Chuyện khởi nghiệp ở vùng đất của pharaoh
10/11/2015 12:33
Người ta biết gì về Ai Cập, bên cạnh những kim tự tháp hùng vĩ và kỳ bí nhất lịch sử nhân loại, các cuộc nội chiến hoặc gần đây nhất là việc một chiếc máy bay của Nga rơi ở nước này làm 224 người thiệt mạng? Chỉ đến khi vượt qua tất cả bụi bặm của sa mạc và những lo lắng về an toàn bản thân, thâm nhập cùng sinh viên Ai Cập, chúng ta mới cảm nhận hết được khát vọng và năng lượng sáng tạo khởi nghiệp của con cháu của các pharaoh.
May mắn được mời tham dự Teche Summit, hội nghị về startup lớn nhất châu Phi, chúng tôi cảm nhận được sự chênh lệch, sự thiệt thòi trong giáo dục và định hướng nghề nghiệp giữa giới trẻ Ai Cập và Việt Nam. Ở Ai Cập, mỗi năm hệ thống giáo dục nội địa phải nhận vào 1,2 triệu sinh viên mới, 30% cao hơn con số thật mà họ có thể đào tạo và nhiều gia đình còn không đủ tiền để trả khoản học phí 100 USD mỗi tháng. Chính vì vậy, khi được gặp Ahmad El Alfi, người tạo lập Nafham (nghĩa là “Em hiểu” trong tiếng Arập) – trang web dạy và học miễn phí dành cho trẻ em Ai Cập, chúng tôi bất ngờ khi được biết, đây là dự án của năm doanh nghiệp cùng tự nguyện bỏ sức (phi lợi nhuận) để nuôi dạy một thế hệ thanh niên mới cho nước họ. Nafham, sau ba năm hoạt động, hiện tại họ đã cung cấp toàn bộ giáo trình ba bậc phổ thông ở Ai Cập, Arập Saudi và hơn 50% giáo trình của Syria. Họ đem giáo dục đến với hơn 1,2 triệu trẻ em Ai Cập.
Bên cạnh Nafham, chúng tôi được gặp chính thế hệ trẻ mà họ đang nuôi dưỡng. Omar Markesh, sinh viên năm hai đại học Alexandria, hào hứng thảo luận với Kelly Trần, giám đốc phát triển kinh doanh của Misfit – một startup công nghệ thuần Việt, về việc cậu đang phát triển những con “drone” để phục vụ cho việc khám phá kim tự tháp, tưới tiêu nông nghiệp và giao nhận.
Ngôn ngữ hàng ngày của cậu và các bạn là những thứ liên quan đến “Cloud Computing” (điện toán đám mây), về AI (trí thông minh nhân tạo), là bàn về việc nên quản lý đám “drone” của mình theo kiểu tập trung hay phân tán thành những nhóm nhỏ… Họ được tắm mình trong nắng gió Địa Trung Hải và những ý tưởng hiện đại đến mức nhiều diễn giả của hội nghị Teche bị ngỡ ngàng khi được hỏi.
Ai Cập, té ra không kỳ thị, nguy hiểm và bảo thủ như người ngoài nhìn vào. Họ sẵn sàng dành hàng giờ để thuyết trình về ý tưởng khởi nghiệp của mình trước một ban giám khảo đa sắc tộc và hàng trăm người có thể là đối thủ của họ. Họ đối đáp bằng một thứ tiếng Anh “chuẩn của chuẩn” – điều mà người Việt Nam còn thiếu để bước ra thế giới. Họ cười đùa, sẵn sàng chấp nhận việc bị phê phán và ngay sau đó hỏi hàng chục câu hỏi để có thể phá bỏ những trở ngại trong dự án của mình.
Thanh niên Ai Cập không bị “cuốn” theo bất kỳ “trend” nào mà họ thật sự nhìn thấy những khó khăn trong cuộc sống và mong giải quyết được chúng. Các dự án bao gồm đủ các ngành, từ giáo dục (một dự án giúp học sinh cấp 3 sắp tốt nghiệp tìm chương trình đại học phù hợp với trình độ qua việc đo sinh trắc học và thành tích), nông nghiệp (“drone” của Omar Markesh), sinh học…
Ahmed, người hướng dẫn viên già, than rằng đất nước của ông năm năm qua chìm trong nội chiến và tôi là người khách đầu tiên của ông trong ba tháng qua. Nhưng khi hỏi ông có buồn không, ông định làm gì, Ahmed trả lời: “Tôi già rồi, nhưng vẫn dành nhiều giờ mỗi ngày học thêm tiếng nước ngoài, vẫn dịch sách, vẫn mong chờ những người như anh đến đây để tôi có thể giới thiệu về đất nước Ai Cập xinh đẹp và để giữ chân anh quay lại, đem những cơ hội (đầu tư) mới cho con cháu chúng tôi”.
Rõ ràng, chiến tranh, 93% diện tích quốc gia là sa mạc và những cách biệt về tôn giáo không ngăn được trí tưởng tượng và chí tiến thủ của con người Ai Cập. Thử hỏi, Việt Nam chúng ta đang làm gì và đang ở đâu?
Theo Thegioitiepthi