Nguyên lý 4 chữ S cho doanh nghiệp mới
02/11/2015 03:50
Dân kinh doanh thường rất thích các công thức và ký tự viết tắt. Mỗi công cụ này đều mang giá trị, ý nghĩa riêng và có thể ứng dụng trong rất nhiều trường hợp. Tuy nhiên, nếu áp đặt cùng lúc tất cả cho một doanh nghiệp mới thì lại làm phức tạp hóa vấn đề và dẫn đến phản tác dụng.Chung quy lại thì một doanh nghiệp mới chỉ cần áp dụng nguyên lý 4S sau là đủ:
Dân kinh doanh thường rất thích các công thức và ký tự viết tắt. Thế nên ta có 4P (có lúc lên đến 7P) trong marketing - viết tắt của Product (sản phẩm), Price (giá), Place (thị trường), Promotion (tiếp thị) – và 3C trong kinh doanh – Customer (khách hàng), Competitors (đối thủ cạnh tranh, Corporation (doanh nghiệp).
Ngoài ra còn có mô hình phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức (SWOT) và rất nhiều những ma trận hai hàng, hai cột mang tính lý thuyết hoặc học thuật tương tự để bạn có thể đưa thách thức của doanh nghiệp vào và tìm ra lời giải.
Nói chung, mỗi công cụ này đều mang giá trị, ý nghĩa riêng và có thể ứng dụng trong rất nhiều trường hợp. Tuy nhiên, nếu áp đặt cùng lúc tất cả cho một doanh nghiệp mới thì lại làm phức tạp hóa vấn đề và dẫn đến phản tác dụng.
Chung quy lại thì một doanh nghiệp mới chỉ cần áp dụng nguyên lý 4S sau là đủ:
1. Service (Dịch vụ)
Có phải bạn đã tìm ra được giải pháp cho một vấn đề hay một nhu cầu của khách hàng?
Có phải giải pháp của bạn sẽ cải thiện cuộc sống của người tiêu dùng?
Cho dù bạn đang sản xuất một sản phẩm hay cung cấp một dịch vụ hữu hình thì kiểu gì bạn cũng phải đem lại giá trị cho khách hàng. Có thể là bạn tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới nhưng cũng có thể sản phẩm đã có trên thị trường còn thiếu hoặc chưa được tốt như của bạn.
Thế nên hãy tìm ra vấn đề và giải quyết vấn đề đó.
2. System (Hệ thống)
Bạn có thể tự mình sản xuất và cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn nghĩ ra?
Hay người khác có thể sản xuất và cung cấp nó cho bạn?
Hãy hình dung rõ ràng về hệ thống sản xuất và cung ứng sản phẩm/dịch vụ của bạn. Đôi khi vì ý tưởng quá mới hay quá sáng tạo nên sẽ quá tốn kém, quá khó hoặc không thể tự làm. Nhưng nếu qua tay một công ty hoặc một đơn vị khác thì lại cho sản phẩm một cách nhanh gọn và hiệu quả. Trong trường hợp này, bạn có thể ký một thỏa thuận cấp phép để doanh nghiệp khác làm.
Ngoài ra, bạn phải quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác, từ cơ cấu công ty cho đến việc quản lý tài chính và theo dõi sổ sách. Có thể thời gian đầu bạn vẫn phải làm những công việc hành chính trên nhưng sau này, bạn có thể giao chúng cho nhân viên dưới quyền.
Ưu tiên hàng đầu của bạn là đáp ứng và gia tăng nhu cầu.
3. Strategy (Chiến lược)
Làm thế nào để ‘câu’ được khách hàng đầu tiên?
Bạn đã nghĩ đến cách để kiếm được khách hàng thứ 1 triệu chưa?
Làm thế nào bạn sẽ khuếch trương quy mô kinh doanh?
Bạn đã nghĩ đến cách để rút lui khỏi công ty sau khi đạt được mục tiêu lợi nhuận chưa?
Rất nhiều doanh nghiệp mở công ty từ một ý tưởng tuyệt vời nhưng sau một thời gian ngắn thì họ hết tiền và công ty đó cũng xẹp như bong bóng. Lý do có thể là vì họ không đủ khả năng phát triển doanh nghiệp hoặc ôm đồm quá nhiều (hay quá ít) mảng kinh doanh.
Hãy chuẩn bị một chiến lược dài hơi bên cạnh những mục tiêu ngắn hạn để đảm bảo chắc chắn rằng bạn đang đưa công ty mình đi đúng hướng. Chiến lược của bạn càng linh hoạt thì bạn càng dễ thành công.
Đồng thời chuẩn bị sẵn một bản kế hoạch kinh doanh giống như kiểu bạn chuẩn bị cho một chuyến đi dài trên biển. Rõ ràng, bạn sẽ muốn có một bản đồ và một điểm đến, các phương tiện, đồ dùng thích hợp để điều hướng và một bản kế hoạch dự phòng, bổ sung vật tư, nhiên liệu. Ngoài ra, trong trường hợp khẩn cấp, bạn cũng phải biết để điều chỉnh đường hướng.
Việc lập kế hoạch ngay từ khi mới bắt đầu là một thách thức đối với hầu hết các doanh nghiệp vì không phải ai cũng đủ kinh nghiệm để biết những gì có thể xảy ra. Đây là lúc bạn phải tìm kiếm sự tư vấn, hỗ trợ của những nhà tư vấn giỏi và thậm chí cả những người đồng sáng lập giàu kinh nghiệm.
Tóm lại, bạn luôn luôn phải chuẩn bị sẵn chiến lược và kế hoạch cho doanh nghiệp mình.
4. Spine (dũng khí)
Bạn có đủ dũng khí để bắt đầu?
Thứ cuối cùng mà bạn cần để bắt đầu một doanh nghiệp mới là sự can đảm. Theo kinh nghiệm bản thân, nếu bạn có ba yếu tố đầu tiên này thì không có lý do gì phải chần chừ nữa. Tuy nhiên, bạn cũng phải hiểu rằng một số lượng đáng kể các doanh nghiệp mới gặp thất bại. Thế nên bạn hoàn toàn có thể không thành công với lần kinh doanh đầu tiên của mình. Nhưng chính những kinh nghiệm và bài học rút ra được từ những đổ vỡ đó làm lên những doanh nhân xuất sắc nhất.
Hãy nhớ rằng lập nghiệp cũng giống như hẹn hò. Khó nhất là lần đầu vì bạn sẽ cảm thấy lo lắng không biết mọi chuyện sẽ ra sao. Nhưng càng về sau, mọi thứ sẽ càng trở nên dễ dàng.
Theo Hoc Lam Giau