Khởi nghiệp Copycats: Ý tưởng không tồi chút nào

03/11/2015 11:30

Khởi nghiệp Copycats: Ý tưởng không tồi chút nào

Khởi nghiệp bằng cách nội địa hóa các mô hình kinh doanh thành công, chiếm lấy thị phần sân nhà và bắt đầu cải tiến liên tục là một hướng đi khôn ngoan và hấp dẫn. Mục tiêu là giành lấy thị phần nhanh nhất có thể.


Vì ý tưởng cũng chỉ là ý tưởng

 

Trên thực tế, Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn 100 triệu dân với rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Trong khi đó, thị trường startup ở các nước phát triển có sẵn những mô hình kinh doanh đã thành công và được kiểm chứng, như Amazon, Groupon, Uber...

 

Ý tưởng chắc chắn là khởi đầu cho hành trình khởi nghiệp, nhưng thực thi mới là yếu tố sống còn. Các copycats (startup có mô hình kinh doanh sao chép) sẽ không mất quá nhiều thời gian dò dẫm làm phép thử đúng - sai mô hình của mình mà sẽ thừa hưởng kinh nghiệm của các startup thành danh, điều chỉnh để phù hợp với thị trường nội địa mà mình đã am hiểu và ra mắt sản phẩm sớm nhất có thể.

 

Khác với các sáng chế, mô hình kinh doanh không thuộc sở hữu của riêng ai và bạn có thể áp dụng bất kỳ mô hình kinh doanh nào một cách hợp pháp.

 

Trong cuốn sách Copycats nổi tiếng của mình, Oded Shenkar nhận xét rằng “Những startup tiên phong cuối cùng sẽ chiếm khoảng 7% thị phần, các startup sao chép chiếm phần còn lại”. Tất nhiên con số 7% có phần không hợp lý, nhưng rõ ràng miếng bánh dành cho các copycats là không hề nhỏ chút nào.

 

Rất nhiều startup hàng đầu Việt Nam khởi nghiệp với mô hình kinh doanh sao chép

 

Copycat có thể chia ra làm 3 loại: sao chép nguyên bản, sao chép có chỉnh sửa và sao chép cách thức. Sao chép nguyên bản có thể lấy ví dụ như Foody và Yelp của Mỹ, với bố cục, thị trường mục tiêu và ngay cả màu sắc chủ đạo gần như hệt nhau, hay Alibaba với Amazon, Coccoc Search và Google Search, Haravan với Shopify, Zalo và Wechat, Haivl và 9gag.

 

Sao chép có chỉnh sửa có thể kể đến Grab Taxi với Uber, với sự khác biệt trong cách thức thanh toán, chọn lái xe, cũng như chính sách, nhưng cùng phục vụ thị trường vận chuyển theo kiểu chia sẻ với sự hỗ trợ của ứng dụng mobile, copycat loại này còn có Wiindi chỉnh sửa từ mô hình của Pinterest nhưng tập trung vào thời trang.

 

Cuối cùng là sao chép cách thức, đây là những công ty có thể mô tả nhanh như là “Uber của y tế”, “Airbnb dành cho người già”, các ví dụ như Ahamove của Giaohangnhanh là “Uber trong vận tải”, Lozi là “Pinterest của ẩm thực” hay PIF là “Tinder dành cho doanh nhân khởi nghiệp”.

 

 

Các quỹ đầu tư cũng thích copycat

 

Các nhà đầu tư muốn an toàn cho nguồn vốn của họ nên một mô hình đã được kiểm chứng sẽ khiến họ an tâm hơn trong quyết định đầu tư. Nguyễn Hoàng Trung, CEO của Lozi, cho biết, anh đã từng gặp rất nhiều các nhà đầu tư và nhận được câu hỏi: “Thế cuối cùng thì mô hình của anh có giống với mô hình nào trên thế giới không?”.

 

Anh chia sẻ, “Các nhà đầu tư không muốn mạo hiểm đồng tiền của mình vào những ý tưởng mới tinh từ các startup Việt Nam. Họ muốn một mô hình an toàn hơn, đã được kiểm định trên thế giới”.

 

Hãy tưởng tượng các đối thủ cùng tiếp cận nhà đầu tư này, nếu các chỉ tiêu về đội ngũ quản lý, kết quả hoạt động, tiềm năng thị trường là tương đương, mô hình copycat sẽ có nhiều cơ hội gọi vốn thành công hơn.

 

Ông Phạm Hợp Phố - Phó Tổng giám đốc quỹ đầu tư IDG Ventures Việt Nam (IDG) cũng cho biết quỹ này đã đầu tư vào một số công ty có những ý tưởng được copy từ nước ngoài, miễn là dự án phù hợp với thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, có những dự án mà đơn vị nghĩ ra ý tưởng ban đầu làm không hiệu quả bằng người làm sau nên IDG vẫn chọn đơn vị “copy” để đầu tư.

 

Làm thế nào để tìm ra một mô hình phù hợp

 

Hãy bắt đầu với những quan sát thường nhật nhất của bạn. Bạn bức bối với những dịch vụ, sản phẩm nào, bạn muốn sửa nó chỗ nào, rồi nghĩ về những startup thành công trên thế giới mà bạn biết, họ có cách làm nào tương tự với điều bạn vừa nghĩ ko.

 

Nếu có, dường như bạn vừa bước đầu nội địa hóa một mô hình kinh doanh nức tiếng. Nếu không, hãy tiếp tục quan sát và lần này điều chỉnh thị trường mục tiêu gần giống với startup gốc. Nếu thị trường đó chưa được khai phá hoặc bạn tin rằng vẫn còn dư địa, hãy mạnh dạn tiến vào.

 

Một ví dụ đơn giản, bán hàng online quy mô nhỏ mở ra rất nhiều ở Việt Nam, ngoài kênh Facebook các shop này cần có trang web và các công cụ khác hiệu quả để quản lý và giao tiếp với khách hàng, các dịch vụ thiết kế web đều gặp vấn đề chi phí cao hoặc phức tạp khó tùy biến.

 

Lấy cảm hứng từ Shopify cung cấp toàn bộ giải pháp cho những cửa hàng online từ web, quản lý facebook cho đến các công cụ nhỏ hỗ trợ giải đáp khách hàng, phân tích dữ liệu marketing, Haravan đã ra đời với các tính năng tương tự nhưng hỗ trợ khách hàng tốt hơn vì sử dụng Tiếng Việt, cung cấp các tính năng đặc thù cho thị trường nội địa với cách tính giá theo kiểu thuê bao, trong đó gói cơ bản chỉ tương đương 10$/ tháng.

 

Cuối cùng, đã chọn con đường copycat, bạn cần nhớ từng lời trong 7 lời khuyên sau:

  1. Năng lực thực thi là tối quan trọng (hiển nhiên)
  2. Đội ngũ quản trị không bao giờ ngừng tham vọng
  3. Chú trọng vào tốc độ phát triển, cải tiến quy trình Lên kế hoạch cho việc bành trướng.
  4. Tối đa 3 tháng phải đạt được một cột mốc mới.
  5. Nâng cao công nghệ.
  6. Luôn chuẩn bị cho những vòng gọi vốn tiếp theo.
  7. Có kế hoạch thoái vốn rõ ràng cho các nhà đầu tư.

 

Theo Trí Thức Trẻ