Thị trường bán lẻ Việt Nam: "Tiềm năng" đến bao giờ?

05/08/2015 02:38

Thị trường bán lẻ Việt Nam: "Tiềm năng" đến bao giờ?

Tuần trước, Công ty Arcadis công bố "Bảng xếp hạng chỉ số thị trường bán lẻ năm 2015" tại 50 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong báo cáo này, Hong Kong được xếp hạng là thị trường bán lẻ tốt nhất và dễ kinh doanh nhất cho các nhà bán lẻ trên thế giới.


Đứng ngay sau Hong Kong là một đối thủ kinh tế đáng gờm: Singapore. Điều đặc biệt là top dưới của bảng xếp hạng này xuất hiện 3 thị trường đã từng được đánh giá là tiềm năng nhất: Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.

 

Các tiêu chí đánh giá xếp hạng dựa trên 5 nhóm yếu tố quan trọng mà tất cả các nhà bán lẻ trong và ngoài nước luôn quan tâm khi xem xét đầu tư lâu dài, đó là cơ sở hạ tầng, điều kiện thiết lập và vận hành cơ sở kinh doanh, nhu cầu thị trường, môi trường kinh tế, môi trường kinh doanh.

 

Còn nhớ năm 2008, Việt Nam từng được A.T.Kearney, một công ty tư vấn hàng đầu về bán lẻ, đánh giá là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, trên cả Hong Kong, Trung Quốc, Singapore hay Malaysia.

 

Tuy nhiên, vào những năm sau đó, Việt Nam dần dần tụt hạng. Từ vị trí thứ 1 (năm 2008), Việt Nam đã rớt xuống thứ 5 (năm 2009), thứ 14 (năm 2010), thứ 23 (năm 2011), thứ 28 (năm 2014), và hiện nay đã lọt khỏi tốp 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

 

Có nhiều ý kiến cho rằng sự rớt hạng không phanh này là minh chứng cụ thể của việc thị trường không còn được như kỳ vọng khi Việt Nam mới ra nhập WTO.

 

Trong khi đó, môi trường kinh doanh lại không có nhiều cải thiện đáng kể, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, giá bất động sản cao, đội ngũ nhân công còn thiếu kỹ năng, và đặc biệt là có nhiều rào cản kỹ thuật.

 

Tổng giám đốc của một hệ thống bán lẻ quốc tế chia sẻ, đã từng làm việc gần 20 năm tại khu vực châu Á với kinh nghiệm dạn dày tại các thị trường Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản nhưng ở Việt Nam điều làm ông cảm thấy đáng sợ nhất là hệ thống pháp luật. Từ mà ông hay dùng để miêu tả là "unpredictable" (không thể dự đoán trước được).

 

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.572,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2014. Điều đáng nói là tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng mỗi năm nhưng tốc độ tăng trưởng lại ngày càng giảm.

 

 

Báo cáo về Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam vừa được Nielsen công bố vào cuối tháng 7 cũng cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng đã giảm xuống còn 104 điểm (giảm 8 điểm so với quý I) - mức giảm lớn nhất so với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện môi trường bán lẻ của Việt Nam không còn tốc độ phát triển nhanh như năm 2012.

 

Các nhà bán lẻ đã vất vả để duy trì tăng trưởng với mức tăng 2-3% trong năm qua.

 

Và lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam đạt con số không mấy lạc quan trong tháng Hai, và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm hơn 20% trong quý đầu tiên từ năm ngoái.

 

Đã nói quá nhiều đến "tiềm năng" và tư duy "tiềm năng". Nào là tiềm năng du lịch, tiềm năng thị trường bán lẻ, đến tiềm năng thị trường lao động, tiềm năng đầu tư nước ngoài...

 

Tiềm năng nhiều nhưng Việt Nam đã tận dụng và khai thác những tiềm năng đó ra sao? Thị trường lao động Việt Nam là một ví dụ.

 

Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số "vàng" với trên 55 triệu người trong độ tuổi lao động, gấp đôi số người ngoài độ tuổi lao động. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á - Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/15 so với Singapore.

 

Chỉ số năng lực sáng tạo của Việt Nam so với các nước trong khu vực xếp sau cả Malaysia, Indonesia và Lào.

 

Trong một kết quả khảo sát vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố tuần trước, có tới gần 180.000 người có trình độ đại học và trên đại học thất nghiệp trong quý I/2015.

 

Thị trường bán lẻ cũng như vậy. Trên thực tế, những đại gia bán lẻ hàng đầu thế giới vẫn chưa thực sự tham gia thị trường tại Việt Nam, có chăng chỉ mở một vài văn phòng làm đầu mối.

 

Đã đến lúc phải có tầm nhìn dài hơi cùng với quy hoạch và kế hoạch thực hiện nhất quán, bài bản. Bởi, tiềm năng chỉ mang lại giá trị nếu được khai thác và phát huy có hiệu quả.

 

 

(Theo DNSG)