Quản lý thị trường vàng: Sứ mệnh của Ngân hàng Nhà nước
10/09/2014 11:32
Những thành công của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quản lý thị trường vàng thời gian qua rất đáng ghi nhận, song chúng tôi nhận thấy, nhiều giải pháp có tính nửa vời, thăm dò, chỉ giải quyết các mục tiêu ngắn hạn, có phần làm vừa lòng dư luận và các nhóm lợi ích. Để có thể đưa ra những giải pháp quản lý thị trường vàng một cách triệt để, cần phải khẳng định một số vấn đề nghiêm ngặt nhất mang tính nguyên tắc.
Quản lý vàng chính là quản lý cung tiền của nền kinh tế
Trước hết, phải khẳng định về phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn, vàng chính là tiền hoặc phải được xem như là tiền (ultimate money). Nếu vàng (không phải vàng nữ trang) là tiền thì chắc chắn chúng phải được Chính phủ quản lý. Nói cho dễ hiểu, nếu chỉ có ngân hàng trung ương được phép in tiền thì cũng chỉ có ngân hàng trung ương mới được phép thực hiện điều tương tự đối với vàng. Nếu có bất kỳ một định chế nào ngoài Chính phủ được phép chuyển đổi tự do giữa tiền và vàng thì ngân hàng trung ương sẽ không bao giờ quản lý được cung tiền của nền kinh tế.
Nếu vàng được chuyển thành tiền thì Chính phủ sẽ không thể nào ngăn cản được quá trình phân rã tạo ra “vũ khí hủy diệt hàng loạt” trên thị trường tài chính như trong thời gian qua: “Vàng -> Tiền -> Tín dụng -> Chứng khoán và tài sản -> Vàng -> Tiền -> Tín dụng…”
Những bất ổn vĩ mô trong nhiều thập kỷ qua cho thấy, chúng ta ứng xử không đúng đối với vàng nên đã dẫn đến những bất ổn vĩ mô nghiêm trọng mà đến nay vẫn còn hậu quả.
Điều này có nghĩa là chính sách đối với thị trường vàng phải thật nghiêm ngặt và không có bất kỳ một sự diễn dịch nào tạo ra kẻ hở. Chẳng hạn, bất kỳ suy diễn nào để chuyển đổi từ vàng nữ trang thành vàng miếng do Nhà nước quản lý rồi chuyển thành VND phải hoàn toàn bị nghiêm cấm.
Quản lý vàng chính là triệt tiêu những bất ổn trong hệ thống tài chính
Một trong những nỗ lực quản lý nhà nước trong thời gian qua là đưa vàng ra khỏi bảng cân đối tài sản của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Việc tất toán vàng huy động và chấm dứt tình trạng cho vay vốn vàng và cấp tín dụng cho các đơn vị kinh doanh vàng là những nỗ lực đáng ghi nhận. Đáng tiếc là NHNN lại không cho phép các NHTM nhận giữ hộ vàng và đầu tư kinh doanh vàng miếng. Nghiệp vụ giữ vàng hộ dù được đưa ra ngoài bảng cân đối tài sản của NHTM, nhưng bản chất của vấn đề vẫn không thay đổi. Vàng vẫn được huy động và được ghi chép dưới khoản mục nào đó. Khi đưa ra khoản mục ngoài bảng, NHNN càng khó kiểm soát hơn.
NHNN đã nỗ lực trong thực hiện chủ trương không cho phép chuyển đổi vốn vàng huy động sang VND, nhưng nay NHNN lại cho phép các NHTM được phép kinh doanh vàng thì bản chất vấn đề vẫn không thay đổi. Các NHTM giờ đây tự bỏ vốn ra để đầu tư nắm giữ vàng, thay vì bán vàng của người gửi vàng như trước.
Theo chúng tôi, quy định trạng thái nắm giữ vàng không quá tỷ lệ phần trăm nào đó so với vốn tự có vẫn vi phạm nguyên tắc tối hậu là chỉ có ngân hàng trung ương mới được phép quản lý vàng, mà thực chất là quản lý cung tiền của nền kinh tế.
Tấn công vào cầu vàng thay cho chính sách tăng cung
Bài học của Ấn Độ trong cuộc chiến với vàng từ những năm 1962 đến nay là bài học cho Việt Nam trong nỗ lực huy động vàng trong nền kinh tế. Những nỗ lực huy động vàng để chuyển đổi vàng đáp ứng nhu cầu được xem như là giải pháp đáp ứng nguồn cung vàng trong nền kinh tế. Sau hơn 40 năm tìm kiếm những giải pháp đáp ứng nguồn cung vàng, Ấn Độ đã chuyển sang các giải pháp tấn công vào cầu vàng, nhằm giảm tình trạng nắm giữ vàng của người dân thông qua thuế trong hơn 2 năm qua.
Hiện nay, NHNN thực hiện giải pháp đấu thầu vàng là một hình thức đáp ứng nguồn cung, nhưng mặt khác tác động lên cầu khi mức giá đưa ra chào bán luôn cao hơn giá thế giới khoảng 10%. Thay vì đánh thuế nhập khẩu vàng như các nước, nay NHNN độc quyền nhập khẩu vàng nên việc duy trì chênh lệch này cũng có thể xem như mức thuế phải đóng cho ngân sách.
Tuy nhiên, có thể xuất hiện một mối quan ngại là liệu chính sách tấn công vào cầu vàng nhằm làm cho việc nắm giữ vàng của người dân không còn trở nên hấp dẫn có ảnh hưởng bất lợi đến quyền lợi của những người đang nắm giữ vàng hiện nay hay không? Bởi thực tế, thói quen lẫn văn hóa của người Việt vẫn xem vàng vừa là tài sản bảo toàn giá trị, vừa là kênh đầu tư lẫn phòng ngừa rủi ro đã hình thành trong suốt một thời gian dài, khiến hiện nay có một lượng lớn vàng đang được người dân nắm giữ.
Hơn nữa, chúng ta cũng không thể không thừa nhận tính hấp dẫn của vàng dưới góc độ của một kênh đầu tư khi biến động giá vàng thế giới ngày càng tăng, hoặc kinh tế Việt Nam có khả năng trải qua lạm phát cao trong thời gian tới. Nhất là không thể xóa bỏ thói quen tích trữ vàng đã bao đời nay của người dân Việt Nam. Trong trường hợp này, Chính phủ cần phải tạo ra một kênh đầu tư vàng để công chúng có thể tiếp cận. Thành lập một định chế tài chính chuyên biệt điều hành thị trường vàng có thể giải quyết vấn đề này.
Thành lập một định chế tài chính chuyên biệt điều hành thị trường vàng
Dựa trên những cách tiếp cận mà chính phủ các nước trên thế giới ứng xử một cách hợp pháp đối với quản lý thị trường vàng và nhu cầu mua vàng chính đáng của người dân; dựa trên những bước đi trong việc quản lý thị trường vàng đạt được thời gian qua và những tồn tại hiện nay, cũng như đặc thù quốc gia, chúng tôi đề xuất thành lập một định chế tài chính chuyên biệt giống như một SPV (Special Purpose Vehicle) được quản lý trực tiếp bởi NHNN.
Về mặt kỹ thuật, sẽ còn nhiều vấn đề, thậm chí là vấn đề khó khăn về mặt pháp lý cần phải bàn đến khi thành lập SPV. Tuy nhiên, về mặt ý tưởng, đây sẽ là hướng đi đúng trong giai đoạn sắp tới.
Cần hướng đến giải pháp dài hạn và không bao giờ gây tranh cãi
Phải mạnh dạn khẳng định việc loại bỏ hoàn toàn vàng ra khỏi hệ thống NHTM là cách thức duy nhất để NHNN quản lý cung và cầu tiền trong nền kinh tế, cũng như thực thi có hiệu quả chính sách tiền tệ và loại bỏ những bất ổn tiềm ẩn trong hệ thống tài chính. Các văn bản pháp lý liên quan đến toàn bộ chủ trương này, vì vậy, không thể đến từ phán đoán của các bộ phận chuyên môn của NHNN, mà phải có một khuôn khổ pháp lý xuyên suốt hình thành ở cấp cao nhất từ Quốc hội và Chính phủ về các chủ trương quản lý thị trường vàng.
Tất cả những giải pháp mà chúng tôi nêu ra có thể tóm lược bằng hình ảnh “cuộc chiến với vàng”. Tuy nhiên, để cuộc chiến với vàng thành công, phải dựa trên một số điều kiện: Phải được tiến hành theo cách thức hợp pháp và phải đặt quyền lợi của công chúng là tối hậu.
Cách thức hợp pháp nhất trong cuộc chiến với vàng chỉ có thể đến bằng một chính sách kinh tế vĩ mô tạo niềm tin cho nhà đầu tư và thị trường về một triển vọng trong dài hạn, ổn định lạm phát và giá trị tiền đồng. NHNN phải liên tục đưa những tín hiệu và thông báo rằng, sẽ liên tục bán vàng trong bất kỳ hoàn cảnh nào để làm giảm giá vàng, hoặc làm nản lòng giới đầu cơ vàng.
Các chính sách quản lý thị trường vàng mà NHNN đang tiến hành hoặc các giải pháp trong tương lai chỉ có thể thành công bằng một cách thức hợp pháp và không bao giờ gây tranh cãi là niềm tin vào các chính sách tiền tệ và tài khóa của Chính phủ.
Khi người dân bắt đầu nhận ra một chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng quá mức để chạy theo mục tiêu tăng trưởng, thì cũng là lúc họ mất dần niềm tin vào các chính sách kinh tế vĩ mô. Hậu quả là họ sẽ tìm mọi cách mua vàng làm nơi trú ẩn an toàn. Lúc bấy giờ sẽ không có bất kỳ một ngân hàng trung ương hoặc SPV nào trên thế giới có thể có một nguồn cung ứng vàng vô tận để giải quyết các nhu cầu chính đáng này. Các giải pháp cho vấn đề này cho dù bằng biện pháp thị trường hoặc bằng mệnh lệnh hành chính cũng sẽ dẫn đến thất bại.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn