trải rộng trên cả nước, cũng ghi nhận được doanh thu bán lẻ trực tuyến tăng theo. Hai loại mặt hàng phổ biến trên các sàn thương mại điện tử là: nhóm hàng thời trang và nhóm hàng công nghệ (điện thoại, điện tử và gia dụng). Hai loại mặt hàng này chiếm trên 80% tỷ trọng các danh sách và trên 50% doanh số của các đơn vị kinh doanh.
Theo báo cáo từ Ken Research, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ nhiều năm qua do nhu cầu gia tăng với sản phẩm bán lẻ, cùng sự tiếp cận nhanh chóng với các kỹ thuật mới, tốc độ thâm nhập smartphone cao và sự gia nhập thị trường của những người bán mới. Dự báo, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ có thể đạt 7,5 tỉ USD trước năm 2019.
Nước ngoài tranh thủ đầu tư
Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam đang trở thành thị trường mà các hãng lớn luôn nhăm nhe hướng đến. Ngoài các thương hiệu nội địa như Hotdeal, Muachung, Sendo, Giaohangnhanh… thì tên tuổi nước ngoài như Lazada, Zalora vẫn đang tăng tốc đầu tư. Sự kiện Transcosmos (Nhật Bản) mua lại 30% cổ phần của Hotdeal cho thấy một thực tế là các công ty chuyên về thương mại điện tử lớn trên thế giới đang rất chú ý tới thị trường Việt Nam.
Các thương hiệu hàng đầu như Lazada, Zalora và các thương hiệu nước ngoài đang cạnh tranh gay gắt với nhau và với doanh nghiệp nội địa.
Sau gần bốn năm có mặt tại thị trường Việt Nam, lazada.vn đã vượt qua 216 sàn giao dịch thương mại điện tử khác trong nước để đứng đầu về doanh thu, chiếm 36,1% thị phần trong năm 2014. Tiếp nối là các trang sendo.vn với doanh thu cao thứ nhì chiếm 14,4%, zalora.vn đứng thứ 3 với 7,2% thị phần, tiki.vn nắm giữ 5,4%, ebay.vn là 3,6%… Năm 2014 doanh thu của Lazada đạt khoảng 524,5 tỉ đồng, tăng gấp năm lần so với năm trước đó, số sản phẩm bán ra đạt 300.000 món và hiện có trên 1.500 nhà bán hàng. Lazada cũng đã có hơn nửa triệu khách hàng, hơn 200 triệu lượt truy cập. Lazada Group đã nhận được khoản vốn đầu tư mới lên đến 250 triệu USD từ các tập đoàn lớn Temasek (Singapore), Rocket Internet (Đức), Kinnevik và Verlinvest để phát triển sáu thị trường ở khu vực Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Nhận nguồn đầu tư hàng triệu USD từ Rocket Internet (Đức), Carmudi – sàn giao dịch thương mại trực tuyến chuyên về ôtô, xe máy dự kiến sẽ đầu tư mạnh mẽ trong vòng 12 – 18 tháng, nhằm giúp Carmudi Việt Nam trở thành nền tảng số một trong lĩnh thực thương mại điện tử mua bán xe hơi và gắn máy.
Ba nhà đầu tư thuộc lĩnh vực internet của Nhật Bản đã chen chân vào nắm giữ 33% cổ phần tại công ty cổ phần Sen Đỏ – Sendo, thuộc tập đoàn FPT. Dự kiến SBI Holdings, Econtext ASIA, BEENOS sẽ tham gia vào hội đồng quản trị của Sendo, giúp Sendo tiếp cận với mạng lưới khách hàng và đối tác trên toàn cầu, hỗ trợ đào tạo mạng lưới bán hàng và mở rộng danh mục hàng hoá.
Trang thương mại điện tử thuộc top dẫn đầu là Tiki cũng đã bán 22% cổ phần cho đối tác ngoại.
Vecita dự báo doanh thu thương mại điện tử Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi sau hai năm. Theo hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, thị trường thương mại điện tử đang bước sang trang mới. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp ngoại thúc đẩy thị trường phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ hơn, giúp người tiêu dùng sẽ chọn được những sản phẩm tốt trên thị trường với giá hấp dẫn.
Xu hướng đang phát triển
Cán cân của thị trường thương mại Việt Nam đang thay đổi, doanh thu bán lẻ từ thương mại điện tử đang tăng dần, thậm chí có thể sẽ lấn sân đại gia bán lẻ, và các nhà kinh doanh siêu thị đứng trước thách thức phải nhường thị phần cho các doanh nghiệp online. Tuy nhiên để làm được điều này, các công ty thương mại điện tử cần đạt được những quy chuẩn mà siêu thị hiện nay đang có.
Để có thể kinh doanh thương mại điện tử, đòi hỏi kênh mua sắm online phải trở thành một đại siêu thị với tiềm lực mạnh về vốn cũng như công sức đầu tư. Lấy ví dụ từ Amazon, mỗi ngày họ xử lý hàng triệu đơn hàng trong hơn 80 kho chứa, với sự hỗ trợ của 100.000 nhân viên và 10.000 robot. Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử cũng cần đầu tư kho bãi lớn hàng ngàn mét vuông, danh mục hàng hoá lên hàng chục ngàn sản phẩm và phải phân chia theo nhóm ngành hàng để thuận tiện cho người tiêu dùng. Chất lượng sản phẩm cũng cần được kiểm định, giá cả bình ổn và các chương trình khuyến mãi minh bạch, hợp lý…
Muốn vậy, các nhà kinh doanh phải đầu tư hàng triệu USD cho các hạ tầng này. Và những đơn vị mạnh vì tiền đang tỏ rõ lợi thế hơn hẳn.
Theo Thegioitiepthi