Ra trường, thất nghiệp, không xu dính túi... tất cả dạy cho tôi những gì?
04/10/2014 10:26
Quan trọng nhất là "thái độ", mọi chuyện chỉ là tạm thời và cuối cùng là luôn "tin tưởng".
Tôi đã làm y như người ta bảo: Vào đại học, vay ngân hàng để đi học, ra trường đúng hạn. Tại sao ra trường ba tháng rồi tôi vẫn thất nghiệp?
Năm 2010, tôi tốt nghiệp Đại học Bang San Diego, cứ tưởng sẽ bắt đầu được một sự nghiệp sáng giá trong ngành sale hay quản trị quốc tế nhưng cuối cùng lại vỡ nợ và phải về nhà.
Tôi đã sai lầm khi cho rằng cầm một tấm bằng bốn năm đại học trong tay là đủ để bước chân qua cánh cửa của mọi công ty. Nếu bấy giờ là... những năm 1980 thì điều đó có thể, tiếc thay bây giờ đã là thập niên của năm 2010.
Nói theo một nghĩa nào đó, tôi lại phải bắt đầu sự nghiệp giáo dục bản thân lại từ đầu. Vào đúng lúc thất nghiệp khó khăn ấy tôi đã tự bồi dưỡng những thói quen, kỹ năng giúp mình có cơ hội vươn tới công việc trong mơ.
Đọc và học không ngừng nghỉ
Tôi bắt đầu lao vào đọc những thứ liên quan tới kinh doanh, marketing và công nghệ. Do tình trạng tài chính bi đát, tôi không đủ tiền mua sách của Barnes & Noble, thế nên tôi đã làm những gì mà một sinh viên mới ra trường đang thất nghiệp nhưng đầy ắp tham vọng và nghị lực có thể làm: Ngày nào tôi cũng tới tận Barnes & Noble, cầm sách và đọc đến khi nào hết hoặc khi đôi mắt đã thấm mệt.
Tôi đã đọc vô số sách nhờ cách "tiết kiệm" đó, tôi nói điều này không phải để khoe khoang mà chỉ để giải thích rằng, khi người ta khao khát một thứ gì đó, gần như không gì có thể cản đường họ.
Có bậc thầy dẫn dắt để đi đúng đường
Một lần nọ tôi đọc được cuốn "One Simple Idea" của tác giả Stephen Key, chương đầu kể rằng ông lớn lên ở Bắc California, dần dần ông đã bước chân được đến thị trấn nông nghiệp nhỏ bé của Modesto để nuôi sống gia đình.
Tôi hết sức bất ngờ vì không thể tin rằng Stephen Key, tác giả yêu thích của tôi, người chủ tọa đàm của những cuộc hội thảo tôi từng tham gia, người đã thay đổi suy nghĩ của tôi về bán hàng bằng cold-calling (thuật ngữ chỉ việc tiếp cận khách hàng tiềm năng bằng điện thoại, tuy nhiên khách hàng thường không thích thú với việc này), hóa ra đã có một thời gian lâu dài sống ở ngay chính quê hương tôi.
Tôi đã bấm điện thoại cả tiếng đồng hồ để soạn cho ông một bức thư ngắn và ngày hôm sau thì nhận được lời phản hồi rất thân thiện. Mùa hè năm đó chúng tôi quen biết nhau. Sau ba năm, tới tận bây giờ, Stephen vẫn là người thầy, người bạn tuyệt vời, khuyên bảo và dẫn dắt tôi trong cả cuộc sống lẫn sự nghiệp.
Một trong những khó khăn cho những ai xuất thân từ vùng đất nhỏ đó là không có thầy giỏi về kinh doanh để học hỏi, họ nghĩ rằng trở thành một doanh nhân thành đạt là điều không thể. Vậy chẳng lẽ chỉ những người đến từ thành phố lớn mới thành công?
Không hề, chính Stephen từng sống ở vùng quê nhỏ của tôi đó thôi, ông đã thành công thì tại sao tôi lại không thể? Còn trên cả khuyên bảo và dẫn dắt, ông đã chứng minh cho tôi thấy rằng đường tới ước mơ không chỉ khả thi mà còn rất gần nữa.
Ông nói với tôi rằng thái độ làm nên thành công nhiều hơn cả bằng cấp hay quan hệ. Nói cách khác, ông đã tin tưởng tôi trước cả khi tôi dám đặt niềm tin vào bản thân.
Đừng ngần ngại đi xin lời khuyên
Arman, một người bạn đại học của tôi, được Google nhận vào làm việc. Một trong những điều tôi học được từ Stephen là đừng sợ cái việc đi xin lời khuyên, nhất là từ những người đang làm thứ mà bạn muốn.
Tôi bèn hỏi Arman làm thế nào cậu ấy vào được Google, liệu tôi có thể làm điều gì tương tự không. Arman chỉ cho tôi một cách rất hào hứng, còn giới thiệu tôi cho người anh em họ của cậu ấy đang làm tuyển dụng cho một start-up tên là Zimride. Công ty này vừa hay đang tìm kiếm nhân viên bán hàng cấp thấp.
Mấy tháng sau, tôi được Zimride phỏng vấn. Tuy thiếu kinh nghiệm nhưng cuối cùng tôi cũng được Zimride cho thử việc một tháng. Tôi đã có cơ hội, nếu làm việc chăm chỉ, vượt mục tiêu công ty đặt ra, tôi sẽ có thể được vào làm full-time.
Một tuần trôi qua, tôi được chủ tịch Johm Zimmer gọi vào nói chuyện. Tôi háo hức mong chờ được nghe chủ tịch chia sẻ về tầm nhìn, kế hoạch cho công ty và những gì tôi có thể góp sức. Nhưng mọi thứ không như tôi tưởng, hóa ra đội sale phải thay đổi cấu trúc, và vị trí của tôi bị xóa sổ.
Tôi mất việc, dù chủ tịch John có nhấn mạnh rằng điều đó không phải do biểu hiện của tôi không tốt. Mới được một tuần đã mất việc, tôi tới San Francisco để chuẩn bị cho kế hoạch khác.
Làm luôn đi! Không có "lúc khác" đâu!
Một tuần sau, tôi đã có mặt ở Palo Alto và ăn trưa cùng người bạn cùng phòng mới tên là Stefan. Để trấn tĩnh tôi, cậu ta giới thiệu rằng mình có vài người bạn ở Google, Facebook và không quên nhắc tôi ở Palo Alto có rất nhiều start-up, ví dụ như Waze, một trong những công ty lớn nhất làm về app giao thông và định vị.
Tôi đã nghe nói nhiều về Waze nhưng trước đó cứ ngỡ công ty chỉ có ở Israel, nên tôi rất tò mò không hiểu văn phòng ở Mỹ sẽ như thế nào. Tôi lấy ngay điện thoại ra tìm kiếm trang chủ của Waze, và thấy công ty đang tuyển thực tập PR, chuyên phát triển các chiến dịch social-media và làm các nhiệm vụ marketing khác. Tôi đã có kinh nghiệm trong mảng này và tôi biết mình có thể làm được.
Chỗ chúng tôi ngồi cách Waze có một đoạn. Ngay lập tức tôi tắt điện thoại, đứng dậy toan đến ngay văn phòng của Waze để lấy thêm thông tin về vị trí thực tập. Stefan nhìn tôi, gật đầu và cười: "Tôi thích thái độ đấy! Chúc may mắn!" Mười phút sau tôi quay lại với một tấm danh thiếp trên tay, tôi đã để lại thư thoại cho người tuyển dụng và sẽ e-mail cho anh ta tối nay.
Tôi không thể ngờ rằng, chính giây phút ấy đã mang lại cho tôi một cơ hội làm thay đổi cuộc đời vĩnh viễn. Và như bạn thấy đấy, giờ đây tôi là người lãnh đạo mảng kinh doanh tại Mỹ Latin, giám sát bán hàng và chiến lược cho Waze.
Nếu không trải qua những bài học từ khi còn đang thất nghiệp thì bây giờ tôi đã không ngồi đây mà viết những dòng này. Là một người mới bước chân vào nền kinh tế mới mẻ này, tôi đã phải đối diện với câu hỏi "Anh có bằng cấp ấy hả, thì sao?". Điều mà tôi học được chính là: phải học không ngừng nghỉ và luôn chủ động trong việc tìm kiếm người dẫn dắt và mối quan hệ.
Tôi học và đọc không ngừng. Dọc hành trình tôi đã gặp được những người chỉ đường rất sáng suốt và rộng rãi, họ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của thái độ tích cực.
Nhưng có lẽ bài học quan trọng nhất trên con đường từ một sinh viên vỡ nợ tới một lãnh đạo sống ở New York chính là:Mọi chuyện chỉ là tạm thời. Tình trạng hiện tại dù có tốt hay xấu thế nào cũng sẽ không kéo dài mãi mãi.
Người ta thường có sẵn những yếu tố nội tại để thành công: khát vọng và ý chí học tập. Ý chí ấy sẽ thúc đẩy người ta vươn tới những người thầy giỏi và những mối quan hệ có lợi. Họ chỉ cần tin tưởng vào quá trình mà thôi. Mà thông thường, tin tưởng - yếu tố đưa ta tới những cơ hội tuyệt vời - lại là việc khó khăn và thách thức nhất.
Thùy An (Theo Infonet)