Người Việt thu nhập thấp nhưng mê game
27/07/2015 04:57
Đó là nhận xét của ông Vương Vũ Thắng, tổng giám đốc Sohagame, một trong bốn công ty phát hành game lớn nhất, cùng với Appota, VTC và VNG tại thị trường Việt Nam hiện nay. Ông Thắng đã chứng minh nhận xét trên bằng những con số về doanh thu và tỷ lệ thị phần của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, con số này được cập nhật đến tháng 6.2015.
“Xét về thu nhập, Việt Nam gần như là nước đứng chót bảng trong khu vực, khoảng 2.000 USD/người, trong khi đó Thái Lan là 6.000 USD/người… Xét về dân số, Việt Nam có 90 triệu dân, còn Indonesia gần 300 triệu dân. Nhưng về doanh số, thị trường game di động Việt Nam bằng thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore cộng lại”, ông Thắng cho biết.
Người Việt mê game
Các nhà phát triển game di động cùng chung quan điểm: “Người chơi game của Việt Nam sẵn sàng trả nhiều tiền cho game trên smartphone hơn game PC hoặc web game”. Số người dùng smartphone hiện nay của Việt Nam là 23 triệu, thấp hơn so với Indonesia, nhưng trong đó có 8 triệu người chơi game, bằng với số lượng người chơi game ở Indonesia. Thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ bằng 1/3 Thái Lan, nhưng chỉ số ARPPU (mức phí/người chơi) bằng 80% của người chơi game ở Thái Lan.
Theo thống kê, với 83 triệu USD trong năm 2014, doanh thu của game di động Việt Nam chiếm 37% thị trường game di động của các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam là quốc gia có số lượng game di động hiện đang hoạt động nhiều nhất: 77 game (ước tính hết năm 2015 là 120 game) so với 25 game ở Thái Lan và 20 game ở Indonesia.
Xét về doanh thu của từng game di động ở Việt Nam cũng cao hơn các nước khác. Năm 2014, Dota truyền kỳ là game có lượng người chơi cao nhất: hơn 100.000 người chơi/ngày, tiếp theo là iGa với 70.000 người chơi/ngày, đứng thứ ba là Mộng võ lâm (do Emobi VN sản xuất) với 40.000 người chơi/ngày.
Qua số liệu thống kê của Sohagame, 72% người chơi game tải game từ những chợ ứng dụng lớn như: Google Play, Apple Store; 23% download trực tiếp từ các trang web kinh doanh game và 5% thông qua các nhà phân phối như cửa hàng kinh doanh game hoặc các cửa hàng bán điện thoại di động, với yêu cầu ngắn gọn: “Tôi muốn cài đặt game này”.
Giới kinh doanh game dự đoán, doanh thu game di động ở Việt Nam sẽ tăng mạnh trong ba năm, từ 2015 – 2017. “Năm 2017, doanh thu của game di động có thể đạt 190 triệu USD, chiếm 60% tổng doanh thu ngành game, cao hơn game PC hay web game. Game di động sẽ là yếu tố quan trọng của công nghiệp game nói chung”, ông Thắng nhận định.
… Gu kiếm hiệp
Ông Lê Hồng Minh, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc VNG, tiết lộ: “Thành công và thất bại với việc sản xuất và kinh doanh game di động không thể giải thích được. Kinh nghiệm cho rằng, phát triển càng nhiều game càng tốt để mong chờ một trong những game đó sẽ thành công. Cách đây mười năm, VNG phát hành 100 game nhưng có tới 80 – 90% thất bại trong vòng một tháng, 10% phải xây dựng lại nền tảng”. Ông Minh kể, có một game được xếp hàng đầu tại Hàn Quốc về doanh số và lượng người chơi, nhưng lại thất bại ở Việt Nam. Theo vị tổng giám đốc này, để game thu hút người chơi, nhà phát hành game không chỉ biết quảng bá, tổ chức sự kiện cộng đồng, treo bảng hiệu, quảng cáo trên tivi, có kỹ thuật giỏi, chăm sóc khách hàng tốt, quản trị game tốt… mà còn phải biết cách chọn game phù hợp với văn hoá của người Việt.
Nhìn góc độ khác, ông Vương Vũ Thắng cho rằng, những thể loại game được thích nhất ở Việt Nam là kiếm hiệp, võ thuật và Manga; còn ở Thái Lan thiên về viễn tưởng và Manga, riêng Indonesia thiên về game có phong cách phương Tây. Ông Thắng cho rằng: “Những game đã thành công ở Trung Quốc sẽ có khả năng thành công ở Việt Nam, vì văn hoá game thủ của hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng. Trong khi đó, cùng là khu vực, nhưng những game thành công ở Việt Nam chưa chắc đã thành công ở Thái Lan và Indonesia, và ngược lại”.
Theo lời ông Minh, khi khách hàng chơi game di động, nếu không thích game nào đó, họ không còn than phiền với nhà phát hành mà chỉ đơn giản là “xoá game”! Điều đó có nghĩa, khi lĩnh vực game di động phát triển lấn át các lĩnh vực game khác, nhà phát hành hay nhà phát triển cũng phải thay đổi “gu” phục vụ. Trong tương lai không xa, sẽ không còn tổng đài phục vụ khách hàng như cách làm cũ, thay vào đó là game hay, hợp “gu” với người chơi game Việt Nam.
Thanh toán linh hoạt
Nhiều chuyên gia phát hành game cho rằng, dù mới phát triển nhưng thị trường game di động Việt Nam qua mặt các quốc gia trong khu vực, là có phần đóng góp của các hình thức thanh toán với những yếu tố linh hoạt hơn. Ông Thắng cho rằng, trong một khảo sát của Sohagame, để mua game di động, 85% người chơi trả bằng thẻ trả trước, 10% bằng thẻ ATM và 5% còn lại dùng thẻ Visa hoặc MasterCard. Preecha, đại diện công ty MOL vừa thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, cũng cho rằng Việt Nam là quốc gia áp dụng nhiều hình thức thanh toán, từ thẻ trả trước, ATM cho đến tin nhắn SMS, hoá đơn chuyển trực tiếp – Easy2pay, dịch vụ thanh toán hộ như Ngân Lượng, Momo, Payoo…
(Theo Thegioitiepthi)