SCIC rút vốn khỏi Vinamilk: Không lo DN ngoại thâu tóm
09/09/2015 06:24
Có trường hợp, doanh nghiệp Việt chủ động ‘bán mình’ cho đối tác ngoại. Thêm Vinamilk cũng không có gì đáng ngại.
Quyết định cho SCIC rút vốn hoàn toàn khỏi Vinamilk của Bộ KHĐT, theo PGS.TSKH Phương Ngọc Thạch là khá bất ngờ, nó không đơn giản là quyết tâm trả lại doanh nghiệp cho thị trường mà nó còn là câu chuyện cân bằng lợi ích tại doanh nghiệp này.
Báo Đất Việt xin đăng tải nguyên văn bài viết của vị chuyên gia về câu chuyện này.
Cân lợi ích?
Trong Đề án tái cơ cấu SCIC được phê duyệt cuối tháng 12/2013, SCIC vẫn cho biết sẽ được nắm giữ, đầu tư dài hạn vốn tại 4 doanh nghiệp gồm có: CTCP Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE); CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom); CTCP dược Hậu giang; CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Vinamilk có vốn điều lệ 1.590 tỷ đồng, sau 2 đợt bán đấu giá cổ phần, số cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước chỉ còn chiếm 50,01%. Tính theo giá trị thị trường, 45% cổ phần của Vinamilk mà SCIC đang nắm giữ có trị giá gần 57.000 tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD.
Vinamilk là doanh nghiệp sữa lớn nhất cả nước, mỗi năm đóng góp cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Bộ KHĐT quyết định cho SCIC rút hoàn toàn vốn khỏi Vinamilk, rời bỏ "con gà đẻ trứng vàng" này trong bối cảnh khá phức tạp.
VNM đã trở thành công ty có cơ cấu cổ đông tổ chức đa dạng, trong đó cổ đông nước ngoài nắm giữ tới 49%, tỷ lệ sở hữu của SCIC có xấp xỉ 41%. Là lý do, thời gian qua có nhiều ý kiến về chuyện SCIC nắm gần nửa cổ phần và cuộc chiến quyền lực ngầm tại "hậu trường" của Vinamilk. Cần lưu ý là có những thay đổi cán cân quyền lực tại thượng tầng của Vinamilk.
Như vậy, quyền lực của SCIC tại Vinamilk vốn đã bị hạn chế bởi quyền quyết định thuộc về khối nhà đầu tư ngoại (nắm tới 49% lượng cổ phần), nay càng hẹp hơn khi Chủ tịch HĐQT lại là thành viên độc lập. Đây không phải thể hiện quyết tâm trả doanh nghiệp về với thị trường của Việt Nam, mà là đấu tranh lợi ích nhóm trong nội bộ SCIC và Vinamilk. Nếu Vinamilk chỉ là doanh nghiệp nhỏ, câu chuyện sẽ không ầm ĩ và nóng như vậy. Song đây là doanh nghiệp sữa lớn nhất cả nước và luôn kinh doanh hiệu quả, đem lại nguồn lợi rất lớn cho những người có quyền lực điều hành Công ty.
Thêm một Vinamilk cũng chẳng sao
Tính theo giá trị thị trường, 45% cổ phần của Vinamilk mà SCIC đang nắm giữ có trị giá gần 57.000 tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD. Đây là số cổ phần lớn và cần có nguồn vốn không nhỏ, vì vậy việc bán cổ phần nhà nước ở Vinamilk cần đảm bảo giá trị của doanh nghiệp chứ không phải lo sợ Vinamilk không tiếp tục phát triển, vì thương hiệu của Vinamilk khá lớn.
Các doanh nghiệp FPT cũng như Vinamilk đã khá thành công là những thương hiệu lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Việc bán cổ phần nhà nước ở Vinamilk nên được thực hiện như các doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu bán cổ phần. Có thể doanh nghiệp nước ngoài sẽ mua toàn bộ cổ phần bán, thâu tóm Vinamilk. Vinamilk sẽ tiếp tục phát triển.
Còn về lo ngại những tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam đang thuộc về hoặc chịu sự chi phối của các tập đoàn nước ngoài, liệu điều này có lặp lại với Vinamilk?
Trong những năm qua cho thấy tình trạng doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp có thương hiệu trong nước tăng lên đáng kể. Xuất hiện tại Việt Nam dưới hình thức liên doanh nhưng Coca Cola lần lượt loại bỏ từng đối tác của mình để trở thành công ty 100% vốn nước ngoài. Giống Coca Cola, Unileve và Colgate hất cẳng đối tác Việt để ‘nuốt’ trọn kem đánh răng Việt. Không chỉ kem đánh răng, nhiều nhãn hiệu bột giặt của Việt Nam cũng bị công ty nước ngoài “nuốt trôi” sau một thời gian ngắn liên doanh.
Tập đoàn Lotte Hàn Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, khiến thị trường bánh kẹo, hệ thống bán lẻ... của các doanh nghiệp cùng ngành tại Việt Nam "chao đảo", trong đó có cả doanh nghiệp Bibica. Công ty bảo hiểm nhân thọ của Bảo Minh CMG bị mua lại bởi công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi của Nhật Bản. Có trường hợp, doanh nghiệp Việt chủ động ‘bán mình’ cho đối tác ngoại vì mục tiêu tài chính. Như vậy doanh nghiệp nước ngoài có thâu tóm Vinamilk, điều đó không có gi lo ngại.
Cần ưu tiên doanh nghiệp nội
Vậy trong trường hợp của Vinamilk có nên có chính sách ưu tiên các nhà đầu tư trong nước hay không? Dư luận đã không ít lần lên tiếng về vai trò của SCIC, Nhà nước không nên đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có những lợi thế đầu tư. Mục tiêu của nhà nước chỉ làm những việc mà tư nhân, FDI không muốn làm.
Việc thoái bớt vốn Nhà nước tại Vinamilk, lấy tiền đó đầu tư vào các ngành trọng điểm nắm vị trí then chốt, yết hầu, đầu vào của sản xuất, đầu tư vào cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông..), khoa học công nghệ, quốc phòng. Cần có chính sách ưu tiên đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hãy tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước, không thể ưu đãi FDI quá mức.
FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu khai thác nguồn lao động phổ thông lương thấp của VN và thị trường rộng lớn của Việt Nam 90 triệu dân. Điều này cũng đã xảy ra ở Trung quốc và các nước ASEAN. Một “điệp khúc” lặp lại nhiều lần ở châu Á là: Khi lương và thu nhập tại các nước thành công tăng lên, cánh cửa cơ hội mở ra cho những “tân binh” có chi phí sản xuất thấp hơn. “Việt Nam đang là tay chơi trong lĩnh vực này”. Một khi chi phí nhân công tăng, đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục “cuộc di cư” sang các quốc gia có chi phí nhân công rẻ hơn.
Việt Nam sẽ để mất thị phần vào tay Campuchia, Lào hay Myanmar – những quốc gia đang có lợi thế so sánh hấp dẫn về nhân công đối với các nhà sản xuất quốc tế. Đây là bài học không những cho Việt Nam, mà cả cho quốc gia khác. Muốn thu hút FDI hiệu quả, chính sách nhà nước phải khôn khéo không nên kỳ vọng nước khác mang lại lợi ích cho nước mình.
Theo Báo Đất Việt