Những vấn đề tiềm ẩn từ phía chủ thương hiệu

15/09/2014 01:26

Những vấn đề tiềm ẩn từ phía chủ thương hiệu


Do số phận của Bên nhượng quyền và người mua quyền thương mại luôn đan xen với nhau, điều quan trọng là phải biết đối phó như thế nào với một khó khăn nảy sinh từ phía chủ thương hiệu. Hai vấn đề tiềm ẩn được bàn thảo ở đây và những đề xuất để những người mua quyền thương mại có những hành động thích hợp, đó là việc thay đổi quyền sở hữu công ty và những khó khăn nghiêm trọng về tài chính của Bên nhượng quyền.


Những hệ lụy của việc thay đổi quyền sở hữu công ty

 

 

Việc thay đổi quyền sở hữu của Bên nhượng quyền có thể là tốt hoặc xấu đối với người mua quyền kinh doanh. Một chủ nhân mới có thể bổ sung nguồn lực, mang đến thêm nhiều khách hàng hoặc hỗ trợ mạnh về tài chính cho người mua quyền kinh doanh. Hoặc một chủ nhân mới cũng có thể tăng các khoản phí nhượng quyền hoặc tăng giá vật tư hoặc sản phẩm cung cấp để bù đắp tài chính cho thương vụ mua lại quyền sở hữu hệ thống này. Ngoài ra, có thể ban quản lý mới thiếu kinh nghiệm và thực hiện nhiều quyết định sai lầm.

Việc thay đổi ban quản lý có thể rất tai hại, đặc biệt khi phòng điều hành có sự thay đổi về nhân sự. Chủ nhân của một đơn vị chuyên môi giới mua bán các doanh nghiệp cố gắng lắm có thể tồn tại sau sáu lần thay đổi quyền sở hữu của hệ thống nhượng quyền bằng cách “phải hết sức tập trung vào công việc bán hàng” bất chấp những xáo trộn đó. Một ví dụ khác, sau khi chứng kiến các chủ nhân của hệ thống nhượng quyền thực hiện cổ phần hóa và tư nhân hóa doanh nghiệp mấy lần, những người mua quyền thương mại đã thành lập tổ chức những người mua quyền kinh doanh độc lập để tự bảo vệ. Cuối cùng, do thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của những nhóm chủ sở hữu mới, nhiều người mua quyền thương mại đã không trả tiền phí bản quyền, tháo bỏ logo và bắt đầu kinh doanh độc lập.

Người mua quyền kinh doanh có thể làm gì, nếu có, để tránh những khó khăn tiềm ẩn của việc thay đổi quyền sở hữu? Người mua quyền kinh doanh nói: “Nếu được quay ngược lại thời gian đàm phán trước đây, tôi muốn đưa vào hợp đồng nhượng quyền điều khoản là, nếu công ty bị bán hoặc thay đổi chủ sở hữu, tôi có quyền lựa chọn việc chấm dứt hợp đồng”.

Theo quan điểm pháp lý, bạn hầu như không thể làm gì để ngăn cản Bên nhượng quyền bán công ty của họ đi, do vậy khi điều tra một công ty nhượng quyền bạn  nên xem xét tuổi tác và  mục tiêu của các chủ nhân của công ty đó. Ngoài ra, tìm hiểu xem họ có tận tâm với ngành kinh doanh này không; điều này sẽ cho bạn biết một số dấu hiệu liệu có sự thay đổi nào sắp xảy ra ở công ty này hay không. Tất nhiên sẽ không có sự bảo đảm chắc chắn nào ở đây cả, do vậy vấn đề thay đổi chủ sở hữu vẫn còn là một trong số các nhân tố rủi ro khi bạn mua quyền kinh doanh.

 

Những ảnh hưởng của tình trạng chủ thương hiệu bị phá sản

 

 

Trước tiên, chúng ta hãy xem Bên nhượng quyền có thể làm gì. Thông thường, Bên nhượng quyền thích giữ kín các khó khăn về tài chính của mình và chỉ khi buộc phải công bố rộng rãi hoặc phải đệ đơn xin phá sản thì khi đó người mua quyền thương mại mới mang máng biết được tình hình nghiêm trọng sắp xảy ra. Trong lúc gặp khó khăn tài chính, Bên nhượng quyền nên báo cho những người mua quyền kinh doanh biết càng sớm càng tốt và luôn cập nhật thông tin để họ nắm rõ tình hình hiện tại. Ngoài ra, Bên nhượng quyền nên cho đăng nhiều bài trên báo chí nhấn mạnh việc kinh doanh trong hệ thống vẫn đang tiến triển và những người mua quyền kinh doanh trong hệ thống vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường.

Nếu chủ thương hiệu không cho đăng những bài báo như đề nghị trên đây, với tư cách là người mua quyền thương mại, bạn phải thúc chủ thương hiệu và kêu gọi những người mua quyền thương mại khác cùng bày tỏ những lo ngại với chủ thương hiệu.

Những người mua quyền thương mại trong những tình cảnh này có thể sẽ phải nghiên cứu khả năng tổ chức một ủy ban nhượng quyền để đối phó với quy định về phá sản và những vấn đề tài chính khác nhằm mục tiêu là bảo vệ tốt nhất việc kinh doanh của cả Bên nhượng quyền và người mua quyền thương mại.

 

Lời mách nước

Công chúng thường liên tưởng một cách nhầm lẫn việc kinh doanh của người mua quyền thương mại và việc kinh doanh của Bên nhượng quyền bị phá sản. Nếu bạn gặp phải tình trạng không may này và nhận được những ý kiến tiêu cực của khách hàng về khả năng tồn tại của doanh nghiệp bạn, hãy làm mọi thứ có thể được để mọ người biết thực tế là việc kinh doanh của bạn vẫn tồn tại, tiến triển tốt bất kể những khó khăn của chủ thương hiệu.

 

Nhượng lại quyền kinh doanh của mình

Chúng tôi hy vọng bạn chỉ nghĩ việc nhượng lại quyền kinh doanh của mình sau nhiều năm hoạt động thành công. Nhưng đôi khi những cân nhắc về quyền lợi cá nhân và tài chính buộc bạn phải nhượng lại quyền sở hữu đơn vị kinh doanh nhượng quyền của mình. Do vậy khả năng bán hay sang nhượng lại quyền  kinh doanh là một phần quan trọng trong hợp đồng nhượng quyền. Hãy kiểm tra hợp đồng nhượng quyền và xem Bên nhượng quyền quy định trường hợp sang nhượng lại như thế nào. Bạn cũng phải kiểm tra xem họ có đề cập rõ ràng là quyền thương mại có thể sang nhượng trong trường hợp bạn qua đời hoặc bị thương tật dẫn đến bị tàn phế.

Các chủ thương hiệu quan tâm hơn hết là ai sẽ mua lại quyền kinh doanh của bạn bởi vì họ luôn hy vọng sẽ duy trì được mức doanh thu và họ cũng muốn biết người mua mới này có khả năng trả phí bản quyền và các khoản phí khác không. Trong phần lớn các trường hợp, việc sang nhượng lại quyền thương mại phải được chủ thương hiệu chấp thuận. Trong thực tế, chủ thương hiệu cũng chẳng gây khó khăn gì đối với hầu hết các vụ bán lại quyền kinh doanh nếu họ cho là hợp lý. Chẳng ai lại muốn làm phiền lòng người mua quyền thương mại cả.

 

Kết luận

Khởi sự một ngành kinh doanh – mà thậm chí đó là ngành đã xây dựng được những quy trình và quy chuẩn đạt đến mức cực kỳ khoa học – có thể cho ta cảm giác giống như đang chơi trò tàu lượn cảm giác mạnh. Sự thăng trầm trong kinh doanh là hoàn toàn bình thường, chỉ cần bạn tiếp tục có những quyết định cẩn trọng và có phương pháp, bạn sẽ tránh được những vấn đề nghiêm trọng.

 

Mary E.Tomzack

www.nhuongquyenvietnam.com