Sao phải vội vàng khi rủi ro vẫn còn tiềm ẩn?

06/09/2015 12:25

Sao phải vội vàng khi rủi ro vẫn còn tiềm ẩn?

Sự phục hồi của thị trường trong tuần cuối tháng 8 được đánh giá là lỏng lẻo do không có dòng cổ phiếu dẫn dắt. Và thị trường những ngày đầu tháng 9 đang là đấu trường thử thách tâm lý giữa người mua và người bán.


Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 9, các công ty chứng khoánđồng loạt khuyến nghị nhà đầu tư hãy thận trọng.

 

Những tháng 9 trong lịch sử

 

Thống kê tình hình thị trường chứng khoán tháng 9 trong 6 năm trở lại đây, chỉ có 3 năm các chỉ số có sự tăng trưởng so với tháng 8. Và mặc dù có 5 năm thanh khoản tăng, thậm chí là tăng mạnh so với tháng 8 nhưng hầu hết trong tháng 9 của các năm, khối ngoại đều bán ròng mạnh.

 

CTCK Rồng Việt đã có một bản thống kê như sau:

 

 

Trong 3 phiên đầu tháng 9 năm nay, hành động của khối ngoại vẫn là bán ròng, dù việc bán ròng này có bị ảnh hưởng bởi giao dịch tại cổ phiếu HAG.

 

Sự phục hồi lỏng lẻo của thị trường những ngày cuối tháng 8

 

Thị trường chứng khoán tháng 9 mới bắt đầu được 3 phiên giao dịch với 2 phiên giảm và 1 phiên tăng, tổng mức giảm hơn 8 điểm đối với VN-Index và 0,6 điểm đối với HNX-Index. Nhưng điều khiến người ta bận tâm hơn là mức thanh khoản càng lúc càng giảm, đặc biệt là trong phiên giao dịch ngày cuối tuần vừa qua. Sàn HOSE chỉ có hơn 65 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, sàn HNX thậm chí chỉ khớp lệnh có 29 triệu cổ phiếu – thấp nhất trong vòng 4 tháng nay.

 

Nhìn lại thị trường trong tháng 8, các chỉ số đã có 2/3 thời gian chìm trong sắc đỏ, đặc biệt là phiên 24/08 – phiên được gọi là “thứ 2 đen tối” với mức giảm 29,37 điểm của VN-Index và 4,51 điểm của HNX-Index. Sau mức giảm sâu như vậy, các chỉ số đã có sự phục hồi lớn vào tuần cuối của tháng và VN-Index đóng cửa ngày cuối tháng tại mức 567,75 điểm, giảm 7,34% so với đầu tháng, tăng nhẹ 3,73% so với đầu năm. Tuy nhiên tổng kết tháng, khối ngoại đã bán ròng mạnh với tổng giá trị bán ròng cả hai sàn lên đến 444 tỷ đồng.

 

Sự phục hồi này được đánh giá là lỏng lẻo do không có nhân tố dẫn dắt. Nhà đầu tư không nhận thấy một dòng cổ phiếu nào có khả năng dẫn dắt thị trường và việc tăng điểm tại một số cổ phiếu trụ cột có vẻ là sự phục hồi mang tính kỹ thuật khi giá cổ phiếu đã gẫy trend từ trước đó. Bởi thị trường không có nền tảng vững chắc, những phiên giảm điểm tiếp theo đó cũng không quá bất ngờ.

 

Khi tháng 9 mở đầu với thanh khoản suy kiệt…

 

Từ thống kê các tháng 9 năm trước, có thể thấy mức thanh khoản thấp trong những ngày qua thể hiện sự thận trọng của nhà đầu tư hơn các năm trước. Thực sự, sau biến động dồn dập về tỷ giá, đứng trước mối lo về việc FED nâng lãi suất trong tháng này và tiến trình đàm phán hiệp định TPP không như mong đợi thì thị trường đã rơi vào vùng trũng thông tin đầy những e ngại.

 

Có ý kiến cho rằng thị trường lúc này như người vừa ốm dậy, mới chỉ ăn cháo chứ ăn được cơm. Trong 3 phiên thanh khoản cao nhất gần đây là ngày 21/8, 24/8 và 25/8 thì người muốn mua đã mua, còn người muốn bán đã bán được. Do nhu cầu mua bán đã được “giải tỏa”, những ngày này, thị trường đang là đấu trường thử thách tâm lý giữa lực lượng cung cầu còn lại.

 

Về phía cầu, lượng cầu đang yếu và nhiều nhà đầu tư đang đứng ngoài thị trường. Có thể hiểu được điều này khi sau gần 1 tháng điểm số lao dốc, nhiều tay chơi đã bị thị trường đánh gục (nhất là nếu sử dụng margin cao), kể cả trong 4 phiên xanh điểm hồi cuối tháng 8, nhiều người nghi ngại không dám nhảy vào.

 

Ở phía ngược lại, lượng cung cũng thấp và là cung giá cao. Điều đó khiến cho thị trường không giảm sâu trong phiên cuối tuần qua.

 

Đây là thời gian để người chưa kịp hành động chờ đợi một tín hiệu, một cơ hội để mua bán. Đối với người muốn mua, nghỉ ngơi và chờ đợi cũng là một chiến lược đầu tư, và không có gì phải vội vàng khi rủi ro vẫn còn tiềm ẩn.

 

 

Theo Trí thức trẻ