Sự thật về lập kế hoạch và thực hiện khi khởi nghiệp
04/10/2014 10:15
Để tìm ra định hướng, để có kim chỉ nam cho doanh nghiệp những nhà khởi nghiệp cần có một kế hoạch kinh doanh. Kế hoạch này sẽ giúp doanh nghiệp có thể hiểu chính bản thân mình và đưa ra được những định hướng đúng cho hiện tại và cho tương lai. Sau đây là những lời khuyên về cách lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch trong kinh doanh từ Guy Kawasaki.
1. Hãy soạn và điều chỉnh bản đề cương, sau đó hãy viết bản kế hoạch chi tiết. Cần thật cụ thể để cho ban quản lý nắm chắc mục tiêu (cái gì), chiến lược (như thế nào) và chiến thuật (khi nào, ở đâu, và ai), đây là nỗ lực của một nhóm người nhưng quan trọng nhất là CEO.
Kế hoạch không phải là cái để bạn bám dính vào mà cần linh động trước những cơ hội mới, mau lẹ thay đổi khi học được nhiều hơn về thị trường.
2. Về đề án tài chính, nên hứa ít làm nhiều. Hãy cho cả nhóm quản lý xem những dự đoán của bản kế hoạch và yêu cầu họ phản hồi trung thực. Tốt hơn nên dự báo lại mỗi quí một lần.
Đừng để chi phí vượt quá doanh thu, cần hợp tác với nhà đầu tư của bạn. Hãy tính toán bạn mất bao nhiêu và lợi nhuận bao nhiêu theo mỗi đơn vị.
Trình bày các dự án và kết quả theo một mô hình giống nhau. Bản báo cáo thể hiện cách dự báo của bạn thay đổi theo thời gian. Không bao giờ bỏ qua một chi phí nào của dự án. Đừng tạo tình trạng mơ hồ, đó là yếu tố quyết định chất lượng của dự án tài chính.
3. Bạn phải tạo ra được điều gì đó để có động lực và hưng phấn khi thực thi. Tiếp theo là đặt mục tiêu với tiêu chí có thể đo được, có thể đạt được, có tác dụng thực tế bền vững, giảm các mục tiêu mang tính cảm tính. Sau đó truyền đạt mục tiêu cho tổ chức rồi thiết lập quan điểm duy nhất về trách nhiệm đối với nhân viên. Theo sát vấn đề cho đến lúc hoàn thành, khen thưởng cho người đạt mục tiêu, xây dựng văn hóa thực thi như là một cách sống của mọi người trong tổ chức.
4. Sau giai đoạn thành lập, một số vấn đề xuất hiện, cần phải giải quyết:
- Vấn đề một người trong nhóm sáng lập làm việc không có hiệu quả: nên chuyển anh ta làm một vị trí khác, nếu anh ta không muốn thì “chào tạm biệt”.
- Vấn đề sản phẩm bị chậm: có thể do thiếu kinh nghiệm, phỏng đoán vô căn cứ hay do áp lực. Dứt khoát thay đổi vai trò của mọi người, xem lại tính phức tạp của sản phẩm, nhận lỗi và thương lượng với nhà đầu tư.
- Vấn đề kinh doanh không như dự án: hãy họp và xác định điều gì đang thực sự diễn ra, sau đó hãy chọn bất cứ loại hình kinh doanh nào bạn có thể.
- Vấn đề nhóm không hòa thuận: phải có cái nhìn mới, hãy cho mọi người một cơ hội và cần thời gian để hoàn thiện sản phẩm, khắc phục kinh doanh kém. Khi kinh doanh phát đạt nhóm sẽ hoàn thuận.
- Vấn đề bị dư luận chỉ trích: tự kiêu tự đại là nguyên do chính, hãy chuyển hàng của bạn đi, hãy sửa chữa để hàng tốt hơn, làm cho khách hàng hài lòng và hãy lấy lòng báo giới.
- Vấn đề nhà đầu tư mạo hiểm quản lý vi mô với công ty: có thể do bạn làm sai điều gì đó hoặc có vấn đề ngoài tầm kiểm soát của bạn. Hãy chuyển chàng, bán hàng được thành công, nhà đầu tư mạo hiểm sẽ hài lòng.
- Vấn đề đại lý PR/ quảng cáo thiếu hiệu quả: hãy cử phó hoặc giám đốc marketing làm việc thường xuyên với họ.
- Vấn đề hết vốn trước khi thu hút được thêm: có thể do doanh thu thấp, kế hoạch sai. Để khắc phục, hãy cắt giảm chi phí marketing, ngừng thuê thêm người, nhận thực tập sinh các trường, giảm chi trả cho quản lý, kêu gọi những người đồng sáng lập rót thêm tiền. Thực hiện công việc tư vấn một lần để tăng dòng tiền mặt.
5. Để cải thiện tình hình, bạn tập trung vào dòng tiền mặt, chứ không phải khả năng thu lợi. Nên bắt đầu kinh doanh việc có yêu cầu vốn ít, vòng quay kinh doanh ngắn, kỳ thanh toán ngắn, doanh thu đều đặn. Khi sản phẩm hoặc dịch vụ “tốt vừa đủ” hãy sản xuất nó, tiền mặt sẽ chảy về. Phát triển kinh doanh ngành dịch vụ sẽ đem lại doanh thu ngay lập tức.
6. Về việc họp ban quản trị: hãy bắt đầu họp vào buổi sáng, khi mọi người còn tỉnh táo và không bị chi phối bởi các chuyện khác. Gạt bỏ những điều vô nghĩa, không được lăng mạ người khác. Khi bạn không biết hãy thừa nhận không biết, đừng phớt lờ câu hỏi. Nếu có tin gì xấu hãy cho từng thành viên biết trước để họ bình tĩnh, suy nghĩ giải pháp cùng bạn giải quyết vấn đề. Trình bày ý tưởng của mình và thuyết phục mọi người phản hồi. Trình bày các giải pháp chứ không phải đặt vấn đề bằng các câu hỏi. Tóm lại, ngắn gọn, quy củ đem lại thông tin hữu ích và sự sáng tạo.
Vân Anh (Theo Guy Kawasaki)
www.nhuongquyenvietnam.com