Những điều ít biết khi một quốc gia vỡ nợ
09/08/2014 09:48
Hầu hết các quốc gia đều đã vỡ nợ một lần trong lịch sử, thậm chí có nước từng vỡ nợ hơn 10 lần chẳng hạn như Tây Ban Nha.
Trước khi nói về một quốc gia vỡ nợ, hãy thử hình dung sự việc phổ biến hơn trong đời sống, đó là sự vỡ nợ của một người bình thường. Khi một người không thể thanh toán một khoản nợ đúng hạn, các chủ nợ sẽ bắt đầu gửi thư hay nhấc máy gọi những cuộc điện thoại. Nếu các chủ nợ vẫn chưa nhận được tiền, tài sản thế chấp sẽ bị thu hồi.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi một quốc gia rơi vào tình trạng vỡ nợ? Trên thực tế, hầu hết các quốc gia đều đã vỡ nợ ít nhất một lần nhưng những hiểu biết về nó vẫn chưa phải là điều mà mọi công dân trong những quốc gia đó đều biết.
Từ Pháp năm 1558 đến Argentina năm 2001, đã có hàng trăm quốc gia vỡ nợ hoặc tái cấu trúc nợ. Hậu quả cũng rất đa dạng, từ không mấy nghiêm trọng (do vỡ nợ chỉ mang tính kỹ thuật) đến suy thoái nặng nề trong nền kinh tế với tác động dài hạn sâu sắc, tiếp tục hiện diện cho đến ngày hôm nay.
Lịch sử những vụ vỡ nợ nổi tiếng
Vụ vỡ nợ lớn đầu tiên xảy ra tại Tây Ban Nha vào năm 1557, dưới thời vua Philip II sau khi quốc gia này đã trải qua không dưới 4 lần vỡ nợ trước đó do chi phí quân sự tăng cao và sự giảm giá của vàng. Sau đó, Tây Ban Nha tiếp tục vỡ nợ 15 lần nữa trong khoảng thời gian 1557-1939.
Một ví dụ gần gây là Argentina - quốc gia vỡ nợ vào cuối năm 2001 đối với khoản nợ lên đến 132 tỷ USD. Số tiền tương đương 1/7 tổng số tiền mà thế giới thứ ba (các quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới) vay mượn trong thời gian đó. Sau thời kỳ không ổn định, Argentina đã lựa chọn giảm giá đồng nội tệ và có thể phục hồi tăng trưởng GDP trong suốt 9 năm sau đó.
Mới đây nhất, vẫn là Argentina khi quốc gia Nam Mỹ đã lâm vào vỡ nợ do không thanh toán khoản nợ 1,33 tỷ USD cho 2 quỹ đầu tư của Mỹ khi hạn chót 30/7 đã trôi qua. Đây là lần vỡ nợ lần thứ 2 của Argentina trong vòng 13 năm.
Tính từ năm 1800 đến nay, khu vực Nam Mỹ là nơi có các quốc gia vỡ nợ nhiều lần nhất. Theo thống kê của Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff, Ecuador và Venezuela là hai quốc gia vỡ nợ nhiều nhất kể từ năm 1800 với 10 lần. Xếp thứ hai là bốn quốc gia Brazil, Costa Rica, Chile và Uruguay với 9 lần vỡ nợ.
Điều gì sẽ xảy ra sau khi một quốc gia vỡ nợ?
Khác với doanh nghiệp hoặc cá nhân khi vỡ nợ, thay vì rời khỏi ngành kinh doanh, quốc gia vỡ nợ phải đối mặt với nhiều lựa chọn và lựa chọn thường xuyên nhất là tái cấu trúc các khoản nợ. Thông thường trong khoảng thời gian này, hạ giá đồng nội tệ là giải pháp phổ biến để giảm bớt áp lực nợ.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia còn thực hiện biện pháp "thắt lưng buộc bụng" sau khi tăng trưởng hồi phục. Trong trường hợp một quốc gia hạ giá đồng nội tệ để trả nợ dễ dàng hơn, việc định giá tiền tệ thấp hơn cũng sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu và ngành sản xuất trong nước, qua đó giúp tái phục hồi nền kinh tế.
Người cho vay cuối cùng đôi khi cũng phải tiếp tục vay mượn thêm một lần nữa. Khác với sự phá sản của một doanh nghiệp hay một cá nhân vỡ nợ, một quốc gia vỡ nợ không đồng nghĩa với việc đã mất đi tất cả. Ít nhất, họ vẫn sở hữu những tài sản quốc gia có giá trị lớn để gán nợ hoặc bán lấy tiền trả nợ. Vì thế, xu hướng tái cấu trúc nợ trở nên phổ biến: quốc gia vỡ nợ sẽ đổi những khoản nợ cũ không trả được bằng những khoản nợ mới, nhằm giảm giá trị các khoản nợ và có thêm thời hạn để chi trả. Rốt cuộc, một quốc gia không thể đóng cửa mãi mãi.
Dự báo một quốc gia vỡ nợ
Dự đoán khả năng vỡ nợ là điều khó khăn, ngay cả khi mọi thứ dường như rất ảm đạm đối với một quốc gia. Ví dụ như, các chuyên gia phân tích đã cảnh báo về nợ công của Nhật Bản trong vòng ít nhất 12 năm, nhưng nền kinh tế này vẫn đứng vững với nợ công tương đương 230% GDP, bất chấp giảm phát kéo dài hơn 1 thập kỷ. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã vỡ nợ khi tỷ lệ nợ công chưa tới 60% GDP.
Chính phủ các quốc gia có xu hướng lâm vào vỡ nợ vì nhiều lý do khác nhau. Có thể từ một sự đảo ngược đơn thuần của dòng vốn toàn cầu từ nơi mang lại lợi nhuận thấp đến nơi lợi nhuận cao. Tuy nhiên, cũng có nhiều cuộc khủng hoảng là kết quả của khủng hoảng ngành ngân hàng.
Vì vậy, việc dự báo vỡ nợ thường không dễ dàng. Nghiên cứu mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do Andrea Pescatori, Damiano Sandri và John Simon thực hiện với đề tài: "Debt and Growth: Is There a Magic Threshold?" đã chỉ ra rằng: không tồn tại ngưỡng an toàn của nợ công.
"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào về một ngưỡng nợ công đặc biệt mà vượt qua ngưỡng đó, triển vọng tăng trưởng trong trung hạn bị tổn hại một cách đáng kể", 3 nhà nghiên cứu của IMF khẳng định.
Nghiên cứu này đã bác bỏ kết luận trước đó về ngưỡng nợ công 90% GDP của Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff khi cho rằng, tỷ lệ nợ công/GDP của một quốc gia vượt quá 90%, GDP của quốc gia đó sẽ giảm 0,1% và ngược lại, nếu tỉ lệ này dưới 90% thì tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 3%-4%.
Hầu hết các quốc gia đều đã vỡ nợ một lần trong lịch sử tồn tại, thậm chí có quốc gia từng vỡ nợ trên 10 lần, chẳng hạn như Tây Ban Nhatrong những năm 1500.
Thay vì từ bỏ ngành kinh doanh như các công ty khi phá sản, các quốc gia phải đối mặt với nhiều sự lựa chọn và thường phải tái cấu trúc các khoản nợ thay vì "xù nợ" (không trả bất cứ khoản nợ nào).
Các quốc gia thường vỡ nợ vì nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể chỉ đơn giản là sự đảo ngược của dòng vốn quốc tế.
Theo Gafin/DVO