Thách thức việc không-thể-hoàn-thành
09/08/2014 11:25
Can đảm thách thức việc “không thể hoàn thành” là nền tảng của sự nghiệp thành công. Không dám thách thức công việc khó là tự mình vẽ ra lằn ranh giới hạn cho tiềm năng của bản thân, biến tiềm năng vô hạn thành thành công hữu hạn.
Bạn chọn làm “dũng sĩ” hay “kẻ nhát gan”?
Không ít người tuy có đủ năng lực để thành công song lại mắc phải một nhược điểm trầm trọng là: không tin vào chính mình, thiếu lòng can đảm để vượt qua khó khăn, thử thách. Họ nghĩ rằng, nếu muốn bảo toàn công việc thì họ phải bám vào những thứ quen thuộc, còn những việc quá khó thì hãy tránh thật xa cho lành. Bởi vậy, khi bỗng dưng đụng việc khó khăn, họ sẽ tìm cách né tránh, không dám chủ động “tiến công”. Nếu chẳng may việc khó này lại rơi trúng vào họ, họ sẽ tìm mọi cớ trì hoãn. Kết cục là trong suốt cuộc đời mình, những người như vậy chỉ có thể làm được một vài việc tầm thường.
Nếu muốn thành công trong công việc, bạn cần thay đổi tâm lý tự ti, sợ bóng sợ gió. Trong mỗi con người luôn ẩn chứa những tiềm năng vô hạn, nên càng tự tin bao nhiêu, bạn càng hoàn thành được nhiều công việc và làm tốt hơn bấy nhiêu.
Can đảm thách thức việc “không thể hoàn thành” là nền tảng của sự nghiệp thành công. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Suy nghĩ của một người quyết định vận mệnh của chính anh ta”. Không dám thách thức công việc khó là tự mình vẽ ra lằn ranh giới hạn cho tiềm năng của bản thân, biến tiềm năng vô hạn thành thành công hữu hạn.
Đáng tiếc là đa phần mọi người đều quá cẩn thận dè dặt, run sợ trước điều mình chưa biết và thách thức, rất ít người can đảm đối đầu với công việc “khó có thể hoàn thành”.
Một người chủ đã miêu tả kiểu nhân viên lý tưởng theo đánh giá của ông ta như sau: “Chúng tôi rất cần những người tài giỏi có chí tiến thủ, dám đối đầu với những việc khó có thể hoàn thành”. Do đó, “dũng sĩ” dám thách thức những việc “khó có thể hoàn thành” đương nhiên phải có vị thế hoàn toàn khác trong mắt những ông chủ so với những kẻ “hèn nhát” luôn mong cầu yên ổn.
Người hèn nhát trong công việc đừng bao giờ hy vọng mình có thể lọt vào mắt xanh của người chủ. Nếu ghen tị với sự thăng tiến của người khác, bạn cần hiểu rằng thành công của họ không đến từ sự tình cờ. Trong môi trường làm việc phức tạp, chính bởi tuân theo nguyên tắc “thử sức mình với việc khó có thể hoàn thành”, họ đã tự trang bị cho bản thân một thứ vũ khí lợi hại, không ngừng cố gắng vươn lên và bộc lộ được toàn bộ tài năng của chính mình.
Tin vào chính mình - nền tảng của thành công
Nếu muốn được thăng tiến nhanh như họ, bạn đừng giữ thái độ “chỉ sợ muốn tránh mà chẳng kịp” khi công việc mà ai cũng xem là “khó có thể hoàn thành” bày ra trước mắt, càng không nên lãng phí thời gian vào việc mường tượng đến kết cục tệ hại nhất, tự khiến mình chần chừ e ngại, không dám bắt tay vào làm.
Trước tiên, bạn cần có lòng tin vào chính mình. Liên tục lặp đi lặp lại suy nghĩ “chắc chắn là không thể hoàn thành” trong đầu sẽ khiến điều tồi tệ xảy ra. Tương tự, nếu một vận động viên golf cứ liên tục nhắc nhở chính mình là “không được đánh bóng xuống hồ” và mường tượng đến cảnh quả bóng rơi xuống nước, bạn nghĩ anh ta sẽ đánh bóng đi đâu đây?
Tin vào bản thân, sẽ giúp bạn khắc phục chướng ngại vô hình này và thoát khỏi bóng đen của sự tự phủ định. Hãy để sức mạnh của sự tự tin giúp bạn hoàn thành công việc người khác xem là khó có thể hoàn thành.
Thực tế, độ khó của không ít việc “không thể hoàn thành” đã bị con người thổi phồng lên quá mức. Sau khi bình tĩnh đánh giá, gạn lọc thông tin và “đơn giản hóa” chúng, bạn luôn có thể đưa ra nhiều phương án giải quyết hợp lý.
Và cho dù sau khi thử vẫn không thể biến công việc “khó có thể hoàn thành” thành “được hoàn thành” thì bạn cũng đừng vội nản chí, thất vọng. Những cấp trên hiểu biết, giàu kinh nghiệm chắc chắn không chỉ chú trọng đến mỗi kết quả khi đánh giá bạn; họ sẽ xem xét, cân nhắc đến thái độ không ngại việc khó cùng tác phong siêng năng, tìm tòi học hỏi của bạn. Hơn ai hết, họ hiểu rằng, không phải mọi cố gắng đều dẫn đến thành công. Bởi vậy, bạn vẫn sẽ là “dũng sĩ” được sếp trân trọng tin dùng. Song song đó, những kinh nghiệm, những đền đáp bạn nhận lại từ việc đó sẽ luôn là thứ mà những người nhát gan mãi mãi chẳng thể nào có được; đó chính là những vốn quý giúp bạn đi đến thành công.
Trích “Bạn đang làm việc cho ai?”